Chi bộ đông đảng viên - gỡ cách nào cũng… vướng

08:33, 30/07/2013

Điểm danh hết hơn 30 phút, báo cáo dài 15 trang, đọc hết gần 1 tiếng… là những gì tôi chứng kiến khi dự họp ở một chi bộ đông đảng viên.

Tổ đảng có nhiệm vụ quản lý, giáo dục, hướng dẫn và giúp đỡ đảng viên sản xuất, công tác và học tập, lãnh đạo quần chúng thực hiện nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị; tuyên truyền vận động quần chúng vào Đảng. Tổ đảng sinh hoạt ít nhất mỗi tháng 1 lần (trích Điều lệ Đảng).


 

Ở một số tổ chức cơ sở đảng có đông đảng viên có thể được thành lập đảng bộ bộ phận. Đảng ủy bộ phận trực thuộc cơ sở và là cấp trên của các CB, sinh hoạt thường kỳ một tháng 1 lần, có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của đảng ủy cơ sở ở các CB, thẩm định nghị quyết của chi bộ về kết nạp đảng viên, về thi hành kỷ luật, khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên để đề đạt ý kiến với đảng ủy cơ sở. Đảng ủy bộ phận không quyết định các vấn đề về tổ chức, cán bộ, không có con dấu (trích Điều lệ Đảng).


 

Đồng chí Trần Văn Liên, Bí thư CB thôn Phú Cốc: Hiện CB có 63 đảng viên, cấp ủy có 5 người. Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn; 5 cấp ủy khác vừa là tổ trưởng Đảng vừa là trưởng xóm (gọi chung là Ban quản lý). Để hỗ trợ cho Ban quản lý hoạt động, chúng tôi vận động bà con đóng góp 50 nghìn đồng/hộ, bình quân mỗi người được 300 nghìn đồng/năm, nhưng phải gánh vác rất nhiều nhiệm vụ.  

 

 

 

 


 

 

Đồng chí Ngô Văn Trường, Bí thư CB thôn Vân Trai: Đại hội CB nhiệm kỳ 2010-2013, chúng tôi đã đưa vấn đề tách CB ra xin ý kiến, chỉ có 2/89 ĐV đồng ý tách CB. Hiện nay, tổ trưởng Đảng của CB kiêm nhiều “chức”: Trưởng xóm, Trưởng Ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Chữ thập đỏ…

 

 

 


 

Nghe và thấy ở các chi bộ đông đảng viên

 

Chi bộ xóm Hưng Thái có số đảng viên (ĐV) sinh hoạt theo Quy định 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị “Về việc ĐV đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở” (gọi tắt là ĐV 76) đông nhất không chỉ của xã Hóa Thượng mà của cả Đảng bộ huyện Đồng Hỷ. Tổng số có 114 ĐV, Chi bộ (CB) được chia làm 6 tổ đảng theo địa bàn phân xóm. Dự cuộc họp CB với các ĐV 76 ngày 20/7 vừa qua, tôi thấy, riêng việc điểm danh vào đầu giờ sinh hoạt đã mất nửa tiếng, đọc báo cáo mất gần 1 tiếng. Chưa kể, nhà văn hóa xóm chỉ đủ chỗ cho 2/3 số ĐV trong danh sách ngồi họp.

 

Tuy nhiên, số lượng ĐV cơ sở của CB Hưng Thái còn nhiều hơn thế, những 125 người. Ông Vũ Văn Toàn, Bí thư CB cho biết: trừ 18 ĐV được miễn sinh hoạt, CB còn 107 người, chia ra 6 tổ Đảng. Tổ ít nhất quản lý 15 người, nhiều nhất 24 người. Như vậy, cộng cả số ĐV 76 và ĐV cơ sở, Chi ủy xóm Hưng Thái hiện quản lý đến 221 ĐV.

 

Cũng nằm trong tình trạng CB đông ĐV, Đảng bộ huyện Phổ Yên từ nhiều năm nay vẫn tồn tại 2 CB nông thôn có số ĐV đông “kỷ lục” đều ở xã Tân Phú. Đó là CB thôn Vân Trai và CB thôn Phú Cốc. Hiện, CB thôn Vân Trai có 89 ĐV, thôn Phú Cốc có 63 ĐV. Để quản lý 2 CB này, cách làm của Đảng ủy xã Tân Phú cũng là chia tổ sinh hoạt. Các tổ Đảng ở đây có từ 13 đến 28 ĐV.

 

Các CB đông ĐV có đặc điểm chung là lãnh đạo thôn (xóm) đông dân cư (gấp 3-4 lần số hộ, số nhân khẩu so với xóm, tổ dân phố trung bình), trên địa bàn rộng. Như CB thôn Vân Trai lãnh đạo 4 xóm gồm 400 hộ, 1.800 nhân khẩu; thôn Phú Cốc 4 xóm, 372 hộ, 1.800 nhân khẩu; xóm Hưng Thái có 6 phân xóm gồm 305 hộ, gần 1.200 nhân khẩu.

 

Tách hay không tách?

 

Một thực tế ở CB đông ĐV là việc quản lý, kiểm điểm, triển khai nhiệm vụ đến từng ĐV chủ yếu được thực hiện ở các tổ Đảng. Đơn cử như việc kiểm điểm ĐV theo tinh thần Nghị quyết TW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, các CB không thể kiểm điểm tập trung mà làm ở các tổ Đảng, CB chỉ là nơi tiếp nhận kết quả ở tổ đưa lên. Các hoạt động khác của CB như sinh hoạt thường kỳ mỗi tháng/lần, đánh giá tình hình, làm công tác phát triển Đảng cũng gặp khó khăn trong việc tập hợp đủ ĐV, địa điểm tổ chức sinh hoạt.

 

 Theo Điều lệ Đảng, 3 CB nói trên, nếu nói về số lượng ĐV, mỗi CB có thể được tách thành 3-4 đảng bộ. Nhưng đã nhiều năm nay, việc chia tách này vẫn không thực hiện được.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng cho biết: Trước đây, xóm Hưng Thái đã có 2 CB là CB hưu và CB sản xuất. Nhưng rồi lại phải bỏ mô hình này vì CB hưu thì đông quá, CB sản xuất lại ít quá, rất khó trong chỉ đạo. Xã đã nhiều lần đề nghị với tỉnh, với Trung ương cho tách xóm, từ đó tách CB, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết.

 

Còn đồng chí Nguyễn Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú thì khẳng định: Tách CB đồng nghĩa với việc tách thôn. Mà 2 thôn này thì không thể chia tách do quần cư ở đây đã gắn kết lâu đời, có chung cơ sở hạ tầng sản xuất, văn hóa, xã hội; có chung nơi sinh hoạt tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu… Chưa kể, nếu tách ra sẽ có CB đông ĐV, CB ít ĐV, có CB đa số là người cao tuổi, sức khỏe yếu, trình độ hạn chế. Từ đó chất lượng của CB chắc chắn sẽ kém đi so với để như hiện nay.

 

Giải pháp đề xuất từ cơ sở

 

Khi tôi đặt câu hỏi vì sao không thành lập Đảng bộ bộ phận theo quy định của Điều lệ Đảng, các đồng chí bí thư Đảng ủy xã có các CB quá đông ĐV trên đều lắc đầu: Mô hình này không thể thực hiện được đối với địa phương.

 

Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú Nguyễn Văn Bình dứt khoát: Đảng bộ bộ phận (ĐBBP) chỉ phù hợp với một số chi nhánh doanh nghiệp ở xa cơ quan “mẹ”, không phù hợp với khu vực nông thôn. Phổ Yên chưa có mô hình nào như thế. Hơn nữa, qua tìm hiểu tôi thấy, hoạt động của ĐBBP và các CB của ĐBBP còn nhiều điều gập gợi, chung chiêng về chức năng, nhiệm vụ.

 

Bí thư Đảng ủy xã Hóa Thượng Vũ Hải Bắc thì cho biết: Năm 1982, xã Hóa Thượng đã từng thành lập 2 ĐBBP là ĐBBP Hồng Thái và ĐBBP Hồng Văn, nhưng đến năm 1992 thì phải giải thể do không phù hợp với điều kiện của địa phương.

 

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Lực, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Việc thành lập ĐBBP thuộc thẩm quyền của Đảng bộ các huyện. Tuy nhiên, ĐBBP đang là một cấp trung gian chưa rõ về cơ chế hoạt động. Bí thư ĐBBP không có quyền, trách nhiệm, đãi ngộ khác gì so với các bí thư CB. Tương tự, bí thư CB của ĐBBP cũng không có quyền lợi, trách nhiệm như những bí thư CB “bình thường” khác. 3 CB có đông ĐV nói trên nằm trong 257 xóm, tổ dân phố của tỉnh chưa có CB độc lập, đang phải sinh hoạt ghép. Theo số liệu từ năm 2006, tỉnh có 7 CB có từ 50 đến hơn 100 ĐV sinh hoạt: Phổ Yên 2 CB, Đồng Hỷ: 1; thành phố Thái Nguyên: 3; Đại Từ: 1. Đây là những CB rất khó tách do sự cấu kết dân cư, dòng họ, các công trình phúc lợi rất chặt chẽ. Hơn nữa, các CB này đều ổn định và là các tổ chức Đảng mạnh.

 

Nung nấu đã nhiều năm nay, đồng chí Nguyễn Văn Bình đưa ra cách gỡ nút “rối” này, đó là có cơ chế hỗ trợ cho các tổ trưởng Đảng, mức hỗ trợ bằng 50% của bí thư CB. Đồng chí Bình phân tích: Theo quy định của Chính phủ, dưới cấp xã chỉ có thôn (hoặc xóm). Nhưng xã Tân Phú lâu nay vẫn tồn tại cả thôn và xóm. Những quyết định lớn như xây mương máng, đường giao thông, lễ hội, tu sửa đình, chùa miếu mạo… chúng tôi phải bàn ở cấp thôn, hầu hết thực quyền nằm ở cấp này. Tuy nhiên, các trưởng xóm ở đây cũng khá nặng việc vì họ quản lý hơn 100 hộ dân, thường xuyên nắm bắt yêu cầu, giải quyết tâm tư, thắc mắc của dân. Để tập trung lãnh đạo, các chi ủy viên cũng đồng thời là tổ trưởng Đảng kiêm phụ trách các xóm. Từ lâu nay, chúng tôi vận động nhân dân đóng góp mỗi hộ 50 nghìn đồng/năm để hỗ trợ cho những vị trí này. Nhưng về lâu dài, việc để dân “lo” như thế cũng không hợp lý. Vì thế, tôi đề nghị Nhà nước thay vì việc trả lương cho 4 bí thư CB (nếu tách CB) thì hỗ trợ bằng 50% số tiền đó cho mỗi vị trí tổ trưởng Đảng kiêm trưởng xóm. Như vậy cả Nhà nước và nhân dân đều có lợi.

 

Đồng chí Vũ Văn Toàn, Bí thư CB Hưng Thái lại nêu ý kiến khác: Nếu không được tách xóm thì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng phải điều chỉnh cho phù hợp. Đơn cử như xây nhà văn hóa, xóm có hơn 300 hộ dân, trong khi theo tiêu chí nông thôn mới, nhà văn hóa chỉ cần 150 chỗ ngồi và các công trình phụ trợ. Dân đông, xây công trình lớn hơn thì đầu tư của nhà nước cũng phải nhiều hơn mức bình thường thì chúng tôi mới làm được.

 

Quả thực, những gì đang diễn ra ở các CB đặc biệt như 3 CB chúng tôi đề cập đến trong bài viết này rất cần những người có trách nhiệm xem xét, áp dụng cơ chế uyển chuyển hơn để đạt được mục đích là xây dựng tổ chức Đảng mạnh từ cơ sở, giảm dần CB sinh hoạt ghép, nâng cao đời sống của nhân dân.