Chi bộ cơ quan, xã, phường, thị trấn: Nên có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ

09:44, 14/08/2013

Tính đến tháng 8/2012, 181/181 đảng bộ xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã thành lập chi bộ cơ quan (CBCQ), trong đó có 143 CBCQ xã, 25 CBCQ phường, 13 CBCQ thị trấn (gọi chung là CBCQ cấp xã). Thông qua các hoạt động, CBCQ cấp xã đã thực sự phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, trung tâm đoàn kết, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bí thư CBCQ cấp xã kiêm nhiệm trên địa bàn toàn tỉnh tính đến hết năm 2012: Bí thư đảng ủy 2 đồng chí, Phó Bí thư Thường trực 49 đồng chí, Thường vụ đảng ủy 7 đồng chí, Chủ tịch HĐND 10 đồng chí, Chủ tịch UBND 4 đồng chí, Phó Chủ tịch HĐND 36 đồng chí, Phó Chủ tịch UBND 20 đồng chí, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và trưởng các đoàn thể 48 đồng chí, các chức danh khác có 5 đồng chí.

- Đánh giá kết quả phân loại hằng năm, đa số các chi bộ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ: Năm 2008, đạt 151/151 chi bộ; năm 2009, đạt 162/163 chi bộ; năm 2010 đạt 167/171 chi bộ; năm 2011, đạt 173/175 chi bộ; năm 2012, đạt 178/181 chi bộ.

 

 

 

CBCQ cấp xã gồm những đảng viên là cán bộ chuyên trách và cán bộ công chức cấp xã trong định biên theo Nghị định số 114 của Chính phủ, làm việc thường xuyên tại trụ sở. Tính đến hết năm 2012, 181 đảng bộ cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh có 3.673 đảng viên, chiếm tỷ lệ 4,84% tổng số đảng viên của toàn tỉnh. Các chi bộ đều bố trí bí thư là một đồng chí trong Ban Thường vụ đảng ủy.
 


Ngay sau khi được thành lập, CBCQ cấp xã đã xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chi bộ đối với các ban, ngành, đoàn thể địa phương; xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên trong chi bộ, đồng thời đề ra giải pháp để xây dựng chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh. Các chi bộ thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng; từng bước đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt;  từ đó đã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đảng viên trong việc tham mưu, đề xuất với đảng uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể về những vấn đề thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
 


Sinh hoạt CBCQ cấp xã được duy trì và ngày càng đi vào nền nếp. Thông qua sinh hoạt, CBCQ cấp xã đã kịp thời phổ biến, quán triệt và triển khai kết quả thực hiện nhiệm vụ của các ban, ngành, đoàn thể và tình hình ở khu dân cư đến từng đảng viên. Việc ban hành nghị quyết của chi bộ được thuận lợi, vì đảng viên của chi bộ là những cán bộ, công chức nên vừa là người cụ thể hoá, vừa là người lanh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tham gia ý kiến trực tiếp thông qua sinh hoạt chi bộ giữa đảng viên và lãnh đạo, giữa đảng viên với đảng viên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát hiện và uốn nắn những thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng đảng viên; phát huy được sức mạnh của đội ngũ đảng viên trong chi bộ. Việc nhận xét, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm chính xác hơn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm cũng như biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 100% đảng viên CBCQ cấp xã được giới thiệu về nơi cư trú để giữ mối liên hệ và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú theo quy định.



Tuy có nhiều thuận lợi và đạt được những kết quả tích cực, song việc thực hiện chủ trương mới này đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập. Nội dung sinh hoạt của CBCQ cấp xã còn nghèo nàn, nặng về đánh giá công tác chuyên môn. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng tháng và xây dựng phương hướng nhiệm vụ tháng tới của chi bộ còn mang tính chung chung, na ná phương hướng nhiệm vụ của cấp ủy cấp xã; thậm chí có nơi chưa tách bạch giữa sinh hoạt chi bộ với họp đảng ủy, ban thường vụ, giao ban thường trực đảng ủy, thường trực HĐND, UBND. Cá biệt, có trường hợp do không nắm rõ chức năng, nhiệm vụ, đồng chí bí thư chi bộ lại “sa đà” vào việc đánh giá hoạt động của đảng ủy, UBND, có khi còn chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND…



Một số CBCQ cấp xã phân công nhiệm vụ cho chi uỷ, đảng viên chưa rõ ràng; việc quản lý đảng viên và công tác đảng vụ còn lỏng lẻo. Một số đảng viên khi đã sinh hoạt ở CBCQ rồi thì ngại hoặc không muốn dành thời gian để dự sinh hoạt ở chi bộ khu dân cư. Bởi vậy nên đôi khi thiếu thông tin về tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nơi cư trú, nắm bắt chưa kịp thời những vấn đề nổi cộm ở cơ sở.



Khi thành lập CBCQ cấp xã, số đảng viên còn lại ở các làng, bản, tổ dân phố hầu hết là cán bộ hưu, lớn tuổi và đảng viên trẻ mới kết nạp, chưa có kinh nghiệm nên năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu có những hạn chế. Trong khi đó, cấp trên chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ CBCQ xã, phường, thị trấn; cấp ủy chi bộ chủ yếu vận dụng Quy định số 98-QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 22 tháng 3 năm 2004 về nhiệm vụ, chức năng của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo gặp nhiều lúng túng.



Có thể khẳng định, việc thành lập CBCQ cấp xã là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, giúp cấp uỷ cơ sở quản lý, phân công công tác cho đảng viên được rõ ràng, chặt chẽ hơn, đánh giá đúng thực chất cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; tháo gỡ những khó khăn trong việc bố trí sinh hoạt Đảng đối với số đảng viên là cán bộ, công chức cơ sở không phải người địa phương hoặc được tăng cường, luân chuyển, điều động từ nơi khác đến. Song, các CBCQ cấp xã đang rất mong tổ chức Đảng cấp trên sớm ban hành quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của loại hình chi bộ này để tạo điều kiện thuận lợi cho cấp ủy chi bộ thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh./.


 

Ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Chủ tịch HĐND, kiêm Bí thư CBCQ phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên): Việc thành lập và duy trì hoạt động của CBCQ có nhiều ưu điểm bởi thành phần Chi bộ gồm các cán bộ chủ chốt, họ vừa là người thực hiện, vừa là người xây dựng, lãnh đạo các chỉ thị, nghị quyết. Điều này giúp cho Chi bộ kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát hiện và điều chỉnh các chủ trương, chính sách ở địa phương cho phù hợp thực tế.


 

 

 

Ông Đỗ Quang Trung, Bí thư Chi bộ xóm Làng Bún 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương): Hoạt động của CBCQ là phù hợp, tuy nhiên việc giữ mối liên hệ giữa đảng viên đang sinh hoạt tại CBCQ với cơ sở chưa được thường xuyên và chặt chẽ. Mỗi năm, họ chỉ về sinh hoạt với xóm khoảng 2 hoặc 3 lần vào các dịp sơ kết, tổng kết theo dạng “khách mời”. Do đó, những ý kiến, phản hồi từ cơ sở chậm được đưa lên cấp trên.



 

 

Anh Hoàng Ngọc Hòa, cán bộ Văn phòng UBND thị trấn Chợ Chu (Định Hóa): Tôi được kết nạp Đảng tại CBCQ từ tháng 7-2012. Theo tôi, việc rèn luyện, phấn đấu vào Đảng ở CBCQ có nhiều thuận lợi. Trong quá trình công tác, tôi thường xuyên nhận được sự chỉ bảo, uốn nắn của lãnh đạo và đảng viên phân công giúp đỡ. Bản thân có điều kiện tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm từ các đồng chí lãnh đạo của thị trấn.