Lão du kích Thào Khua Chỉnh, Đội trưởng du kích Long Hẹ, Thuận Châu nay đã ở tuổi “Bách niên, giai lão”, là người Mông đầu tiên của Sơn La đi học ở ATK Định Hóa (1952), đã thực hiện lời hứa với Bác Hồ.
“Người Mông ta theo Bác đến cùng…”
Xã Long Hẹ cách huyện lỵ Thuận Châu 42km: Trước năm 1954, Long Hẹ có diện tích rộng lớn nhất huyện Thuận Châu, sau tách làm 6 xã (Long Hẹ, Cọ Mạ, Pá Lông, Co Tòng, É Tòng và xã Mường Bám), Bản Long Hẹ còn dấu tích của căn cứ du kích rộng 3ha là địa bàn sinh sống chính của người Mông…. Anh Thào Chứ Dỏ, con thứ 3 của Cụ Thào Khua Chỉnh nắm chặt tay tôi rồi mời lão du kích cùng vợ ra tiếp. Cụ cao 1m74, lưng thẳng, mắt còn sáng, khuôn mặt dài phúc hậu, toát lên vẻ quắc thước chân thực của người Mông.
Giọng Trưởng lão du kích như gió thoảng rừng chiều, sớm giác ngộ cách mạng, thống quán Thào Khua Chỉnh được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến xã Long Hẹ (1946 - 1957), hồi năm 1949, Thào Khua Chỉnh cùng Thào Ngọc Lương vận động 30 thanh niên người Mông với sự huấn luyện của bộ đội (đại đội) Trung Dũng sử dụng súng kíp, nỏ chông, bẫy đá, chống càn, bảo vệ dân và cất giấu lương thực, gia súc vào rừng…Tại di tích Căn cứ Long Hẹ còn chiếc cối đục trên đá của đội du kích dùng giã lá rừng, phân dơi, diêm sinh chế thuốc nổ. Còn đó “Mó nước” - rộng hơn 1m, nơi ta và địch “Tranh chấp” nguồn nước ăn, du kích Long Hẹ phục kích dùng súng kíp “tỉa” được 2 tên địch, (có 1 sĩ quan Pháp), thu vũ khí, chứng tỏ người Mông không sợ giặc Pháp, vũ khí thô sơ vẫn đánh được chúng (27/6/1950).
Lão du kích nhắc tôi: Ông Hoàng Bắc Dũng ở Thái Nguyên (sau 1954 là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc), năm 1948 cùng Đội công tác liên khu Việt Bắc xây dựng phong trào ở Sơn La ở gia đình ông ăn củ mài, cháo ngô; một lần quân Pháp càn quét, Thào Khua Chỉnh cùng Hoàng Bắc Dung vừa bắn vừa chạy thoát lên rừng còn mấy đồng chí cùng đội xung phong Tây Bắc, 1 hy sinh, 1 bị thương….
....Đến giữa năm 1952 các huyện phía Bắc tỉnh Sơn La trở thành vùng Tạm chiếm, thực dân Pháp tập trung quân từ Tuần Giáo - Thuận Châu càn quét, khủng bố Khu Long Hẹ, đội du kích lúc đông lên tới 70 tay súng, nỏ, không thể chống lại trên 2000 tên địch, vừa đánh địch, vừa bảo vệ dân, sau phải phân tán, Ủy ban Hành chính kháng chiến xã giải tán; ông Thào Khua Chỉnh cùng một số được cử về ATK Định Hoá học chính trị và quân sự. Ông Thào Khua Chỉnh có chuyến đi nhớ đời qua vùng địch tạm chiếm, từ Long Hẹ vượt trên 400km đèo cao, suối sâu về (ATK) Định Hoá –“Thủ đô kháng chiến” ở Việt Bắc để học tập chính trị, quân sự. Do vợ ông là Và Thị Chía nhất quyết: Dù chết cũng theo chồng đi Việt Bắc, còn cậu con trai Thào Chử Lử mới 9 tuổi ở nhà không ai nuôi cũng đi cùng.
Sau hơn hai chục ngày, Thào Khua Chỉnh đến Trường Nguyễn Ái Quốc ở Làng Luông, Bình Thành, ATK Định Hoá, ông dựng cho vợ con một căn nhà cột gỗ, lợp lá cọ cạnh 6 căn nhà tập thể dưới tán cây. Ban ngày ông cùng số anh em ở Long Hẹ lên lớp học được nghe đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, các giáo viên khác dạy chính trị, cách đánh du kích, làm dân vận, nghe thời sự về Liên Xô, Trung Quốc. Bữa ăn trưa, tối, được nhà bếp chia cơm, canh, rau, măng ông đem phần về ăn cùng vợ con, tối về nhà với vợ.
Có lẽ trong lịch sử của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đến tận bây giờ chỉ có Thào Khua Chỉnh mang theo vợ, con đi học. Khoá học của ông có gần 400 người, người Mông từ Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Sơn La về gần 100 người….
Tháng 12/1952, chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi cũng là kết thúc lớp học, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm và báo tin chiến thắng. Bác Đồng cao, gầy, mặc quần áo nhuộm màu củ nâu, đôi mắt hiền, ấm áp hỏi thăm tình hình gia đình, quê hương đánh giặc, bắt tay ông rất chặt. Bác Hồ mặc bộ quần áo chàm của người Nùng, người gầy, da hơi xanh, đôi mắt rất sáng, cuối buổi nói chuyện, Bác Hồ hỏi: Lớp học có chú nào ở Sơn La không?. Anh em ông Thào Khua Chỉnh cùng một số người nữa đứng dậy thưa: Có chúng cháu ạ!
Bác Hồ bảo: Sơn La giải phóng rồi. Bọn thống lý, lính ngục chạy hết vào rừng chốn … Người giao nhiệm vụ:
- Các chú ai ở đâu trở về đấy, gọi bọn nó về nhà làm ăn, giải thích chính sách khoan hồng của Chính phủ “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”…các chú có đề đạt ý kiến gì không?
Ông Thào Khua Chỉnh đứng dậy:
- Thưa Bác cháu…cháu chỉ muốn nói người Mông ta đã theo Bác Hồ, là theo đến cùng…
Bác cười gật đầu, khiến ông Chỉnh thấy ấm áp, gần gũi như cha con vậy. Bế mạc lớp học ông Thào Khua Chỉnh lại cuốc bộ về quê ngay, đi học phải bí mật qua vùng địch hậu, lúc về quê hương đã giải phóng, sau 17 ngày Đoàn về đến thị xã Sơn La, 2 ngày sau đến Long Hẹ.
Thực hiện lời dặn của Bác Hồ
Chủ tịch xã Long Hẹ Thào Khua Chỉnh triệu tập cán bộ và du kích xã phổ biến tình hình, Ông cho gọi người thân, lính tráng và thống lý, pá tra đến tập trung tuyên truyền chính sách của Chính phủ và Cụ Hồ là: “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, rồi phát lệnh chỉ chấp nhận khoan hồng trong ba ngày, kẻ nào không ra trình diện về làm ăn, sẽ đưa du kích vào rừng bắt đưa lên khu xử án, bỏ tù.
Mọi người bảo nhau vào rừng gọi người thân chui lủi, chống đối cách mạng về trình diện. Còn mấy tên ngoan cố ôm vũ khí cố thủ trong hang đá.
Thào Khua Chỉnh đi tay không bảo người nhà chúng dẫn ông vào hang ổ, thằng cầm đầu đe doạ rất rắn:
-Lấy cái đầu mày như phạt bắp chuối rừng rồi chúng tao kéo nhau về giải phóng Long Hẹ…
Ông nhìn thẳng vào mặt nó: Khi còn thằng Tây, đồn bốt đóng dày đặc từ Thuận Châu về Long Hẹ ta còn chẳng coi ra gì. Tên thuốc độc, súng kíp, bẫy đá, hầm chông đã chôn bao thây giặc. Quan thầy chúng mày gọi ta là “hùm xám”. Nhưng ta chỉ bắt sói độc ác thôi, có bao giờ bắt hươu, nai, lợn, khỉ đâu: Tây Bắc giải phóng, bọn Tây chạy hết rồi, cụ Hồ bảo ta đến gọi chúng mày về nhà làm ăn, sống với vợ, với con, thích gì chui lủi trong hang đá lạnh, đói ăn, nhạt muối, khổ lắm, khổ lắm….về đi nương, đi rừng thôi, bế con, ôm vợ thôi.
- Nhưng chúng tao về, mày với chính quyền có tha cho không?
- Cụ Hồ bảo “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại…”, tha hết, cụ Hồ bảo là tao nghe theo. Quan Châu còn tha nữa là hạng thống lý, pá tra chúng mày. Chỉ trong có 3 ngày tất cả bọn thống lý, pá tra, lính trốn trong rừng Long Hẹ trở về trình diện hết. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, Thào Khua Chỉnh huy động dân, du kích xã Long Hẹ, phối hợp với bộ đội góp sức người, lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.
Xã Long Hẹ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chống thực dân Pháp. Thuận Châu trở thành thủ phủ Khu tự trị Tây Bắc, ông Thào Khua Chỉnh được gặp cụ Hồ ở Thuận Châu, được chia một điếu thuốc lá Điện Biên (7/5/1959). Ông tự hào vì đã thực hiện được lời hứa với Cụ Hồ và 44 năm sau (1996), Người con trai thứ 2 của ông là Thào Xuân Sùng đã bảo vệ Luận án Phó Tiến sĩ tại đúng ngôi trường vị trưởng lão du kích đã học lý luận chính trị và quân sự ở ATK Định Hoá, lúc này mang tên là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ts Thào Xuân Sùng, Ủy viên TW Đảng vừa thôi chức Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La (2012), hiện là Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Ngôi đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Cha Mạy
Tâm nguyện xây đền thờ Bác Hồ của Vị trưởng lão Thào Khua Chỉnh được bà con hết sức ủng hộ. Đảng bộ, Chính quyền, Hội đồng nhân dân xã huy động dân góp công san lấp mặt bằng, vận chuyển nguyên vật liệu tu sửa đường vào…xây đền thờ Bác Hồ ở bản Cha Mạy, khởi công vào 19/5/2011. Ngôi đền thờ Bác Hồ 5 gian, theo lối kiến trúc truyền thống của Việt Nam lợp ngói đỏ dưới tán cây sa mộc cột gỗ lim xây đền do tỉnh Hua Phăn, nước bạn Lào kết nghĩa với Sơn La tặng. Trong đền, sau tượng Bác Hồ là dòng chữ vàng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”…các tủ sách văn kiện Đảng, Hồ Chí Minh toàn tập, văn hoá dân tộc. Phát triển nông nghiệp và nông thôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mái trong sự nghiệp của chúng ta…
Vào dịp lễ, tết, sinh nhật Bác Hồ, đại hội Đảng bộ, Chính quyền, bà con dân tộc, các sở, ban, ngành ở Sơn La, hội tụ về ngôi đền thờ Bác Hồ ở Long Hẹ, liên hoan văn nghệ vào đêm trước, sáng hôm sau làm lễ báo công, dâng hương tưởng niệm Bác Hồ.
Trong ký ức của một thời gian khổ hào hùng của vị trưởng lão du kích, Bác Hồ với đôi mắt sáng, nụ cười hiền hậu vẫn gần gũi cha con như thời ông cụ gặp ở ATK Định Hoá “Thủ đô gió ngàn”.