Sáng 5/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.
Tính đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 gồm: Chính phủ đề nghị 55 dự án, trong đó 53 dự án luật, 2 dự án pháp lệnh. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị 2 dự án luật. Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị 3 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh. Ủy ban Kinh tế đề nghị 7 dự án luật
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014 sẽ được cân nhắc một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng các dự án luật.
Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, trong số các dự án nêu trên thì có nhiều dự án được các cơ quan, đại biểu Quốc hội đề nghị trùng nhau. Số lượng dự án luật, pháp lệnh được đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 là quá nhiều so với khả năng chuẩn bị, cũng như quỹ thời gian của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khả năng xem xét, thông qua của Quốc hội.
Để bảo đảm tính khả thi của Chương trình, tránh bị điều chỉnh quá nhiều và đảm bảo chất lượng của luật, đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, quyết định đưa các dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần phải cân nhắc một cách thận trọng, xác định rõ sự cần thiết, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và những nội dung cơ bản của dự án, các điều kiện cần thiết bảo đảm việc soạn thảo, cho ý kiến và trình xem xét, thông qua.
Việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 phải quán triệt một số định hướng cơ bản: Ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2014 các dự án nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; Ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2014 các dự án liên quan trực tiếp đến các quy định của Hiến pháp; các dự án phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang), Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh: Chỉ đưa vào Chương trình năm 2014 những dự án được thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc đưa các dự án vào Chương trình năm 2014 phải tính đến quỹ thời gian, khả năng thực tế của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị dự án. Không nên năm nào cũng điều chỉnh luật, pháp lệnh. Vì vậy, kiên quyết không đưa ra Quốc hội những dự án luật không cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) phản ánh, hiện có nhiều hạn chế, thiếu sót về đổi mới trong xây dựng dự án luật. Nguyên nhân là vì nhiều dự án luật không được nghiên cứu kỹ lưỡng đã đưa ra Quốc hội xem xét.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá trách nhiệm cơ quan trong việc thực hiện dự án luật, xem xét cụ thể xem có bao nhiêu dự án luật được chuẩn bị đầy đủ, rõ ràng và kỹ lưỡng.
Chậm trễ trong việc áp dụng luật vào cuộc sống
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan trong việc để cho nhiều luật đã được Quốc hội thông qua nhưng chậm trễ áp dụng vào cuộc sống.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) bức xúc vì hiện nay, trong số 13 luật được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành thì có đến 8 luật chưa được thực hiện. Nguyên nhân là vì nhiều cơ quan lúng túng trong điều hành thực hiện luật. Vì vậy, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần có quy định rõ, các cơ quan phải có trách nhiệm trong việc thực hiện luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành rõ hướng dẫn thực thi các luật đã được thông qua trong thời gian sớm nhất.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) nêu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải quy định rõ ngày tháng cụ thể hướng dẫn thi hành luật thì mới quy định rõ trách nhiệm được cá nhân, cơ quan trong việc áp dụng luật vào cuộc sống.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013. Theo đó, chương trình sẽ có sự điều chỉnh: Lùi thời hạn trình các dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Hộ tịch.
Theo Chương trình năm 2013, các dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6./.