Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại tổ 38, phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên, ông Phạm Tất Quynh, 76 tuổi, nguyên Phó Ban Tuyên giáo, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng của Tỉnh ủy nói với tôi giọng nghẹn ngào xúc động: Chiều tối ngày 4-10, ông Kim Sơn, người giúp việc luôn cận kề với Đại tướng có điện cho tôi và nói “Anh Văn mất rồi!”. Nghe tin đó, tôi thực sự hụt hẫng, biết rằng sinh tử là quy luật của tạo hóa, nhưng việc Đại tướng ra đi mãi mãi khiến cho lòng tôi thổn thức khôn nguôi.
Ngược dòng thời gian về với những năm 80 của thế kỷ trước, khi đó ông Phạm Tất Quynh đang công tác tại Tỉnh ủy Bắc Thái (Thái Nguyên), trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 1998 (khi ông nghỉ hưu), ông đã hơn 10 lần được gặp Đại tướng tại nhà riêng, trong các hội nghị nghiên cứu lịch sử và những lần Đại tướng lên thăm tỉnh nhà. Ông kể: Đại tướng đặc biệt quan tâm tới việc nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là về việc khôi phục lại ATK Định Hóa, bởi vậy, mỗi lần lên thăm Thái Nguyên, Đại tướng đều yêu cầu có cán bộ làm công tác nghiên cứu lịch sử của tỉnh đi cùng.
Năm 1943, trước cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, Đại tướng đã đến Thái Nguyên để vận động quần chúng và phát triển cách mạng, trong 11 năm gắn bó với tỉnh (1943-1954), Đại tướng luôn thực hiện 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Đại tướng đã mở đường Nam tiến thắng lợi, khai thông con đường quần chúng cách mạng, nối được trung tâm cách mạng Việt Bắc với đồng bằng châu thổ sông Hồng, từ đó phát triển và xuyên suốt vào Nam. Đại tướng nói thạo 4 ngôn ngữ của người dân vùng Việt Bắc đó là tiếng Tày, Dao, Mông, Sán Chí, vì thế khi gặp người dân ở bất cứ đâu, Đại tướng cũng trò chuyện được, không cần qua phiên dịch. Đặc biệt, Đại tướng từng nhiều lần nói trước gia đình rằng luôn coi Thái Nguyên là quê hương thứ hai của mình. Cảm mến tình cảm của Đại tướng, vào mỗi dịp lễ, Tết, hoặc có việc xuống Hà Nội, nhiều người dân vùng Việt Bắc nói chung và Thái Nguyên nói riêng lại đến thăm đại tướng để trò chuyện về quê hương đổi mới và cũng là dịp được thăm hỏi sức khỏe của Đại tướng.
Sau này trong những chuyến lên thăm lại Thái Nguyên, Đại tướng đã dành nhiều thời gian để gặp gỡ, trò chuyện cùng đồng bào. Với riêng cán bộ làm công tác nghiên cứu lịch sử Đảng của tỉnh, Đại tướng căn dặn: Phải chú ý sưu tầm, khai thác thật đầy đủ các tài liệu lịch sử của Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc và Thái Nguyên, từ các tài liệu đó nghiên cứu quy luật phát triển của lịch sử, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao lý luận chính trị và năng lực lãnh đạo, đoàn kết, góp sức mình đưa cách mạng đi đến những thắng lợi vẻ vang.
Có thể thấy tình cảm của Đại tướng dành cho Thái Nguyên rất sâu đậm, sau này khi không có điều kiện về thăm lại tỉnh được, Đại tướng đã nhiều lần viết thư động viên, căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Tại kho lưu trữ của Văn phòng Tỉnh ủy hiện còn lưu giữ 9 bức thư trong đó có 5 bức thư Đại tướng tự tay viết, 4 bức còn lại được đánh máy và có chữ ký của Đại tướng.
Xin được trích một đoạn trong bức thư Đại tướng gửi Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên ngày 19/8/2000, vào dịp tỉnh tổ chức Kỷ niệm 55 Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và kỷ niệm Ngày thành lập UBND tỉnh nhà: “Chị Hà và tôi từ đáy lòng gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, những tình cảm thân thiết nhất đến toàn thể các bà con cô bác, các anh các chị, các cháu. Chúc đồng bào và chiến sĩ ta, trên mảnh đất Thái Nguyên anh hùng, đã từng che chở cho Bác Hồ và các cơ quan cao nhất của Đảng, Chính phủ và mặt trận, tự hào với những thành quả đã đạt được mà không chút nào tự mãn. So với các tỉnh miền xuôi, so với các địa phương trên cả nước thì tỉnh ta còn nghèo lắm. Vì vậy, cần dốc lòng đoàn kết, lao động và học tập, thực hiện tích cực đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng, khuyến khích tài năng của nền kinh tế tri thức, hết sức coi trọng phát triển lực lượng sản xuất, làm giàu chính đáng, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đào tạo nhân lực có kỹ năng ngày càng cao, bồi dưỡng nhân tài đạt cao đỉnh của trí tuệ nhân loại. Đó là việc làm thiết thực nhất để đón chào Đại hội IX của Đảng. Chúc tỉnh Thái Nguyên anh hùng bước sang thế kỷ mới sẽ là tỉnh gương mẫu, sớm tiến kịp và vượt các tỉnh miền xuôi, theo lời mong ước của Bác Hồ và của nhân dân cả nước”.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, những ngày này, đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh đã đến các địa điểm đã lập bàn thờ Đại tướng để thắp nén tâm nhang, tưởng nhớ một con người vĩ đại, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Minh, lời căn dặn của Đại tướng sẽ luôn được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn khắc cốt ghi tâm, ra sức phấn đấu để tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh, phồn vinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã "đi xa", song nhân cách, tư tưởng của ông vẫn tiếp tục “truyền lửa” cho các thế hệ trẻ Việt Nam. Hình ảnh hàng ngàn người dân xếp hàng đến viếng, tưởng nhớ Đại tướng đã thể hiện sự kính trọng, ngưỡng mộ, thương tiếc vị tướng tài ba của đất nước Việt Nam. Trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng, hình ảnh của Đại tướng luôn hiện hữu và đã hóa thành tượng đài bất tử, mãi mãi trường tồn cùng thời gian.