Là Ghè - Nơi Bác Hồ từng ở và làm việc

14:16, 02/09/2013

Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở rõng Là Ghè, xóm Vang, xã Liên Minh (Võ Nhai) là một trong những địa điểm quan trọng ghi dấu ấn về thời gian Bác Hồ từng ở và làm việc tại Thái Nguyên. Đây là niềm tự hào lớn của nhân dân các dân tộc trong xã.

Cuối năm 1947, nhằm thực hiện mưu đồ tiêu diệt cơ quan đầu não của ta hòng “đánh nhanh, thắng nhanh”, thực dân Pháp huy động lực lượng bao vây căn cứ địa Việt Bắc từ các phía. Trước tình hình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và quân đội quyết định di chuyển từ ATK Định Hóa sang ATK Võ Nhai. Xóm Vang, cụ thể là ở Là Ghè - con nước nhỏ chảy uốn lượn giữa 2 sườn núi rồi đổ ra suối Khuôn In, vốn là nơi có cây cối rậm rạp, có lối thoát ra cánh đồng Khuôn Mánh và đường thông sang huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã được chọn làm nơi ở và làm việc của Bác từ ngày 15-10-1947 đến ngày 17-11-1947.

 

Theo các nhân chứng và một số tài liệu thì khi đến Võ Nhai, Bác Hồ và các đồng chí bảo vệ, giúp việc được ông Nguyễn Văn Đức (lúc đó làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện Võ Nhai) đưa đến ở tạm tại nhà ông Nguyễn Văn Đắc (một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của xã Tràng Xá, gồm cả xã Liên Minh bây giờ). Khi chiếc lán nhỏ làm nơi ở và làm việc của Bác được dựng xong bên cạnh rõng Là Ghè thì nhà ông Nguyễn Văn Đắc trở thành trạm giao liên. Bản thân ông Đắc và con gái ông là Nguyễn Thị Thành (năm đó 15 tuổi) làm nhiệm vụ gõ mõ báo hiệu mỗi khi có người muốn đến liên hệ công tác, gặp Bác, hoặc khi có dân làng mang lương thực đến.

 

Bà Nguyễn Thị Thành (năm nay 81 tuổi) kể lại: Lúc đầu, tôi không biết có Bác Hồ ở đó, dù rất tò mò nhưng cũng không dám hỏi, dám nói với ai vì bố tôi đã dặn dò như vậy. Dân làng cũng không mấy ai biết trong đoàn người đó có Bác Hồ và các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước (họ chỉ biết gọi là bộ đội tuyên truyền), nhưng mọi người đều có ý thức giữ bí mật, bảo nhau thực hiện “không biết, không nghe, không thấy”, hoặc nếu có gì nghi vấn, phát hiện giặc dò la thì báo ngay cho cán bộ. Nhiều người còn mang gà, gạo, rau đến biếu “bộ đội tuyên truyền”. Thấm thoắt hơn 1 tháng trôi qua, đoàn “bộ đội tuyên truyền” được sống trong tình thương yêu, che chở của dân làng. Bà Thành nhớ lại ngày chia tay: Anh Kỳ (đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác) gọi tôi lại để tặng một số vật dụng và nhắn nhủ “chăm học, chăm học!”. Sau này, tôi cũng được biết, bố tôi đã được Bác Hồ căn dặn rằng: Việc gì cũng phải học hỏi, bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng và phải tin vào dân chúng, giữ lời hứa với dân, lời nói phải đi đôi với việc làm thì dân mới tin…



Thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại đây là niềm tự hào lớn của không riêng cá nhân và gia đình bà Nguyễn Thị Thành mà còn của toàn thể nhân dân trong vùng, vì họ đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm cao cả trước dân tộc: Bảo vệ tuyệt đối an toàn và tạo điều kiện để Bác và cơ quan Trung ương làm việc. Tại địa điểm khi trước là nơi dựng lán cho Bác ở đã được cắm biển, làm cột mốc ghi sự kiện và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh (năm 2009). Năm 2005, Tổng Bí thư khi đó là đồng chí Nông Đức Mạnh đến thăm Di tích rõng Là Ghè và trồng cây đa lưu niệm tại đây, đồng chí lưu ý Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Liên Minh thường xuyên bảo vệ, tôn tạo di tích, cũng như ra sức phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa để xứng đáng với truyền thống cách mạng.
 


Nhằm giáo dục truyền thống và thường xuyên vun đắp niềm tự hào cho thế hệ trẻ, năm nào, Đoàn xã Liên Minh cũng huy động và tổ chức đoàn viên thanh niên phát quang, vệ sinh Khu di tích (thường là 2 đợt/năm); Huyện đoàn Võ Nhai cũng tổ chức những đợt hành trình về nguồn tại đây để ôn lại lịch sử. Cũng nói về hoạt động này, cô giáo Phạm Thị Thúy Sơn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Liên Minh cho biết: Hằng năm, Nhà trường đều tổ chức cho các em học sinh đến tham quan, tham gia phát dọn và học tập lịch sử địa phương tại Khu di tích. Thông qua đó, các em hiểu hơn về truyền thống của quê hương, hoàn thiện nhân cách và có ý thức phấn đấu hơn trong học tập, rèn luyện. Hoạt động này sẽ tiếp tục được Nhà trường thực hiện trong thời gian tới… 



Theo đồng chí Hoàng Xuân Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh thì mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với niềm tự hào sâu sắc cùng tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực và cần cù lao động, nhân dân các dân tộc trong xã ngày càng đạt được những thành tích đáng kể trong xóa đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa. Điều trăn trở và cũng là mong muốn bấy lâu nay của cán bộ và nhân dân xã Liên Minh là Khu di tích vẫn chưa được đầu tư xứng đáng. Hiện ngoài tấm bia giới thiệu di tích thì chưa có một công trình nào được đầu tư xây dựng, ngoài trừ con đường đất dài hơn 1km dẫn vào Khu di tích mới được hoàn thành năm ngoái.
 


Bà Nguyễn Thị Thành nói: Tôi mong muốn cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, đầu tư phục dựng lại chiếc lán như chiếc lán đã từng là nơi ở của Bác tại rõng Là Ghè cách đây 66 năm, hoặc xây dựng tại đó một nhà truyền thống…