Tại cuộc họp báo ngày 7/8 tại Hà Nội, Đại sứ David Shear cho biết, ông đang rất mong đợi chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Việt Nam.
Ông ca ngợi Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm thành công đến Mỹ hồi cuối tháng 7. Theo ông, với quan hệ đối tác mới mà 2 bên vừa tuyên bố, hai nước đã vạch ra một lộ trình hợp tác toàn diện trên hầu hết mọi lĩnh vực. “Tôi cho rằng trong những tuần và tháng tới, các bạn sẽ thấy bằng chứng về công việc mà hai bên sẽ làm để cụ thể hóa mối quan hệ đối tác toàn diện đó” – Đại sứ Shear nhấn mạnh
Thiết lập quan hệ đối tác
Theo Đại sứ Mỹ, mối quan hệ đối tác toàn diện mới được thiết lập đã phản ánh quy mô rộng lớn các lĩnh vực hợp tác mà hai nước thực hiện trong thời gian qua. “Nếu nhìn vào chặng đường đã qua, trong những ngày đầu tiên, Việt - Mỹ tập trung vào dỡ bỏ lệnh cấm vận, cũng như việc bình thường hóa quan hệ hai nước và giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại.
Tiếp đó, hai nước bắt đầu giai đoạn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào năm 2001. Trong những năm qua, quan hệ Việt - Mỹ tập trung nhiều vào các vấn đề khác nhau như ngoại giao và an ninh, cũng như vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm” – ông nói.
Đại sứ Shear cho biết, Mỹ “không phân biệt quá rõ ràng” giữa quan hệ đối tác toàn diện, hay quan hệ đối tác chiến lược, mà “quan trọng là thiết lập quan hệ đối tác”. Theo Đại sứ Mỹ, quan hệ đối tác toàn diện đã thể hiện mức độ lòng tin mới trong quan hệ hai nước. Mức độ hợp tác giữa hai bên trong các vấn đề mà chiến tranh để lại cũng phản ánh “lòng tin đang tăng lên”.
“Hai nước có sự hợp tác tuyệt vời trong việc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh, và Mỹ đã bắt đầu hợp tác trong việc giải quyết ô nhiễm chất độc da cam tại sân bay Đà Nẵng, cũng như tiếp tục hợp tác rà phá bom mìn” – ông nói.
Cũng tại cuộc họp báo, Đại sứ Shear khẳng định, Việt Nam đã có những bước tiến bộ cụ thể về nhân quyền. “Đón đại diện của Tổ chức Ân xá quốc tế đến Việt Nam cũng như cải thiện quan hệ giữa chính phủ Việt Nam với Vatican. Mỹ mong đợi tiếp tục quá trình đối thoại mang tính xây dựng với Việt Nam trong lĩnh vực này” – ông cho hay. Về việc mới đây Hạ viện Mỹ thông qua dự thảo nhân quyền về Việt Nam, Đại sứ Shear nói “không thể bình luận” vì “dự thảo này hiện vẫn đang bị “treo” (pending) tại Quốc hội Mỹ”.
“Con cá lớn” TPP?
Trong cuộc họp báo, Đại sứ Shear nhiều lần nhấn mạnh đến lợi ích của Việt Nam nếu “hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)” vào cuối năm. Theo Đại sứ Shear, đây là “cách tốt nhất để tăng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam”. Ông thậm chí cho rằng, việc hoàn tất đàm phán TPP là “điều có ý nghĩa hơn mọi điều khác”. “Một khi chúng ta đã cùng nhau ký kết TPP, Việt Nam sẽ có thể gia tăng mặt hàng xuất khẩu đến các nền kinh tế lớn trong TPP như Mỹ, Nhật Bản; thu hút mạnh mẽ đầu tư từ các nước thành viên trong hiệp định. Nếu có thể hoàn tất TPP vào cuối năm nay, triển vọng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể”.
Hoàn tất Hiệp định TPP - theo Đại sứ Shear - cũng là “phương thức tốt nhất” giúp Việt Nam có thể vượt qua quy trình phức tạp “gồm nhiều bước cả về mặt hành chính và pháp lý của Bộ Thương mại Mỹ” để đạt được quy chế công nhận nền kinh tế thị trường – vốn cũng là “cơ sở cho các đánh giá trong những vụ kiện chống bán phá giá”.
Đại sứ Shear cũng cho rằng, một mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ làm giảm bớt căng thẳng và tăng cường hòa bình, ổn định tại khu vực. “Trong họp báo khi mới đến Việt Nam vào tháng 9.2011, tôi đã nhấn mạnh không có gì có lợi cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực bằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cho đến nay tôi vẫn tin như vậy” – ông nói.