Số đảng viên là người Mông tăng lên trên 20.900 người

15:10, 14/05/2013

Sáng 14/5, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 45 của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông và thông báo Kết luận số 64 của Ban Bí thư khóa X. Về dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo cấp ủy 18 tỉnh, 26 huyện có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đại biểu các Ban, ngành trung ương cùng 19 cán bộ người Mông tiêu biểu. Bà Hà Thị Khiết - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị.

Kết quả đáng ghi nhận sau gần 10 năm triển khai Chỉ thị 45 của Ban Bí thư Trung ương khóa 7, đến nay, trên 90% số xã trong vùng đồng bào dân tộc Mông có đường giao thông đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, 70% đã được dùng điện, 100% số xã có trạm y tế, có bưu điện văn hóa xã, hơn 83% số phòng học được kiên cố hóa. Các chính sách văn hóa, giáo dục đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới trong cộng đồng dân tộc Mông.

 

 

Đến nay, gần 70%  số xã có dân tộc Mông sinh sống đạt chuẩn quốc gia về y tế, hơn một nửa số xã có bác sĩ, các chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng khó khăn đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông nói riêng. Đáng ghi nhận là công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc Mông khá tốt.

 

Nếu như trước năm 2007, cả nước có trên 13.300 đảng viên là người Mông thì đến nay, số đảng viên là người Mông đã tăng lên trên 20.900 người. Đây là lực lượng nòng cốt để các địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giảm đáng kể tình trạng thôn bản trắng đảng viên và tổ chức Đảng.

 

Tuy nhiên, đồng bào Mông thường sống ở những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập chỉ bằng một phần ba mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, tình trạng tuyền đạo trái phép, mua bán người, tỉ lệ người nghiện ma túy cao, tính bảo thủ  trì trệ, ỷ lại vào Nhà nước đang kìm hãm sự vươn lên của đồng bào, mặc dù các chương trình dự án đầu tư cho vùng dân tộc Mông những năm qua khá lớn. Trong đó, tình trạng thiếu đất sản xuất được cho là nguyên nhân cơ bản cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

 

Ông Sùng Đại Hùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, tỉnh Hà Giang kiến nghị: “Cần hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào Mông ở vùng khó khăn về đất ở, khó khăn không có điều kiện tiếp cận với khoa học công nghệ, đặc biệt là trong môi trường sinh sống. Vấn đề thứ hai là chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho con em người dân tộc Mông”.

 

Thiếu đất sản xuất, dẫn đến tình trạng di cư tự do, phá rừng luôn là nỗi lo của các địa phương có đông đồng bào Mông sinh sống, nhất là các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Thử, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng, khó khăn trong công tác đối với vùng đồng bào Mông là tình trạng cán bộ cơ sở không biết tiếng Mông, trong khi cán bộ cốt cán trong người Mông vùng di cư quá ít. Các nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, tôn giáo cũng luôn đặt ra những khó khăn cho địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Thử, ổn định cuộc sống đồng bào Mông, cần nhất là phải có chính sách đồng bộ từ gốc, nếu không, sẽ còn gây nhiều hệ lụy trong tương lai, nhất là tình trạng mất rừng, suy thoái môi trường.

 

“Muốn giải quyết cái gốc của chuyện di cư tự do thì phải chủ động bố trí sản xuất ổn định cuộc sống tại chỗ là tốt nhất. Chỉ có như vậy mới thu phục được đồng bào vào các địa bàn phát triển kinh tế ổn định và họ gắn bó với biên giới, gắn bó với bản làng, cộng đồng của họ. Nếu để họ đi tự do thì hết sức khó khăn cho Chính phủ và khó khăn cả cho địa phương nơi đi cũng như nơi đến”.