Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng

15:07, 09/07/2013

Đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau 2 năm triển khai Đề án số 07-ĐA/TU ngày 17/8/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các chỉ tiêu của Đề án cơ bản hoàn thành, có chỉ tiêu vượt so với lộ trình đề ra. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt. Điểm nhấn trong số các kết quả của Đề án chính là thực hiện tốt đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và công tác tạo nguồn phát triển đảng viên mới.

Kết quả một số chỉ tiêu cụ thể của Đề án 07 sau 2 năm thực hiện:

- Số TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh trung bình 2 năm khoảng 80%, cơ bản đạt mục tiêu.

- Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt khoảng 88%, cao hơn kế hoạch 8%.

- Trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị của cán bộ chủ chốt, trưởng phó các đoàn thể ở cơ sở được nâng lên rõ rệt.

- Chia tách, thành lập mới được 77 chi bộ Đảng ở các xóm, tổ dân phố, đã xóa được 1 xóm chưa có đảng viên

- Trong 2 năm đã luân chuyển được 40 lượt cán bộ cấp huyện về làm cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn và ngược lại.

 

 

Buổi sinh hoạt định kỳ của Chi bộ Thanh Xuân 2, thuộc Đảng bộ xã Đồng Tiến (Phổ Yên) được tổ chức vào ngày mùng 5 hằng tháng. Buổi họp tháng 6/2013 có sự tham gia của đồng chí Lý Thái Việt, Bí thư Đảng ủy xã. Các đảng viên trong Chi bộ đã dành phần lớn thời gian để là bàn bạc, thống nhất phương án chỉ đạo việc gieo cấy vụ mùa, đảm bảo mục tiêu tỷ lệ gieo cấy lúa lai trên 40%. Sau buổi họp, Nghị quyết Chi bộ đã được triển khai ngay đến trưởng xóm và các đoàn thể. Chi bộ cũng chỉ đạo trưởng các đoàn thể, nhất là Chi hội Nông dân chủ động tiếp cận nguồn phân bón trả chậm và các cơ chế hỗ trợ giống lúa lai, đảm bảo quyền lợi cho bà con. Ông Nguyễn Văn Nho, Bí thư Chi bộ Thanh Xuân 2 chia sẻ: Dựa trên tình hình thực tế, Chi bộ xây dựng nghị quyết theo từng quý cho phù hợp. Mỗi tháng lại có kế hoạch cụ thể để triển khai và đánh giá kết quả thực hiện. Với những khó khăn, vướng mắc, Chi bộ đều nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy xã.

 

Việc sinh hoạt chi bộ quy củ như ở Thanh Xuân 2 cũng là cách làm chung ở hầu hết các chi bộ trong toàn tỉnh. Theo đánh giá, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 07, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở các TCCSĐ đã được quan tâm đúng mức, nội dung sinh hoạt không còn chung chung mà cụ thể, thiết thực để giải quyết kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề bức xúc của địa phương. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ trong việc chuẩn bị nội dung, duy trì sinh hoạt được thực hiện đầy đủ hơn. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt, các đảng bộ cũng tăng cường phân công các thành viên để bám địa bàn, cùng cơ sở tháo gỡ khó khăn. Ở Định Hóa, từ năm 2012, Huyện ủy bắt đầu thực hiện chế độ giao ban theo cụm giữa Thường vụ Huyện ủy với các TCCSĐ, mở rộng đến bí thư các chi bộ. Thành phần tham gia buổi giao ban còn có lãnh đạo các phòng, ban và cán bộ chuyên môn của huyện để kịp thời giải đáp những ý kiến, thắc mắc của cơ sở. Đồng chí Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy Định Hóa khẳng định: “Đây là giải pháp cụ thể của huyện nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các TCCSĐ, cũng là dịp để cán bộ hiểu và gắn bó với thực tế cơ sở, từ đó làm tốt hơn công việc được giao. Qua các buổi giao ban, chúng tôi đã tìm được nhiều nhân tố điển hình, cách làm hiệu quả để nhân rộng, đồng thời kịp thời chỉ đạo, giải quyết những tồn tại”.

 

Ở huyện Đại Từ, việc phân công cấp ủy sinh hoạt cùng cơ sở cũng là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở Đảng. Đồng chí Trịnh Quốc Việt, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đại Từ cho biết: Chúng tôi quy định mỗi tháng, thành viên trong Ban Chấp hành về cơ sở được giao phụ trách ít nhất một lần để nắm tình hình, cũng như tâm tư, nguyện vọng của đảng viên. Các đảng bộ trực thuộc Huyện ủy cũng phải phân công thành viên phụ trách các xóm để kiểm tra, giám sát nền nếp sinh hoạt của các chi bộ”. Trong số các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, một số đảng bộ còn thực hiện tốt nội dung sinh hoạt chi bộ chuyên đề. Cụ thể như: Thành ủy Thái Nguyên với chuyên đề Phát huy dân chủ ở xã, phường; Phú Lương với chuyên đề Giải pháp xây dựng nông thôn mới; Đảng ủy Quân sự tổ chức hội thi bí thư chi bộ giỏi…

 

Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCĐ, công tác tạo nguồn phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong 2 năm 2011 và 2012, toàn tỉnh phát triển được 6.489 đảng viên mới, vượt trên 12% kế hoạch đề ra. Điều này cho thấy sự quan tâm, thực hiện nghiêm túc của cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở. Đảng bộ xã Yên Đổ (Phú Lương) là một ví dụ tiêu biểu. Từ 2011 tới nay, Đảng bộ xã đã kết nạp được gần 30 đảng viên mới, vượt kế hoạch đề ra. Đồng chí Ma Văn Mến, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Việc tạo nguồn kết nạp đảng không khó nếu được quan tâm. Chúng tôi coi việc phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng. Đảng ủy xã đã huy động sự vào cuộc của tất cả các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, giáo dục quần chúng xác định mục đích đúng đắn khi phấn đấu vào Đảng”. Đảng bộ Khối doanh nghiệp cũng là đơn vị thực hiện tốt Đề án số 07, trung bình mỗi năm, Đảng bộ kết nạp được 160 đảng viên, bằng 5% tổng số đảng viên. Đáng chú ý, phần lớn đảng viên mới là đoàn viên thanh niên, có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Điều này đã góp phần trẻ hóa cán bộ và tăng thêm nguồn sinh lực mới cho Đảng.

 

Cùng với điểm nhấn về cải thiện, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tạo nguồn phát triển đảng viên mới, các nội dung khác như: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đảng viên; kiện toàn, sắp xếp mô hình TCCSĐ; đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách làm việc của cấp ủy đảng… đều đã có được những kết quả đáng ghi nhận. Năng lực, sức chiến đấu của TCCSĐ được tăng cường, có vai trò quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng trong toàn tỉnh.

 


Đồng chí Vũ Thị Minh Phương, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Võ Nhai: Thời gian qua, Võ Nhai rất quan tâm đến việc trẻ hóa, chuẩn hóa cán bộ. Đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, 100% đã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, nhiều cán bộ trẻ được sắp xếp vào các vị trí quan trọng. Bản thân tôi sinh năm 1984 vừa được bổ nhiệm Phó ban Tổ chức hồi tháng 2 vừa qua.

 

Đồng chí Mông Đức Quân, Bí thư Đảng ủy xã Phượng Tiến (Định Hóa): Trong công tác phát triển Đảng, chúng tôi chú ý nhiều đến đối tượng quần chúng ưu tú là thanh niên dân tộc thiểu số. Đảng ủy xã chỉ đạo các xóm mạnh dạn bố trí, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn viên có năng lực để họ có cơ hội thể hiện. Trong 2 năm, Phượng Tiến đã kết nạp được trên 10 đảng viên mới là dân tộc thiểu số.

 

Đồng chí Vũ Hoàng Hải, Bí thư Chi bộ xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương): Hiện nay, Chi bộ Khe Cốc vẫn phải sinh hoạt ghép 2 xóm Khe Cốc và Tân Thái. Điều này gây ra những vướng mắc không nhỏ trong việc lãnh đạo nhân dân thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Tôi mong cấp trên tăng cường giúp đỡ các chi bộ thôn, xóm trong công tác phát triển đảng viên mới để Chi bộ sớm đủ điều kiện thực hiện chia tách.