Những ngày này, trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2013), chúng tôi về thăm lại nơi đã diễn ra “Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu quốc lần thứ nhất”. Từ trung tâm huyện Phú Lương rẽ trái đi 12km qua các xã Động Đạt, Phủ Lý, Ôn Lương… là đến Hợp Thành. Con đường dẫn vào trung tâm xã được trải nhựa phẳng lỳ. Về Hợp Thành vào mùa này, chúng tôi thỏa mắt ngắm màu vàng óng của những vạt lúa đến kỳ thu hoạch xen lẫn với màu xanh tươi non của những đồi chè, những cánh rừng keo xanh mát mắt...
Trong câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Liêu Văn Đô, chúng tôi được xem tập lý lịch di tích do Bảo tàng Thái Nguyên phối hợp cùng UBND xã lập trình Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Nhờ đó, chúng tôi càng hiểu rõ hơn nơi ghi dấu sự kiện lịch sử về khởi nguồn kết tinh, tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Thi đua ái quốc”. Kể từ Thu - Đông 1947, sau khi đánh bại cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc, cuộc kháng chiến của nhân dân ta ngày càng thu được nhiều thắng lợi ở biên giới Tây Bắc, miền Trung, đồng bằng Bắc Bộ. Để động viên quân và dân cả nước đẩy mạnh kháng chiến nhanh tới thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, TW Đảng, Chính phủ quyết định tổ chức “Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất” nhằm tổng kết kinh nghiệm, biểu dương, cổ vũ thành tích đã đạt được, đề ra nhiệm vụ thi đua trong giai đoạn tiếp theo, thiết thực đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi hoàn toàn. Với địa thế ở liền kề với ATK của Trung ương tại Định Hóa, địa điểm tổ chức Đại hội tại xóm Khuôn Lân (nơi có dải núi Chúa bao bọc), thuận lợi cho việc phòng gian, bảo mật; đời sống của nhân dân trong khu vực ổn định là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ. Tại xóm Khuôn Lân, ngày 15/11/1951, Trung đoàn Công binh 151 - đơn vị công binh chủ lực đầu tiên của Quân đội ta được thành lập và là nơi ở, làm việc của Cục Công binh. Từ đây đến địa điểm Đại hội gần 1km thuận lợi cho việc ăn, ở của các đại biểu về dự Đại hội.
Vào đúng 19h30’ ngày 30/4/1952, “Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất” đã được tổ chức tại Hội trường tám mái thuộc xóm Khuôn Lân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Tạo và nhiều đại biểu khác đã đến dự. Đặc biệt, Đại hội còn được đón tiếp hai vị khách quý của Chính phủ nhân dân Lào là đồng chí Xi-Hon và đồng chí Nu Hắc. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời khai mạc, Người nêu lên mục đích của Thi đua là để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên Chủ nghĩa xã hội, đồng thời Người cũng khẳng định “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Đại hội đã minh chứng cho tinh thần luôn luôn vượt mọi khó khăn làm tròn nhiệm vụ, một tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, vững tin vào sự nghiệp cách mạng do Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Sau Đại hội, phong trào thi đua yêu nước khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc được dấy lên sôi nổi nhằm thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”…
Hỏi thăm đường vào nhà anh Mã Văn Thanh nơi có điểm di tích cách đây 61 năm diễn ra Đại hội, chúng tôi được một lão nông chỉ: cứ đi đến con đường nhựa đến cuối xóm, rồi rẽ trái vào con đường đất, đi hết đường là đến. Đi bộ từ ngoài đường vào nhà anh Thanh khoảng 300m, chúng tôi càng khâm phục cách chọn địa điểm của các nhà tổ chức. Dọc đường vào di tích là những ngọn núi cao. Mảnh đất nơi đặt Hội trường tám mái tổ chức Đại hội năm xưa nay gia đình anh Thanh dựng một ngôi nhà sàn theo kiểu truyền thống của người Tày ở. Leo lên dãy núi Chúa bên phải địa điểm tổ chức đại hội vẫn còn dấu tích của hầm và nhiều đoạn giao thông hào chạy dọc theo sườn đồi.
Tự hào về mảnh đất đánh dấu cái nôi ra đời phong trào thi đua yêu nước trong cả nước, trải qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, với phương châm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nhiều thế hệ thanh niên xã Hợp Thành đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Với những thành tích đã đạt được, năm 2005, Hợp Thành đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hợp Thành hôm nay không ngừng đoàn kết thi đua xây dựng quê hương ngày phát triển. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, Trung ương và địa phương, người dân Hợp Thành đã góp thêm tiền của, công sức xây dựng hơn 10km kênh mương dẫn nước vào đồng ruộng. Hiện tại, gần 140ha ruộng trong xã đều cấy được 2 vụ lúa với năng suất từ 52 tạ/ha trở lên; trong đó trên 50% cấy bằng các giống lúa đặc sản. Cùng với thế mạnh về cây lương thực có hạt, xã cũng lấy cây chè là nguồn thu nhập ổn định. Diện tích chè kinh doanh của xã hiện là109 ha, sản lượng búp tươi năm 2012 ước đạt 1.003 tấn. Đa số diện tích chè đã được thay thế bằng giống chè cành, chè lai cho năng suất, chất lượng cao. Với hơn 430ha rừng trên địa bàn cũng được khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ tốt, năm 2012 đã trồng mới, trồng lại 54,1ha. Bên cạnh việc trồng trọt, xã còn khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn, ngan Pháp và bò. Hợp Thành giờ đây đã không còn hộ đói, số hộ khá giả ngày một nhiều thêm. Những gia đình có thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên không còn là chuyện hiếm. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, đến năm 2010, cả 3 trường: mầm non, tiểu học, THCS của xã đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Đặc biệt, con đường nhựa dài hơn 10km nối từ xã Động Đạt, qua Phủ Lý đến Hợp Thành đã góp phần mang lại diện mạo mới cho quê hương cách mạng.
Rời Hợp Thành khi mặt trời đã núp sau dãy núi, dọc đường về, tôi cứ nghĩ mãi về những trăn trở của đồng chí Liêu Văn Đô: Mặc dù năm 2004, địa điểm tổ chức Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia, song từ đó đến nay, nơi này vẫn chưa được quy hoạch, dựng bia di tích. Người dân xóm Khuôn Lân, cũng như xã Hợp Thành khẩn thiết đề nghị ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch quan tâm, đệ trình lên cấp trên để đầu tư xây dựng di tích cho xứng đáng với tầm vóc của nó.