Kỷ niệm 83 năm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2013) là dịp để các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo. Đây cũng là dịp để cán bộ ngành Tuyên giáo và đông đảo cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên các lĩnh vực tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Cũng chính Bác là người đã khởi xướng, rèn luyện và để lại nhiều bài học quý báu cho đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng của Đảng.
Thực hiện lời Bác dạy, những năm gần đây, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, nổi bật là đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, nhờ đó giúp cho hoạt động tuyên giáo đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Các cấp ủy đảng, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy đã quan tâm, đánh giá đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên giáo đối với công tác xây dựng Đảng. Các điều kiện vật chất phục vụ cho hoạt động tuyên giáo không ngừng được nâng cao, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của công việc.
Kết quả nổi bật của công tác tuyên giáo trong những tháng đầu năm 2013 là đã chỉ đạo và tham mưu cho các cấp ủy làm tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Ban tuyên giáo các cấp đã tham mưu, triển khai quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI); xây dựng kế hoạch, hướng dẫn học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI); tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, gặp mặt, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trao giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề này năm 2013. Hệ thống tuyên giáo các cấp và các cơ quan báo chí của tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); phản ánh kịp thời việc thảo luận, đóng góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân vào hai văn bản luật quan trọng này. Ngoài ra, đã định hướng và tuyên truyền các sự kiện quan trọng, những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013; kết quả 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị; công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá; tăng cường phòng, chống các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có hoạt động đấu tranh, ngăn chặn, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình…
Trong giai đoạn hiện nay, thế và lực của đất nước đã khác và mạnh hơn bao giờ hết. Đây là thuận lợi rất cơ bản cho những người làm công tác tuyên giáo. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế trên thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm chạp và thiếu bền vững. Tình hình an ninh, chính trị trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường. Những khó khăn về phát triển kinh tế của đất nước; sự chống phá của các thế lực thù địch nhằm xoá bỏ Chủ nghĩa xã hội, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của quốc gia láng giềng… đang nổi lên như những thách thức đòi hỏi đội ngũ tuyên giáo phải cố gắng hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Để làm tốt công tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay, việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng của ngành Tuyên giáo.
Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Đối với ban tuyên giáo các cấp, cần nâng cao trình độ của đội ngũ chuyên trách, lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên đủ năng lực, trình độ và nhiệt tình trong công tác. Sử dụng kết hợp nhiều hình thức truyền đạt, học tập, như: cung cấp tài liệu để tự nghiên cứu trước, sau đó tổ chức trao đổi, thảo luận làm rõ các nội dung; mời báo cáo viên chuyên sâu truyền đạt một số vấn đề trọng tâm, sau đó bí thư cấp ủy tổ chức liên hệ, thảo luận về chương trình hành động của đơn vị; sử dụng máy chiếu và ứng dụng công nghệ thông tin vào truyền đạt...
Đối với các cơ quan báo chí, các đoàn thể chính trị, xã hội cũng cần đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến trong đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Phương châm tuyên truyền là “mưa dầm thấm lâu”, “cụ thể, dễ hiểu”, “coi trọng nêu gương”. Những nội dung cần tuyên truyền nên chia ra thành những nội dung nhỏ hơn để phân tích, nêu yêu cầu, có liên hệ một cách sát thực và được tuyên truyền nhiều lần, mỗi lần một vài nội dung; tránh việc “nhồi ” thông tin và chỉ làm một lần coi như đã xong. Phải gắn các chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, chính sách đó với cuộc sống và nhằm để đưa nó vào cuộc sống.
Thứ hai, cần nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên các cấp trong việc truyền đạt nghị quyết, thông tin thời sự và tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật.
Việc học tập, nắm bắt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của mỗi Đảng viên. Hầu hết Đảng viên hiện nay đều có nhu cầu tự thân về việc nắm bắt các thông tin đó. Tuy nhiên, chính do sự nghèo nàn về nội dung, yếu kém về năng lực truyền đạt của báo cáo viên khiến người nghe không hào hứng, thậm chí, những buổi học tập nghị quyết trở nên tẻ nhạt, nặng nề. Tại nhiều hội nghị, báo cáo viên cứ đọc cho xong nội dung, người học cứ ngồi cho đủ thành phần, hiệu quả học tập không cao nhưng cuối cùng vẫn được đánh giá là hoàn thành chương trình, nhiệm vụ…
Thứ ba, phải coi trọng việc tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Các chương trình hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết phải được xây dựng một cách thiết thực, cụ thể. Cần đổi mới cả trong công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, trong đó để đánh giá chính xác phải vừa thông qua báo cáo, thông qua kiểm tra hồ sơ; vừa phải thường xuyên nắm tình hình, diễn biến; chú trọng việc khảo sát, xin ý kiến trực tiếp của cán bộ, đảng viên tại đơn vị được kiểm tra.
Thứ tư, phải có sự đột phá, đổi mới mang tính hệ thống. Các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở cần rà soát, đánh giá lại đội ngũ và chất lượng công tác tuyên giáo ở địa phương, đơn vị mình, trên cơ sở đó, có sự điều chỉnh, bồi dưỡng, bổ sung nhân lực cho phù hợp. Việc đánh giá có thể thông qua nhiều hình thức, chẳng hạn như quy định đơn vị tổ chức phải lấy ý kiến đánh giá của người nghe để tổng hợp, thông tin phản hồi cho ban tuyên giáo cùng cấp; tổ chức điều tra, đánh giá đội ngũ và chất lượng công tác tuyên giáo ở địa phương, đơn vị hằng năm. Ban tuyên giáo các cấp có kế hoạch thao giảng và dự giảng đối với cán bộ tuyên giáo chuyên trách và cán bộ tuyên giáo kiêm chức; chủ đề chuyên sâu về truyền đạt chỉ thị, nghị quyết và thời sự trong nước, quốc tế…
Bên cạnh những yêu cầu trên, đối với mỗi cán bộ tuyên giáo phải tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, chủ động, sáng tạo trong công việc. Phải ra sức học tập và thực hành làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công việc và sinh hoạt hằng ngày…