(TN) - Chiều Thu, nắng hanh hao, tôi tìm về làng Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình), nơi đã in dấu chân vị Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn 50 năm về trước. Làng Thượng cũng chính là nơi ra đời bài thơ chúc thọ Đại tướng khi Người tròn 100 tuổi được nhắc đến lâu nay. Người tôi tìm gặp là ông Dương Ngọc Chắn, tác giả của những câu thơ trên để được hiểu hơn về tình cảm của người dân làng Thượng dành cho Đại tướng.
Đại tướng Anh hùng dễ mấy ai Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài Thắng hai đế quốc bách niên thọ Hoàn cầu có một, không có hai. |
(Bài thơ do cán bộ nhân dân làng Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tặng Đại tướng tròn 100 tuổi”).
Vừa trở về từ lễ viếng Đại tướng ở nhà riêng của Người, ông Chắn vẫn chưa hết bần thần. Ông nhớ lại trong niềm xúc động: Ngày đầu tiên Đại tướng ra đi, lúc đó vào khoảng hơn 22 giờ, tôi nhận được cuộc điện thoại của cháu rể gọi từ bên Nga về hỏi tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất có đúng không. Tôi hỏi thông tin ấy từ đâu thì cháu bảo xem trên mạng. Tôi bàng hoàng, muốn kiểm chứng thông tin nhưng nhà không có máy tính, đêm khuya cũng không đi xem nhờ ở đâu được. Lúc đó tôi có cảm giác thời gian chưa bao giờ trôi đi chậm đến thế. Không thể đợi đến khi trời sáng, 23 giờ đêm tôi quyết định gọi điện hỏi người bạn ở Hà Nội, ông bạn tôi bảo các báo đều đăng tin này nhưng phải đợi trời sáng ông ấy đến tận nhà Đại tướng thì mới khẳng định được.
Dừng lời giây lát ông Chắn nghẹn ngào: “không ai muốn tin đó là sự thật đâu cháu ạ, dù trong thâm tâm mọi người biết chuyện đó tất yếu sẽ phải xảy ra. Tôi có linh cảm chẳng lành nên sau 2 cuộc điện thoại không thể chợp mắt được nữa”. Gỡ cặp kính lão đã nhòa vì nước mắt, ký ức về những lần được gặp Đại tướng cứ lần lượt trở về trong tâm trí ông. Ông hồi tưởng: 3 lần tôi được gặp Đại tướng, 2 lần người lên thăm Quân khu Việt Bắc và một lần đến thăm Quân đoàn 1. Lúc bấy giờ tôi làm công tác tuyên huấn nên may mắn luôn được cầm máy ghi âm đứng gần Đại tướng. Trong đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy người thứ 2 có dáng đi như Đại tướng, Đại tướng đi rất nhanh và không bao giờ nhìn xuống. Người đặc biệt quan tâm đến lực lượng quân sự, dân quân tự vệ địa phương. Người luôn hỏi thăm rất cặn kẽ và tỉ mỉ về họ. Sau này, chúng tôi nghe những bậc cao niên trong làng kể lại, năm 1950 trong một lần về thăm Trường Quân chính Liên khu Việt Bắc đóng tại làng Thượng, người đã đến đình làng. Năm 2010, chúng tôi thành lập đoàn 3 người gồm tôi, Bí thư Chi bộ và bà thủ nhang của đình làng về Hà Nội mong gặp Đại tướng, để xin Đại tướng xác nhận sự kiện Người đã về thăm đình làng năm 1950. Khi ấy đúng vào dịp Đại tướng tròn 100 tuổi, nên tôi đã làm 4 câu thơ và tham vấn ý kiến các cụ trong làng để làm quà mừng thọ Đại tướng.
Ông đứng dậy đi ra lấy bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp khổ lớn vẫn được ông đặt trang trọng ở phía đầu giường. Bên dưới bức ảnh có 4 câu thơ đề rõ “Bài thơ do cán bộ nhân dân làng Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tặng Đại tướng tròn 100 tuổi”. Bức ảnh và bài thơ đã được trưng bày triển lãm tại 45 Tràng Tiền, từ ngày 22-8 đến 3-9 năm 2011. Từng câu, từng chữ trong bài thơ đều toát nên tình cảm kính yêu, khâm phục, tự hào của ông Chắn và người dân làng Thượng dành cho Đại tướng: Làm Đại tướng Anh hùng trên đời này mấy ai có được. Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài, là những phẩm chất cao quý nhất của một con người, một vị tướng cầm quân. Uy, trí ,dũng khiến kẻ thù khiếp sợ; đức độ, tài năng là chỗ dựa của lính, của dân. Trong cuộc đời cầm quân, Đại tướng không bao giờ chấp nhận chiến thắng bằng bất cứ giá nào mà chiến thắng đó phải có được với sự hy sinh, tổn hại ít nhất. Tính nhân văn ấy không chỉ là nhân cách của con người Đại tướng mà đã trở thành hình ảnh đại diện cho một nhân cách Việt Nam được cả thế giới ngưỡng mộ. Bởi “trước hết và trên hết, Đại tướng là một vị Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc giọt máu của mỗi chiến binh” (Trích lời của Thượng tướng Trần Văn Trà). Tất cả những điều cao quý đó đều hội tụ đầy đủ trong con người Đại tướng. Muôn triệu tái tim người dân Việt rất đỗi tự hào, dưới sự dẫn dắt của người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một Việt Nam nhỏ đã đánh bại 2 đế quốc sừng sỏ, đập tan dã tâm xâm lược. Đại tướng 100 tuổi là trường thọ, điều này điểm danh các vị tướng tài trên thế giới đều không ai có được. Ý bài thơ của chúng tôi là như vậy.
Ông Chắn không thể quên cảm giác khi ông nhận được tin Đại tướng đã mất từ người cháu. Nhìn tấm ảnh Đại tướng uy nghi mà đôn hậu, lúc này ông bật khóc: “Đại tướng ơi, cả vũ trụ nhớ thương người”. Đây cũng là cảm xúc của đêm đầu tiên khi ông hay tin Đại tướng đã trút hơi thở cuối cùng. Bao tình cảm, nỗi nhớ thương, tiếc nuối đều được ông gửi trọn trong bài thơ “Nhớ anh Văn” mà ông đã viết trong ánh đèn pin đêm hôm ấy. Cảm xúc của người lính già Dương Ngọc Chắn cũng là cảm xúc chung của lớp lớp thế hệ dân tộc Việt Nam đối với người học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Câu chuyện giữa một người lính già và một hậu bối như tôi luôn có những khoảng lặng vì xúc động. Ông khóc, tôi khóc và tất cả những người ngồi bên nghe câu chuyện đều rưng rưng nước mắt. Phải một lúc lâu lắm ông mới bình tâm được, đứng dậy mở tủ trân trọng lấy ra tờ thiếp chúc mừng năm mới có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một phong thư đề tựa “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân gửi Đảng bộ và đồng bào Làng Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên để nhớ đến kỷ niệm hơn 50 năm ngày về thăm Trường Quân chính Quân khu Việt Bắc”. Tất cả những kỷ vật này hiện đều được bày trang trọng tại đình làng Thượng, nơi từng in dấu chân của Đại tướng. “Mỗi lần nhìn thấy những kỷ vật này, chúng tôi như thấy được bóng dáng của Đại tướng”.
“Về viếng Đại tướng, tôi xếp hàng trong dòng người tưởng như dài vô tận, tất cả đều lặng lẽ và kiên nhẫn chờ đợi dù bất kể dưới thời tiết nào để được vào trực tiếp cúi đầu trước di ảnh Đại tướng”. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để chứng minh lòng tôn kính, nỗi tiếc thương vị Đại tướng tài năng trong lòng người dân Việt Nam.