Xây dựng Định Hóa xứng tầm Di tích cấp Quốc gia đặc biệt

15:32, 20/05/2013

Với vị trí, vai trò và sự đóng góp của đồng bào các dân tộc Định Hóa, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định công nhận Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Trở lại chiến khu xưa vào những ngày tháng 5 lịch sử này, chúng tôi như được sống lại không khí hào hùng của những ngày này năm xưa, cảm nhận tình cảm ấm áp của bà con nơi đây, cũng như sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện để xứng đáng với tầm vóc của Di tích cấp Quốc gia đặc biệt….

 

Mục tiêu của Đề án phát triển KT-XH vùng trung tâm ATK Định Hóa giai đoạn 2012-2020

Phấn đấu đến năm 2020, ATK Định Hóa cơ bản trở thành một khu du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái xứng tầm với di tích cấp quốc gia đặc biệt. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 4-5% và có trên 40% xã vùng ATK đạt tiêu chí nông thôn mới. Nâng cấp, phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, các điểm du lịch. Đến năm 2020 có 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia. 100% số xã, thôn bản có nhà văn hóa, 98% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa….

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mỗi địa danh đều gắn với những mốc son

 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta, Định Hóa vinh dự được chọn làm an toàn khu (ATK) Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước. Chính tại nơi đây, Bác Hồ cùng TW Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã đặt đại bản doanh để lãnh đạo kháng chiến. Nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc đã ra đời tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên như: Chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp" - Chiến dịch Thu - Đông 1947; quyết định mở chiến dịch biên giới 1950. Đặc biệt, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, Định Hoá, Bộ chính trị đã họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi... Cũng tại ATK Định Hoá, còn diễn ra nhiều sự kiện quan trọng khác như: Lễ phong hàm cấp tướng đầu tiên của nước Việt Nam cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 10 tướng lĩnh khác... Trong những năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh ấy, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã hết lòng bảo vệ ATK Trung ương, chở che cán bộ cách mạng, cùng bộ đội chiến đấu bảo vệ quê hương.

 

Ghi nhận những đóng góp lớn lao đó, Định Hóa có 17/24 xã, thị trấn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 24/24 xã, thị trấn được công nhận là xã ATK. Hiện nay, Định Hóa có 128 điểm di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 14 di tích đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. ATK Định Hoá được xem như quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.

 

Nỗ lực xây dựng ATK xứng tầm Di tích cấp Quốc gia đặc biệt

 

Trao đổi cùng đồng chí Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện, chúng tôi được biết: Để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bám sát các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII, UBND huyện xây dựng các chương trình, kế hoạch, phân kỳ theo từng giai đoạn để tập trung chỉ đạo. Tăng trưởng GDP bình quân 2 năm qua trung bình từ 10-12%, đạt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách năm 2015 đạt trên 25 tỷ đồng. Trên cơ sở 10 đề án, 5 chương trình, 12 công trình trọng điểm, UBND huyện huy động các nguồn lực để thực hiện đúng tiến độ, nhằm phát huy hiệu quả trong sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Cụ thể, trung bình mỗi năm, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách huyện, huy động nguồn lực trong nhân dân, tổng đầu tư cho phát triển của huyện xấp xỉ 200 tỷ đồng. Trong đó, tập trung ưu tiên số một là xây dựng hệ thống các hồ đập, đường giao thông nông thôn, trường, lớp học đạt chuẩn Quốc gia. Chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông, 2 năm qua, toàn huyện đã xây dựng được 62km đường bê tông nông thôn… Cùng với việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa trong việc đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa lịch sử các giá trị văn hóa đến với đông đảo nhân dân, huy động sự tham gia của họ đối với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử của các di tích. Mặt khác, khai thác tiềm năng, lợi thế về giá trị các di tích lịch sử của địa phương phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch cộng đồng.

 

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Định Hóa đã, đang và tiếp tục đồng sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, tiếp tục tôn tạo, bảo vệ và phát huy các giá trị của các di tích để xứng tầm là Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt mà Chính phủ đã công nhận.

 

Chúng tôi trở lại Điềm Mặc là một trong những xã có nhiều điểm di tích lịch sử của huyện. Suốt buổi làm việc, tôi cảm nhận được sự tự hào về mảnh đất quê hương của đồng chí Nông Đình Trân, Bí thư Đảng ủy và đồng chí Chủ tịch UBND xã Ma Duy Vụ. Đồng chí Chủ tịch UBND xã kể: Trên địa bàn xã có 24 di tích lịch sử thì có 5 di tích cấp Quốc gia. Đảng bộ, chính quyền, dân dân xã Điềm Mặc tự hào là nơi bảo vệ, che trở, đùm bọc cho nhiều cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ làm việc trong suốt những năm gian khổ. Tự hào, song chúng tôi luôn ý thức nỗ lực trong phát triển kịnh tế, giữ gìn, bảo vệ các điểm di tích để giáo dục truyền thống cho thế hệ muôn đời sau. Trong phát triển kinh tế, xã tập trung chỉ đạo đưa cây chè là cây mũi nhọn trong giảm nghèo, làm giàu cho người dân. Hiện toàn xã có 343ha chè, trong đó có 251ha chè kinh doanh, sản lượng năm 2012 đạt 2.510 tấn chè búp tươi, tổng giá trị trên 15 tỷ đồng. Thực tế các xóm tập trung vùng chè, cũng như có các điểm di tích ở xóm Song Thái 1, Song Thái 2, Bản Quyên…, chúng tôi mới cảm nhận hết những đổi mới trong phát triển kinh tế và ý thức giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử của bà con nơi đây. Đến đồi Khau Tý giữa lúc anh Trần Văn Thấm, xóm Bản Quyên đang quét dọn ngôi nhà sàn địa điểm đón tiếp du khách tham quan nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc đầu tiên tại ATK Định Hóa, anh bảo: “Bà con nhân dân chúng tôi rất tự hào khi quê hương mình có điểm di tích lịch sử quan trọng của dân tộc. Các hộ dân trong xóm không ai bảo ai nhưng tất cả đều có ý thức chăm lo, bảo vệ các điểm di tích”. Được biết, các đơn vị có điểm di tích đánh dấu nơi thành lập cơ quan, tổ chức mình trên địa bàn huyện đều nêu cao tinh thần “uống nước nhớ nguồn” nên đã đầu tư xây dựng nhiều các công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng của bà con. Tiêu biểu là Văn phòng TW Đảng, Ủy ban Kiểm tra TW, Hội Nông dân Việt Nam xây dựng tặng xã và một số xóm nhà văn hóa. Đội ngũ cán bộ các cơ quan, ban, ngành TW khi về nguồn cũng tặng âm ly, loa đài, các trang thiết bị của nhà văn hóa, hàng chục bộ máy vi tính cho các trường học để góp phần nâng cao đời sống tinh thần và chất lượng giáo dục cho con em đồng bào chiến khu xưa…

 

 

Chè là cây trồng mũi nhọn trong giảm nghèo cũng như làm giàu của người dân xã Điềm Mặc.

 

Tuy nhiên, để ATK Định Hóa phát triển ngang bằng với các vùng căn cứ cách mạng khác trong tỉnh và cả nước, xứng tầm Di tích cấp Quốc gia đặc biệt thì ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện rất cần nguồn lực đầu tư lớn hơn nữa của Nhà nước. Bởi hiện nay, Định Hóa vẫn còn là một huyện nghèo của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 28%... Thông qua quá trình tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan TW; các quyết định về việc quy hoạch tổng thể đầu tư, tôn tạo, bảo tồn phát huy các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến của Chính phủ, được sự đồng ý của UBND tỉnh, tháng 8-2012, Định Hóa đã lập Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng trung tâm ATK Định Hóa giai đoạn 2012 -2020, tầm nhìn 2030. Hiện nay, Đề án đã trình để Chính phủ xem xét, phê duyệt. Tổng nguồn lực đề nghị theo Đề án là trên 1.668 tỷ đồng, trong đó đề nghị TW hỗ trợ đầu tư vùng ATK 490 tỷ đồng. Đề án được phê duyệt sẽ là nguồn lực đầu tư để Định Hóa phát triển nhanh hơn…