Sống mãi tấm gương đạo đức sáng ngời

09:26, 10/10/2013

Mấy ngày qua, cùng với nỗi tiếc thương vô hạn của triệu triệu người con đất Việt trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở mảnh đất Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên  - nơi đã một thời gắn bó với vị Tướng tài ba, không ít người dân vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn trước sự mất mát to lớn đó.

 

Bác Nguyễn Bình Nguyên, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh: Vẫn biết, mỗi con người đều phải trải qua sinh, lão, bệnh tử, nhưng khi nghe tin Đại tướng qua đời, tôi vẫn không khỏi đau đớn, tiếc thương, cảm giác như mình đang mất đi một điểm tựa tinh thần vững chãi.

 

Bác Hoàng Nhung, 80 tuổi ở tổ 2, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), nguyên Hiệu trưởng Trường Thiếu Sinh quân (Quân khu 1): Tôi đã may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần, trong đó có 3 lần được trò chuyện, làm việc với Đại tướng. Ở Đại tướng luôn toát lên sự bình dị, gần gũi, tình cảm thân thương với cấp trên, cấp dưới, với đồng chí, đồng đội. Nguyện vọng muốn được an nghỉ ở nơi chôn nhau, cắt rốn để được gần gũi với anh em ruột thịt, cha mẹ… của Đại tướng đã thể hiện rõ nét sự bình dị, thân thương đó.

 

Với Đại tướng, Thái Nguyên như quê hương thứ hai bởi nơi đây đã ghi dấu biết bao kỷ niệm trong sự nghiệp chiến đấu và chiến thắng của ông. Mỗi khi có dịp trở lại thăm mảnh đất này, Đại tướng không quên đến thăm anh, em, đồng chí, bè bạn, những người đã gắn bó với ông trong những ngày đầy gian khó. Hôm nay, Thái Nguyên đã đổi thay rất nhiều, những ngôi nhà cao tầng hiện đại đã mọc lên sừng sững giữa trung tâm thành phố; nhiều con đường vào làng, bản vùng cao đã được đầu tư xây dựng… Cả ATK Định Hóa nữa, rừng cây vẫn xanh ngắt một màu như thuở nào đón Bác Hồ, Trung ương Đảng cùng các cơ quan Trung ương lên chiến khu lãnh đạo cuộc kháng chiến... Nhưng đau đớn thay, những nơi ghi dấu đầy kỷ niệm này đã không còn được đón Đại tướng về thăm.

Tại Khu di tích lịch sử Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ở xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh (Định Hoá), nếp nhà vị Tổng Chỉ huy quân đội Võ Nguyên Giáp từng ở, làm việc năm xưa (từ năm 1949 đến 1954) vẫn còn đó, đơn sơ, giản dị và rất đỗi gần gũi, thân thương với bao người dân Thái Nguyên. Từ hôm nghe tin Đại tướng qua đời, nhiều người dân trong tỉnh, nhất là những người dân Định Hóa đã tìm về đây thắp hương, tưởng nhớ đến Đại tướng. Ông Đồng Quang Sá và ông Hoàng Văn Tiệp ở xóm Bảo Hoa 2, xã Bảo Linh nghẹn ngào: Mãi đến ngày 5-10, người dân trong xóm mới biết tin Đại tướng qua đời, ai cũng buồn, chỉ mong được về Thủ đô để thắp hương cho Bác, nhưng đường sá xa xôi, tuổi lại cao, không đi được nên chúng tôi chỉ biết đến đây thắp hương cho Bác.

Tâm sự với chúng tôi, từ đôi mắt của hai con người đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, những giọt nước mắt tuôn trào, thể hiện sự đớn đau, mất mát không thể diễn tả bằng lời. Và nỗi đau ấy cũng đang thường trực trong tâm thức mỗi người dân Thái Nguyên, từ những cán bộ, công chức, người công nhân, các học sinh, sinh viên, cho đến những người nông dân, lao động... Nhất là những cựu chiến binh một thời xông pha trận mạc, cận kề với lửa đạn, bom rơi, tình cảm của họ với Đại tướng càng thêm đong đầy. Mấy hôm nay, suốt cả một dãy phố dài của thị trấn Đu (Phú Lương), những lá cờ đỏ sao vàng rủ xuống, thể hiện sự nuối tiếc của người dân Phú Lương trước sự ra đi của Đại tướng. Ở nhiều nơi trong tỉnh, như T.P Thái Nguyên, các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai… nhiều người dân đã sưu tầm những bức ảnh của Đại tướng, có gia đình đóng khung rất cẩn thận rồi mang ra đặt trang trọng cạnh bức ảnh của Bác Hồ. Ông Hoàng Tăng Gia, 90 tuổi ở tổ 13, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), từng là Chính trị viên Đại đội 729, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ từ tháng 11-1953 đến 7-5-1954 cho hay: Từng là lính của Đại tướng, được gặp Đại tướng rất nhiều lần, tôi thấy toát lên ở con người ông sự quyết đoán. Trong đời mình, tôi đã hai lần bật khóc khi hay tin lần này nghe tin Đại tướng qua đời.

Ông Gia nâng niu tấm ảnh của Đại tướng như báu vật. Bức ảnh chân dung này đã được Đại tướng in ra làm nhiều tấm và tặng những chiến sĩ Việt Bắc từ gần chục năm trước, trong đó có ông Gia. Nay, Đại tướng qua đời, tấm ảnh là một kỷ vật thiêng liêng đối với ông.
Ông Nguyễn Văn Thắng, xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) chia sẻ: Dù chưa một lần được gặp Đại tướng nhưng tôi cũng như nhiều người nông dân khác đều rất kính trọng vị Đại tướng tài ba ấy. Đại tướng từ trần không chỉ là mất mát của riêng cá nhân, gia đình nào mà là nỗi đau của cả đất nước, cả dân tộc.

Còn bạn Trịnh Hoàng Ly, sinh viên Khoa Vật lý - Công nghệ, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) nói: Mình sinh ra khi đất nước không còn tiếng súng. Chúng mình được sống, học tập trong cảnh thanh bình và mình chỉ biết về Đại tường qua lời kể của ông, bà, bố, mẹ, qua sách vở, phim tài liệu… Khi biết tin Đại tướng mất, mình rất buồn, cảm thấy như vừa mất đi một người thân yêu, ruột thịt vậy.

Bác Phạm Thị Thanh Sơn, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 4, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mấy ngày hôm nay, tôi đã đi đến từng hộ gia đình trong tổ để thông báo kế hoạch tổ chức Quốc tang Đại tướng. Theo kế hoạch, đúng 12 giờ trưa thứ Sáu, ngày 11-10 bắt đầu thời gian Quốc tang dành cho Tướng Giáp và sẽ kéo dài cho tới 12 giờ trưa Chủ nhật, ngày 13-10, tuy nhiên, ngay từ khi hay tin Đại tướng qua đời, nhiều hộ dân trong Tổ đã ngừng các hoạt động vui chơi, giải trí và treo cờ rủ.

Bà Triệu Kim Tặng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Đại tướng là một lãnh tụ tinh thần, điểm tựa cho các nhà lãnh đạo lão thành cách mạng cũng như cho lớp thanh niên nhiều thế hệ. Những ngày này, cứ xem những thước phim tư liệu về Đại tướng là tôi lại ngậm ngùi, xúc động…


Những sẻ chia kính trọng, thương yêu ấy của biết bao người dân nơi Thủ đô gió ngàn như một lời khẳng định rằng trong trái tim của mỗi người dân Thái Nguyên, vị tướng bình dị, tài năng, đức độ còn sống mãi.