Quốc hội bắt đầu hai ngày thảo luận về kinh tế - xã hội

10:02, 31/10/2013

8h sáng nay, 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, nhiệm vụ năm 2014. Phiên thảo luận truyền hình, phát thanh trực tiếp và tiến hành trong hai ngày. Là phiên thảo luận diễn ra trong kỳ họp cuối năm, có rất nhiều vấn đề hệ trọng được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội, đồng thời đây cũng là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Kinh tế suy giảm, sản xuất kinh doanh gặp quá nhiều bất lợi, nhiều mục tiêu kinh tế, xã hội trong 3 năm qua không đạt chỉ tiêu đề ra. Về vấn đề này, báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Quốc hội cho rằng, các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XI về kế hoạch 5 năm 2011-2015 được xây dựng trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; nhiều dự báo lạc quan về triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới. Tình hình trong nước có nhiều thuận lợi, chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ năm 2009 phát huy hiệu quả. Kết thúc kế hoạch 5 năm 2006-2010, tăng trưởng kinh tế đạt bình quân khoảng 7,0%/năm. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và hoàn thành nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm được đề ra trên cơ sở tăng trưởng khá cao của 5 năm trước và chưa lường hết được hậu quả tiêu cực của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động nặng nề đến nền kinh tế nước ta.

 

Tuy nhiên, trong gần 3 năm qua, tình hình thế giới có nhiều diễn biến rất phức tạp. Xung đột và thiên tai xảy ra ở nhiều nơi. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lần này được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ Đại suy thoái kinh tế thế giới 1929-1933. Nhiều nước công nghiệp phát triển đã điều chỉnh mạnh chính sách để bảo hộ sản xuất trong nước. Cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực và diễn biến phức tạp trên biển Đông, biển Hoa Đông... Thực trạng trên tác động bất lợi đến phát triển kinh tế-xã hội nước ta.

 

Trong nước, những hạn chế yếu kém vốn có của nền kinh tế cùng với mặt trái của chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã làm cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế tăng trưởng chậm lại, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhu cầu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường sống và bảo đảm quốc phòng an ninh ngày càng cao trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.

 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 9 tháng năm 2013 là 4,63%, dự báo cả năm khoảng 7% (kế hoạch khoảng 8%). Bình quân 3 năm, GDP tăng khoảng 5,6%/năm. Trong 9 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8% và có trên 11,2 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

 

Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch năm 2013, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, đạt được kết quả nêu trên là cố gắng lớn.

 

Chính phủ cũng thừa nhận, mặc dù kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng và dịch vụ thiết yếu còn chậm, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán còn trầm lắng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP không đạt kế hoạch. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

 

Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nợ xấu còn cao. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%). Công nghiệp tăng trưởng còn chậm.  Xuất khẩu nông sản khó khăn, hiệu quả còn thấp. Khả năng phòng tránh, giảm nhẹ tác hại của thiên tai đối với sản xuất và đời sống, nhất là sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế…