Về xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại (Đại Từ), ai cũng biết ông Bế Ngọc Khoa, 84 tuổi là người đã hiến 1.200m2 đất để làm đường liên xã Bản Ngoại - La Bằng. Khi trò chuyện, chúng tôi còn biết, ông Khoa còn là người được chứng kiến việc xây dựng nơi nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua năm xưa.
Nhắc lại chuyện xưa, ông Khoa bồi hồi nhớ lại năm 1954, khi Trung ương Đảng chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Năm ấy, xóm Đầm Mua là nơi hoang vu, rừng gỗ, tre nứa bạt ngàn. Toàn xóm chỉ có 7 nóc nhà. Cuối tháng 7, năm 1954, ông Khoa thấy có cơ quan Trung ương dựng ngôi nhà sàn nhỏ trên đồi, phía dưới có sân bóng chuyền và xung quanh chân đồi là những khu nhà lán. Ông cũng thấy đông đảo lực lượng bộ đội và cảnh vệ, bảo vệ khu đồi rất nghiêm ngặt. Sau khi đến, họ rào kín khu vực xung quanh để không cho người lạ xâm nhập vào. Ông Khoa kể lại: Ngày đó, mỗi khi đi chăn trâu, hái măng ở khu đồi cao kế bên, tôi thấy Bác Hồ làm việc trong ngôi nhà sàn vách nứa. Có những buổi chiều, Bác cùng chơi bóng chuyền với anh em ở bãi cỏ dưới sườn đồi.
Nhấp chén trà nóng, ông Khoa kể thêm nhiều kỷ niệm: Về một lần ông được vào trong khu vực bảo vệ, khơi mương nước bắt từ suối về ruộng của gia đình; về tình cảm của người dân với những anh bộ đội bảo vệ khu vực làm việc của Bác Hồ… Ông Khoa là người dân tộc Nùng, bố mẹ ông quê gốc ở Lạng Sơn, tới Thái Nguyên lập nghiệp vào những năm 20 của thế kỷ trước. Ông sinh ra và lớn lên ở xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại. Vợ ông mất cách đây 20 năm, các con đều lập gia đình và ra ở riêng, nay ông chỉ sống một mình.
Sau những câu chuyện về ngày xưa, chúng tôi hỏi ông về chuyện hiến đất để làm con đường lớn phục vụ nhân dân. Ông vui vẻ cho biết: “Cuộc đời tôi trải qua bao nỗi vất vả băng rừng, vượt núi, đi trên con đường mòn nhỏ hẹp nên tôi vẫn thầm mong đến ngày được đi con đường lớn, được nhìn xe cộ tấp nập qua lại xóm Đầm Mua. Khi có dự án làm đường qua xóm mà gia đình phải hiến 1.200m2 đất, tôi đồng tình ngay”. Lúc đó, nhiều người trong xóm không đồng ý hiến đất; một số người con của ông nghe tin cũng về khuyên can, vì cho rằng cuộc sống của ông còn nhiều khó khăn, nhà cửa cũ nát, Dự án lấy phần lớn diện tích đất thì phải có hỗ trợ thỏa đáng với ông. Sau khi nghe các con nói vậy, ông buồn lắm. Nhưng ông bình tĩnh gọi các con về họp gia đình, sau đó ông phân tích cặn kẽ cho các con hiểu: Đường là để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Có con đường rộng thì kinh tế mới phát triển, các thế hệ sau mới giàu có lên được. Mình không thể vì lợi ích cá nhân mà để ảnh hưởng đến lợi ích tập thể. Thấu hiểu lời ông, vài ngày sau, những người con của ông đã chặt cây cối tạo mặt bằng để làm đường và gia đình ông là một trong những hộ đi đầu hiến đất, làm gương cho các gia đình khác trong xóm.
Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, “tấc đất, tấc vàng”, nhiều gia đình còn tranh giành đất đai dẫn đến tình cảm anh em rạn nứt thì việc ông Khoa không ngần ngại khuyên giải con cái đi đầu trong việc hiến đất quả là điều đáng trận trọng. Không chỉ có vậy, tìm hiểu thêm chúng tôi mới biết trong 1.200m2 đất ông Khoa đã hiến thì có 700m2 là vườn chè đang cho thu hoạch, tính ra mỗi năm cho thu nhập gần 20 triệu đồng. Ông Khoa bây giờ đã già, ngoài nguồn trợ cấp người cao tuổi của Nhà nước, ông chỉ biết trông vào vườn chè để đảm bảo sinh hoạt hằng ngày.
Không chỉ là người đi đầu hiến đất trong xóm, ông Khoa cũng rất tích cực vận động họ hàng, người dân trong xóm tham gia hiến đất. Mọi người trong xóm đều nhớ rất rõ hình ảnh ông chống gậy đi khắp xóm động viên, trò chuyện với từng gia đình. Ban đầu, một số hộ có ý tránh né, nhưng trước sự kiên trì nhẫn nại và những lời khuyên thấu tình đạt lý của ông, nhiều người đã hiểu ra và sẵn sàng phá bỏ công trình, chặt cây cối giải phóng mặt bằng để nhà thầu thi công. Ông Lê Quang Thịnh, Trưởng xóm Đầm Mua cho biết: Sự nhiệt tình, hết lòng vì việc chung của ông Khoa đã giúp các cấp ủy, Đảng, chính quyền thuận lợi hơn rất nhiều trong việc vận động nhân dân trong xóm hiến đất làm đường. Tính ra để xây dựng con đường này, nhân dân trong xóm đã hiến 13.173m2 đất, trong đó nhiều gia đình phải phá bỏ tài sản trên đất có giá trị hàng chục triệu đồng. Bây giờ, con đường đã hoàn thành, bà con rất phấn khởi vì nhờ có giao thông thuận lợi việc vận chuyển nông sản, hàng hóa dễ dàng hơn. Nhiều gia đình cũng đã mạnh dạn mở cửa hàng, xưởng sản xuất để tăng thêm thu nhập.
Trước khi chia tay, ông Khoa đưa chúng tôi đến thắp hương tại Bia tưởng niệm Địa điểm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau nén nhang thơm thành kính dâng lên người, ông Khoa nói: Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn về đức hy sinh cho lợi ích của dân tộc. Những thế hệ người Việt Nam sau này đều phải khắc cốt ghi tâm để noi theo.