Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố

13:28, 12/06/2013

Sáng 12/6, Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố, gồm 8 chương, 51 điều, với 447 đại biểu tán thành (chiếm 89,76%).

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật phòng, chống khủng bố do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày nêu rõ: Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố chỉ rõ, khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng.

 

 

Theo đó, hành vi khủng bố gồm: Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác; Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi khủng bố; Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi khủng bố; Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi khủng bố; Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 

Tài trợ khủng bố là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

 

Phòng, chống khủng bố bao gồm các hoạt động phòng ngừa khủng bố, phòng ngừa tài trợ khủng bố, chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố.

 

Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm. Đó là các hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố; Che giấu, chứa chấp, không tố giác hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố; Làm lộ bí mật nhà nước trong phòng, chống khủng bố; Cố ý lan truyền thông tin giả về khủng bố, tài trợ khủng bố; cản trở, gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống khủng bố; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống khủng bố để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống khủng bố

 

Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố cũng quy định rõ trách nhiệm phòng, chống khủng bố. Theo đó, phòng, chống khủng bố là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và công dân. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình.

 

Tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống khủng bố theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về phòng, chống khủng bố; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống khủng bố.

 

Việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm khủng bố, tội phạm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố phải bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, thủ tục, thẩm quyền, hình thức tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố./.

 



dịch vụ luật sư tranh tụng uy tín