Xe công, cảng biển, nhà văn hóa bị “điểm danh” lãng phí

10:36, 20/09/2013

Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2013.

Nội dung báo cáo nêu, trong sử dụng ngân sách, đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm kinh phí, hạn chế tối đa việc tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định, các đoàn đi công tác, học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm trong nước và nước ngoài.


Ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên tạo nguồn cải cách tiền lương, các bộ, ngành, địa phương còn thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013, với số tiền khoảng 3.080 tỷ đồng

Tuy nhiên, việc lãng phí vẫn còn phổ biến. Trong việc quản lý dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, nửa đầu năm nay các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 556 cuộc thanh tra thuộc lĩnh vực quản lý dự án đầu tư xây dựng, kiến nghị xử lý vi phạm khoảng 234 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách 89 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 90 tập thể, 136 cá nhân vi phạm.

Khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được nhận định, lãng phí nhất là tài nguyên đất đai, khoáng sản. Ngoài ra, nhiều DN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng cao; đầu tư ra ngoài ngành còn lớn nhưng việc thoái vốn gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2013, 11 tập đoàn và 88 tổng công ty đã xây dựng và đăng ký kế hoạch tiết kiệm hơn 11.000 tỷ đồng. Chưa có báo cáo đầy đủ nhưng 6 tháng đầu năm, 21 tập đoàn, tổng công ty đã tiết kiệm được 3.125 tỷ đồng.

Trong số này, đơn vị duy nhất thực hiện vượt số đăng ký là Tập đoàn Bảo Việt, đăng ký 150 tỷ đồng, ước thực hiện được 163 tỷ đồng. Vừa vặn về đích là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước với hơn 11 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đăng ký 2.290 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được phân nửa (1.482 tỷ đồng). TCTy Hàng hải Việt Nam đăng ký tiết kiệm hơn 110 tỷ đồng, thực hiện hơn 109 tỷ đồng…

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đăng ký tiết kiệm nhưng đến nay vẫn chưa có số liệu báo cáo kết quả.

Dù ghi nhận các kết quả, Bộ trưởng Tài chính vẫn nhận định, công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp còn bất cập, như quản lý nợ không chặt chẽ, hiệu quả đầu tư và sử dụng vốn chưa cao.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, vẫn còn tình trạng sử dụng tài sản công không đúng tiêu chuẩn, nhất là đối với xe ô tô công. Các bộ, ngành, địa phương trong cả nước mua mới 168 xe ô tô (nguyên giá 219,3 tỷ đồng), mua mới các loại tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên là 106 tài sản (nguyên giá 982 tỷ đồng).

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội lưu ý, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu ngân sách Nhà nước không đạt dự toán nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương, ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách nhà nước. Chi ngân sách Nhà nước còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa được xử lý, khắc phục triệt để. Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp có chuyển biến, song chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu. Tiến trình thực hiện đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa còn chậm, chưa đạt được kế hoạch và mục tiêu đề ra.

Việc sử dụng tài sản công, nhất là việc sử dụng hệ thống cảng biển ở một số địa phương hiệu quả thấp, không đạt được mục tiêu đầu tư đặt ra. Tình trạng đầu tư xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa của một số địa phương vượt quá nhu cầu cần thiết, tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn trong khi ngân sách Nhà nước đang rất khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn.