Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La vào tối ngày 31/5 ở Singapore, hãng tin NHK của Nhật đặc biệt quan tâm đến kêu gọi đoàn kết khu vực, cùng xây dựng một giải pháp có tính ràng buộc về pháp lý đối với các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông. Theo hãng thông tấn này, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “dường như liên hệ tới các tranh chấp lãnh thổ ngày một gay gắt ở Biển Đông, giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines”.
NHK cũng quan tâm đến kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc phải từng bước xây dựng được lòng tin. Đây cũng là điều được nhiều hãng thông tấn tập trung đưa tin. Trích dẫn bài phát biểu, hãng tin BBC cho biết, “Thủ tướng Việt Nam kêu gọi “xây dựng lòng tin chiến lược” ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm giảm căng thẳng trong vùng””.
BBC cũng đặc biệt quan tâm đến kỳ vọng vào vai trò của các nước lớn trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hãng tin này đã trích đăng một phần bài phát biểu của Thủ tướng: “Nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới”; hay “Chúng ta trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế.”
Đoàn kết nội khối ASEAN và xây dựng “lòng tin chiến lược” cũng là 2 trọng tâm mà hãng thông tấn Reuters đưa tin về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. “Thủ tướng Việt Nam đã kêu gọi đoàn kết trong các nước Đông Nam Á, khi Trung Quốc áp đặt chủ quyền của mình ở vùng biển giàu dầu lửa Biển Đông, cảnh báo bất kỳ xung đột nào cũng có thể gây tổn hại tới thương mại quốc tế và kinh tế toàn cầu”, hãng Reuters đưa tin.
Theo hãng thông tấn này, căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ giữa 6 nước châu Á tuyên bố chủ quyền tăng cao trong những tuần gần đây, khi tàu Trung Quốc xuất hiện gần chiếc tàu Philippines đã chủ đích cho đánh đắm gần một bãi cạn vào năm 1999 như một cách để xác nhận chủ quyền của mình. Và hãng thông tấn này từ đó liên hệ tới một đoạn trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.”
Và hãng tin này dẫn cảnh báo của Thủ tướng trong bài phát biểu, “Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”.
Tờ Channel News Asia hay Strait Times của Singapore cũng tập trung nhấn mạnh đến kêu gọi xây dựng lòng tin chiến lược của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bối cảnh căng thẳng và tranh chấp lãnh thổ tăng cao trong những năm gần đây, đe dọa đến sự phồn thịnh của khu vực. Tờ Strait Times ấn tượng với câu nói “Mất niềm tin là mất tất cả” trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng khi nhắc đến những xung đột dai dẳng trong khu vực.
Trong khi đó, hãng thông tấn Pháp AFP và BBC cũng chú ý đến thông báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam sẽ lần đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.
Ngoài ra, BBC nhấn mạnh đến lời tái khẳng định chính sách quốc phòng vì hòa bình và tự vệ, không liên minh quân sự với nước nào của Việt Nam.
Trước khi Thủ tướng phát biểu, báo chí nước ngoài cùng nhiều học giả quốc tế cũng đã đặt nhiều kỳ vọng vào bài phát biểu dẫn đề đầu tiên của một thủ tướng Việt Nam tại diễn đàn an ninh quan trọng này, qua đó thể hiện vai trò và vị thế then chốt của Việt Nam trong khu vực và đây cũng là cơ hội để cộng đồng quốc tế hiểu thêm kế hoạch, chính sách của Việt Nam cũng như quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề trong khu vực và quốc tế./.