Người khai sinh một học thuyết cách mạng, khoa học và phát triển

09:11, 05/05/2013

Cùng với người bạn chiến đấu thủy chung của mình là Ph. Ăng-ghen, C. Mác đã xây dựng nên một học thuyết khoa học và cách mạng, làm hình thành nên thế giới quan khoa học mới về lịch sử, chính trị, xã hội,... và tiến trình phát triển của loài người, mở đường cho sự ra đời một xã hội mới.

Với ba bộ phận hợp thành: Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa cộng sản khoa học, sự ra đời của Chủ nghĩa Mác được đánh dấu bằng tác phẩm Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản (2-1848). C.Mác đã khái quát thành hệ thống lý luận của mình từ những thành quả nghiên cứu khoa học gắn với việc nghiên cứu, khảo sát thực tiễn phong trào cách mạng của giai cấp công nhân châu Âu, Bắc Mỹ - nơi chủ nghĩa tư bản đã đi đến giai đoạn công nghiệp phát triển từ giữa thế kỷ 19. Dựa trên cơ sở khoa học  vững  chắc  của  quan điểm biện chứng duy vật, học thuyết Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới, chỉ ra quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người là sự thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp tới cao; sự thay thế đó là một quá trình lâu dài và được quyết định bởi sự vận động của những mâu thuẫn bên trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội, trước hết là mâu thuẫn giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, mâu thuẫn giữa các giai cấp đối kháng về lợi ích. C.Mác khẳng định: Sự thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội là tất yếu và là "quá trình lịch sử tự nhiên".

 

Bằng lý thuyết của mình, C.Mác đã chỉ ra "bí mật" của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là bóc lột giá trị thặng dư - bao giờ cũng bắt nguồn từ lao động sống của tất cả những người lao động chân tay và lao động trí óc trong hệ thống phân công lao động xã hội ngày càng phức tạp. Bóc lột giá trị thặng dư là mục tiêu cơ bản mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa theo đuổi, là quy luật kinh tế quyết định bản chất của nó. Từ hai phát kiến vĩ đại là Học thuyết duy vật lịch sử và Học thuyết về giá trị thặng dư, C.Mác đã phát hiện ra lực lượng xã hội tiến bộ, cách mạng có sứ mệnh lịch sử xóa bỏ tình trạng tha hóa, bất công, xây dựng một xã hội mới tiến bộ, xã hội cộng sản văn minh là giai cấp công nhân. Luận giải một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã vạch ra đường lối chiến lược, sách lược đấu tranh cách mạng, phương thức giành chính quyền và những phương hướng cơ bản để giai cấp công nhân xây dựng xã hội cộng sản văn minh.

 

Không chỉ xây dựng học thuyết khoa học, cách mạng và mang tính nhân văn sâu sắc cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thông qua hoạt động trực tiếp trong phong trào công nhân, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã từng bước đưa lý luận thâm nhập vào phong trào, biến lý luận thành lực lượng vật chất to lớn, thúc đẩy cách mạng và sự phát triển của xã hội. Hai ông không bao giờ lùi bước, khuất phục trước sức ép của thế lực đối lập, đồng thời cũng kiên quyết chống lại mọi biểu hiện giáo điều, cơ hội, xét lại, đi ngược lại những nguyên tắc, phản bội lý tưởng của phong trào công nhân và quyền lợi của giai cấp công nhân. C. Mác chỉ rõ: Phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn cụ thể mà đề ra mục tiêu cách mạng phù hợp, giữ vững nguyên tắc nhưng mềm dẻo về phương pháp và linh hoạt về hình thức đấu tranh...

 

Sinh thời, V.I.Lê-nin luôn coi chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là "thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện, vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị"(1). V.I.Lê-nin cho rằng, Chủ nghĩa Mác đã cung cấp cho những người lao động và các dân tộc bị áp bức vũ khí lý luận mạnh mẽ để đoàn kết đấu tranh với chủ nghĩa tư bản và con đường để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tương lai. Trong thực tiễn cách mạng Nga, V.I. Lê-nin đã kế tục xuất sắc và phát triển chủ nghĩa Mác, lấy đó là nền tảng và là định hướng tư tưởng cho quá trình xây dựng, lãnh đạo một đảng cộng sản chân chính của giai cấp công nhân, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười 1917 vĩ đại, thành lập nhà nước công - nông đầu tiên trong lịch sử nhân loại, từng bước xây dựng những cơ sở ban đầu cho một xã hội xã hội chủ nghĩa.

 

 Từ các thành tựu của Chủ nghĩa Mác, nhiều bộ óc xuất sắc của trí tuệ loài người từ các năm đầu thế kỷ 20 như An-be Anh-xtanh, Giăng Pôn Sác-trơ, Béc-tran Rút-sen,... cho đến Giắc Ðê-ri-đa, No-am Chom-sky, Giô-dép Stiếc-lít,... gần đây, đều biểu thị sự đồng tình với chủ nghĩa cộng sản, đánh giá C. Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI và Cách mạng tháng Mười Nga là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

 

Thực tiễn lịch sử thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI đã và đang cho thấy: cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội của chủ nghĩa tư bản đã đẩy nhân loại vào hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng trăm cuộc "chiến tranh khu vực" với những hậu quả nặng nề, những thiệt hại to lớn về con người, của cải và đời sống tinh thần ở nhiều quốc gia, dân tộc. Những mặt trái đang nảy sinh ngày càng nhiều từ chính quá trình phát triển và mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản (khoảng cách giàu - nghèo, nạn khủng bố, chiến tranh sắc tộc và tôn giáo, ô nhiễm môi trường, bạo lực, bất công...). Hiện nay và đang tiếp diễn, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính sâu sắc, tình trạng nợ công và nguy cơ vỡ nợ ở nhiều nước, kể cả ở những nước tư bản phát triển cao đang bắt nhân dân lao động phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất cả về kinh tế và tinh thần. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản tự do mới, sản phẩm của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỷ XX, đặc biệt ở khu vực các nước Mỹ la-tinh đã thúc đẩy phong trào cánh tả phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và đã giành được thắng lợi ở nhiều nước trong khu vực,... Ðiều đó khiến người ta phải đọc lại Mác, bác bỏ nhiều luận điểm xuyên tạc Chủ nghĩa Mác, khẳng định giá trị những di sản tư tưởng và lý luận của ông.

 

C. Mác và các nhà kinh điển mác-xít khác không bao giờ coi học thuyết Mác là một giáo điều, là lý luận "nhất thành bất biến". Nói cách khác, Chủ nghĩa Mác không phải là chân lý vĩnh cửu mà nó luôn vận động và phát triển, là định hướng tinh thần cho hành động. Thực tiễn cách mạng trên thế giới cho thấy: Lúc nào, ở đâu những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được vận dụng đúng đắn, sáng tạo thì ở đó cách mạng vượt qua được những thử thách để tiến lên; trái lại khi phạm phải sai lầm giáo điều, xét lại, thì cách mạng gặp khó khăn, tổn thất, thậm chí thất bại. Sự trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đòi hỏi phải có sự sáng tạo và biết vận dụng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

 

Thấm nhuần sâu sắc Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðảng Cộng sản Việt Nam khẳng định đó là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và trưởng thành của mình. Hơn 80 năm qua, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thành công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; giải quyết thành công những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân, phù hợp xu hướng tiến bộ của thời đại ngày nay.

 

Công cuộc đổi mới gần 30 năm qua, là cơ sở thực tiễn quý báu để Ðảng ta hoàn thiện hơn nhận thức trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, rút ra những bài học quý giá để tiếp tục nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Một trong những biểu hiện rõ nét của sự hoàn thiện và phát triển nhận thức của Ðảng về những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội, phù hợp với điều kiện nước ta đã được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011), hoàn toàn tương đồng với hình ảnh một xã hội tốt đẹp trong hình dung của C.Mác. Ðể hoàn thành được những nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện mới, để bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ, cũng chính là bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, công việc trước tiên và cấp bách của toàn Ðảng, toàn dân ta hiện nay là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, tạo bước chuyển mới trong công tác xây dựng Ðảng, làm cho Ðảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

 

(1) V.I Lê-nin, Toàn tập (1980), Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tập23, tr 53.