Chiều 30-9, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.P Hà Nội đã họp, xét và dự kiến đề nghị thành phố xét tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2013 cho 10 cá nhân (trên tổng số 47 cá nhân do các đơn vị giới thiệu). Xin giới thiệu danh sách 10 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2013.
1. Bà Chu Anh Đào, Giám đốc Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó Hà Nội (SN 1938): Bà đã đưa quỹ trở thành chỗ dựa tinh thần cho học sinh, sinh viên nghèo. Gần 20 năm hoạt động, Quỹ đã tổ chức trao trên 5.700 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo trên toàn quốc với số tiền trên 6,5 tỷ đồng, trao tặng 11 nhà tình thương và xây dựng 1 nhà mẫu giáo. Bà đã vận động sự ủng hộ của nhiều nguồn tài trợ với tổng số tiền đầu tư trên 84 nghìn USD thành lập dự án xây dựng Nhà tình thương ReOrient năm 2001 và nuôi 30 cháu mồ côi cha mẹ đến từ nhiều tỉnh trên toàn quốc. Bà nhiều lần được UBND thành phố, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Sinh viên Hà Nội tặng Bằng khen, Giấy khen.
2. GS. TS, Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam (SN 1936): GS là một chuyên gia uy tín của nhiều tổ chức tim mạch học lớn trên thế giới: Hội Tim mạch Pháp, Hoa Kỳ - FACC, Hội Tim mạch Âu châu - FESC, Hiệp hội Tim mạch Đông Nam Á và Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Đông Nam Á. Quá trình công tác, GS đã trực tiếp cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân, đào tạo nhiều bác sĩ chuyên khoa cho cả nước, đặc biệt đào tạo hàng trăm bác sĩ cho các bệnh viện tại Hà Nội. Hiện nay, GS vẫn tham gia tại các diễn đàn và hội nghị quan trọng của ngành tim mạch học; tổ chức các chương trình mổ tim miễn phí cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. GS đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ.
3. GS Sử học Lê Văn Lan (SN 1936): Nhiều năm làm cố vấn cho các công trình nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt Nam. Tính đến nay GS đã có trên 20 đầu sách, 150 luận văn khoa học và khoảng 500 bài viết về lịch sử. GS cũng là người có đóng góp lớn cho việc UBND thành phố đề xuất UNESCO công nhận Di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản thế giới vào năm 2010. Ông trực tiếp chủ biên, đồng chủ biên nhiều sách công trình khoa học về lịch sử Việt Nam, lịch sử Thăng Long - Hà Nội như: Những dấu vết đầu tiên của thời đại đồng thau ở Việt Nam; Tìm trong di sản văn hóa Việt Nam Thăng Long - Hà Nội; Lịch sử Việt Nam - Hỏi và đáp; Lịch sử Thăng Long - Hà Nội; Di tích lịch sử văn hóa trong khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội...
4. Bà Nguyễn Phi Nga, Tổ trưởng sản xuất tổ Môi trường 4 - Chi nhánh Hoàn Kiếm (SN 1961): Bà luôn gương mẫu trong lao động sản xuất, sẵn sàng đảm nhận những công việc nặng nhọc, những vị trí khó khăn nhất, cùng anh chị em trong tổ giữ gìn môi trường trên địa bàn phường. 21 năm gắn bó với nghề, bà luôn tích cực học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu khối lượng được giao, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm chất lượng kỹ thuật cao, tiết kiệm nguyên vật liệu, dụng cụ sản xuất. Nhiều năm liền bà được tặng danh hiệu Công nhân giỏi ngành giao thông công chính, ngành xây dựng Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt".
5. Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội (SN 1955): Trên 33 năm công tác, từ cán bộ cơ sở đến lãnh đạo chủ chốt của thành phố, ông luôn thể hiện là tấm gương của người cán bộ tận tụy với nhân dân, Thủ đô và đất nước. Đặc biệt, trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ông đã cùng với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch. Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân, giai đoạn 2011-2015", ông đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới. Quá trình công tác, ông liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhiều Bằng khen của thành phố; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì...
6. Ông Nguyễn Văn Thanh, hội viên Hội Nông dân xã Vạn Thái, Ứng Hòa (SN 1963): Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, tích cực học hỏi từ các mô hình, ông đã mạnh dạn nhận thầu 8,84ha, xây dựng 72.000m2 chuồng trại để chăn nuôi lợn siêu nạc mang lại giá trị kinh tế cao, tổng doanh thu 93,812 tỷ đồng, lãi thực tế 19,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 46 lao động. Ông đã góp phần tạo nên một vùng kinh tế trang trại tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho người lao động. Ngoài làm giàu cho bản thân, ông còn quan tâm đào tạo, chuyển giao kinh nghiệm, giúp đỡ 6 hộ thoát nghèo. Nhiều năm liền gia đình ông được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, thành phố, TƯ.
7. Đại tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng Công binh Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (SN 1958): Trên 35 năm tuổi quân, Đại tá Phạm Văn Thịnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt trong công tác dò tìm xử lý bom, mìn, vật nổ trên địa bàn Thủ đô còn sót lại sau chiến tranh, với tinh thần dũng cảm vì sự bình yên của nhân dân, Đại tá Phạm Văn Thịnh cùng đồng đội đã kiểm tra và trực tiếp rà soát bom mìn, vật nổ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các sự kiện chính trị, văn hóa thể thao và lễ tết diễn ra trên địa bàn. Từ năm 2008-2012 xử lý an toàn 18 quả bom phá, 632 quả bom bi, 243 quả bom xuyên, 16 quả mìn và đạn pháo các loại. Đại tá Phạm Văn Thịnh 3 lần được UBND thành phố khen thưởng; được Bộ Quốc phòng tuyên dương điển hình tiên tiến học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh toàn quân năm 2013...
8. Bà Nguyễn Thị Tiêu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh (SN 1943): Bà đã xây dựng công ty trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất và phân phối phân bón. Sản phẩm của công ty xuất đi các nước như Belarus, Nga, Trung Quốc, Trung Đông và các nước Châu Á. Hằng năm, công ty đóng góp ngân sách trên 150 tỷ đồng. Công ty của bà đã hỗ trợ cho nông dân 44 tỉnh, thành trong cả nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng mua phân bón trả chậm, đồng thời tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Bà đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 3 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...
9. Ông Nguyễn Văn Tỵ, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (SN 1916): Là đảng viên cao tuổi (trên 65 năm tuổi Đảng), ông vẫn tích cực sinh hoạt và thường xuyên đóng góp với chi bộ đảng, các tổ chức đoàn thể về xây dựng tổ chức đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân, nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội. Khi còn đang công tác và cả khi đã được nghỉ hưu ông đã thường xuyên đọc báo, tạp chí và sưu tầm các bức ảnh về Bác và lời dạy của Người. Tính từ năm 1968 đến nay, ông đã sưu tầm được hơn 3.000 bức ảnh và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô...
10. Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (SN 1941): Ông đã cùng với tập thể lãnh đạo xây dựng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố ngày càng phát triển, xứng đáng với tổ chức Hội của Thủ đô văn hiến, anh hùng. Ông trực tiếp biên soạn và tham gia chủ biên nhiều công trình khoa học: Từ điển văn học I và II, Tổng tập Văn hiến Thăng Long, Tủ sách 1000 năm Thăng Long, Kẻ sĩ Thăng Long và nhiều tập thơ, tác phẩm viết về Thủ đô Hà Nội… Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương chống Mỹ cứu nước, Huân chương Lao động hạng Nhì, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Dịch thuật quốc tế, Giải thưởng về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam...