Lựa chọn, kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng là nội dung quan trọng, hành động cụ thể, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt là các chi bộ khu dân cư tại nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn phát triển đảng viên.
Thực trạng đáng quan tâm
Đồng chí Lê Văn Quy, Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 5, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, chi bộ có 78 đảng viên, trong đó có 13 đảng viên được miễn sinh hoạt, tuổi đời bình quân của đảng viên là gần 60 tuổi. Làm bí thư chi bộ từ năm 2008 đến nay, nhưng chi bộ do ông đứng đầu chưa kết nạp được đảng viên nào. Nguyên nhân là do “không có nguồn”. Trong nhiệm kỳ này, chi bộ phấn đấu kết nạp được 1 đảng viên. Đối tượng mà chi bộ đang bồi dưỡng là quần chúng đang học cao học tại một trường đại học và chưa đi làm ở đâu. Tương tự như chi bộ 5, các chi bộ khác trực thuộc Đảng bộ phường Khương Mai cũng nằm trong tình trạng khó kết nạp được đảng viên cũng vì lý do “không có nguồn”. Chính vì vậy mà trung bình mấy năm qua, một năm Đảng bộ phường Khương Mai chỉ kết nạp được 1 đảng viên từ các khu dân cư.
Tương tự như phường Khương Mai, xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ cũng đang "bí" nguồn phát triển Đảng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Oanh, Bí thư chi bộ 4 cho biết, ông làm Bí thư chi bộ được 4 khóa nhưng chưa bao giờ thấy việc tạo nguồn phát triển Đảng lại khó khăn như hiện nay. Chi bộ có 41 đảng viên thì chỉ có 2 đảng viên ở độ tuổi 30, còn lại từ 50 tuổi trở lên. Chi ủy cũng phối hợp với chi đoàn, các tổ chức chính trị đoàn thể động viên, bồi dưỡng thanh niên nhưng 3 năm nay mới chỉ kết nạp được 1 đoàn viên ưu tú vào Đảng.
Tìm hiểu tại xã Hưng Long, huyện miền núi Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho thấy, hiện Đảng bộ xã có 12 chi bộ với tổng số 249 đảng viên. Trong số 185 đảng viên thuộc 7 chi bộ nông thôn chủ yếu đều ở độ tuổi trên 50. Năm 2012, có 2 chi bộ không tạo được nguồn phát triển Đảng.
Tại Ninh Thuận, năm 2012, Đảng bộ huyện Thuận Nam kết nạp mới 83 đảng viên, vượt trên 64% chỉ tiêu tỉnh giao, dẫn đầu cả tỉnh về thành tích, thế nhưng nhìn trong cơ cấu kết nạp chỉ có 19 đảng viên là phát triển trên địa bàn dân cư. Cũng giống như Đảng bộ huyện Thuận Nam, phát triển đảng viên trên địa bàn dân cư đang là bài toán nan giải của toàn Đảng bộ huyện Thuận Bắc. Năm 2012, Thuận Bắc kết nạp 53 đảng viên, vượt 3,92% kế hoạch, nhưng số phát triển ở địa bàn dân cư không đáng kể. Những khó khăn trong công tác này đã dẫn đến “lão hoá” các chi bộ tại khu dân cư.
Tại thành phố Lào Cai, mỗi năm, thành phố phát triển được hơn 100 đảng viên. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 4/2013, số đảng viên ở khu dân cư được kết nạp là 155/421 đảng viên. Tuy khá hơn các địa phương chúng tôi nêu trên, nhưng theo đánh giá của Đảng bộ thành phố, mặc dù được các cấp ủy quan tâm nhưng công tác tạo nguồn phát triển đảng viên ở khu dân cư trên địa bàn thành phố đang “cạn nguồn”.
Khó khăn trong tạo nguồn cho phát triển đảng viên các chi bộ khu dân cư là thực trạng chung hiện nay của hầu hết các chi bộ tổ dân phố trên địa bàn thành phố Bắc Giang. Bí thư Chi bộ Bùi Quang Tân, tổ dân phố Lê Lợi, phường Lê Lợi trăn trở, trong nhiều năm qua, mặc dù chi bộ rất quan tâm đến công tác phát triển Đảng nhưng từ năm 2009 đến nay, chi bộ vẫn chưa kết nạp thêm đảng viên nào. Tình trạng thiếu nguồn cho phát triển đảng ở các chi bộ khu dân cư là đáng lo ngại. Tương tự, đồng chí Đào Văn Đinh, Bí thư chi bộ tổ dân phố số 2, phường Ngô Quyền cho biết, chi bộ hiện có 39 đảng viên, trong đó 12 đảng viên thuộc diện được miễn sinh hoạt do tuổi cao, sức khỏe yếu, số còn lại đa phần là cán bộ hưu trí. Vì "cạn nguồn" nên năm vừa qua chi bộ chưa kết nạp được thêm đảng viên mới, hiện cũng chưa tìm được đối tượng nào để xem xét, giới thiệu kết nạp...
Đi tìm lời giải
Theo lý giải của khá nhiều đồng chí trong cấp ủy thì việc tạo nguồn từ quần chúng ưu tú cho Ðảng ở khu vực dân cư cả ở thành thị lẫn nông thôn đang gặp nhiều khó khăn. Bởi hiện nay, nguồn phát triển đảng ở khu dân cư chủ yếu dựa vào hai đối tượng chính là thanh niên và các cán bộ đoàn thể tổ dân phố. Tuy nhiên, những thanh niên có trình độ học vấn cao, nhận thức tốt đều đã đi làm việc hoặc học tập ở các trường. Số còn lại đa phần học vấn thấp, nghề nghiệp không ổn định, ít có chí hướng phấn đấu, lực lượng cán bộ làm công tác đoàn thể như mặt trận, hội phụ nữ... thì cơ bản đã lớn tuổi.
Điều đáng nói là tổ chức đảng là hạt nhân trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nếu hạt nhân đó quá mỏng lại toàn tập trung những người “có tuổi” thì hiệu quả hoạt động của cả hệ thống cũng vì thế mà có phần giảm sút, không có “sức trẻ”. Cùng với đó là việc thiếu hụt đội ngũ đảng viên ở khu vực khu dân cư chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở khu vực dân cư.
Mặc dù khó khăn trong tạo nguồn phát triển đảng ở khu dân cư là một thực tế chung, nhưng không phải là không có cách tháo gỡ. Theo nhiều đảng viên, để khắc phục tình trạng này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy cần phải coi việc tạo nguồn phát triển Ðảng là một nhiệm vụ quan trọng và phải làm thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và đảng viên.
Muốn có nguồn, đòi hỏi các tổ chức cơ sở đảng cần thường xuyên đổi mới phương thức, nội dung sinh hoạt, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương sao cho thiết thực, phù hợp. Sinh hoạt chi bộ phải tập trung bàn bạc, giải quyết những việc quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống. Từ đó, tạo niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng và từ đó, quần chúng mới có ý thức phấn đấu, tu dưỡng để trở thành đảng viên.
Đáng chú ý, các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân... cần có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia các phong trào ở khu dân cư, thông qua đó phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, phát triển Đảng.
Song song đó, các cấp ủy tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, phân công cho đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giáo dục con em, người thân nâng cao nhận thức về Đảng và có ý thức phấn đấu trở thành đảng viên. Qua đó, lựa chọn các quần chúng ưu tú giới thiệu cho chi bộ xem xét, bồi dưỡng, kết nạp.
Mặt khác, nên mở rộng đối tượng tạo nguồn, không nên chỉ nhìn vào lực lượng thanh niên mà phải "ngắm" rất nhiều đối tượng: hội viên phụ nữ, nông dân, cựu quân nhân, công nhân ưu tú... Khi đã xây dựng được nguồn, Đảng ủy lên kế hoạch phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Đặc biệt, khi xem xét, chọn lựa các đối tượng tạo nguồn, chi bộ, đảng viên cần có các hành động cụ thể. Theo đó, với những người bằng cấp chưa đạt chuẩn theo quy định thì cần động viên và tạo điều kiện cho họ đi học bổ túc thêm bằng cấp. Với những người chưa có việc làm ổn định thì cấp ủy quan tâm tạo việc làm ổn định tại chỗ cho lao động tại địa phương...
Nói như thế không có nghĩa là các chi bộ ở khu dân cư chạy theo số lượng để tạo nguồn. Bởi vì nguồn thiếu hay đủ nằm ở chính ngay trong tư tưởng, hành động của các chi bộ, đảng viên ở khu vực dân cư. Muốn thu hút được nguồn thì bản thân các chi bộ, người đứng đầu phải thật sự đổi mới thì “quần chúng” ắt sẽ tìm đến với Đảng. Hơn nữa, nếu thật sự quan tâm, để ý tìm tòi người tốt theo kiểu "gạn đục, khơi trong" rồi theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng thì không bao giờ có chuyện "cạn nguồn". Bài học này đã được rút ra từ chính các chi bộ làm tốt công tác phát triển Đảng ở các khu dân cư.