Về “đồi ông Giáp”

16:59, 11/10/2013

Biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, mấy ngày nay, người dân xóm Na Muồng, xã Đức Lương (Đại Từ) vẫn không muốn tin đó là sự thật. Trong tâm trí của các cụ cao niên, hình ảnh vị Đại tướng bình dị, chan hòa, luôn “đồng cam cộng khổ” với nhân dân vẫn vẹn nguyên như ngày Người còn ở đây. Về nguồn gốc “đồi ông Giáp”, ở Đức Lương theo các tài liệu tại địa phương ghi: Khoảng từ tháng 5 đến tháng 9-1947, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã lên đây ở và làm việc. Nơi đây có dựng lán, hầm trú ẩn trên một quả đồi trong điều kiện đảm bảo an toàn, nên đồi này được nhân dân gọi là “đồi ông Giáp”…

Dẫn chúng tôi lên “đồi ông Giáp”, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Đức Lương cho biết: Đồi ông Giáp đã được Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên về kiểm kê, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt là di tích lịch sử kháng chiến. Trong thời gian Đại tướng ở và làm việc tại đây, Bộ Quốc phòng còn tổ chức Hội nghị quân sự toàn quân đầu tiên vào tháng 7-1947 tại Hội trường 8 mái trên một quả đồi cạnh nơi Đại tướng.


Di tích này hiện nay chỉ còn lại nền lán cũ, đường hào xung quanh đồi, ao và giếng nước phục vụ sinh hoạt cho Đại tướng và một số cơ quan, đơn vị ở đây. Trước kia, hội trường rộng 8 mái với diện tích khoảng 400m2 dùng để triển khai hội nghị quân sự năm 1947 đã được làm tại đây. Được biết, Hội nghị này diễn ra vào tháng 7-1947 tập trung lãnh đạo các quân khu do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo. Hội nghị còn có Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự. Tại Hội nghị này, Bộ Quốc phòng đã triển khai lực lượng phá tan chiến dịch “hai gọng kìm” của quân địch hòng tiến đánh khu Việt Bắc bằng trận thắng Thu Đông 1947 lịch sử…


May mắn cho chúng tôi, trong chuyến đi này lại được gặp và trò chuyện với cụ Lý Văn Bình, 88 tuổi, xóm Na Muồng, người vinh dự được đứng trong đội quân bảo vệ đồng chí Võ Nguyên Giáp. Tay cầm tấm phù hiệu Kỷ niệm kháng chiến do đích thân đồng chí Võ Nguyên Giáp trao tặng trong ngày nhập ngũ, cụ Bình cho biết: Với tôi, đây là báu vật thiêng liêng, tôi giữ làm kỷ niệm suốt mấy chục năm nay. Những ngày được sống và làm việc bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi không bao giờ quên một con người vì dân, vì nước. Ngoài những lúc bận công việc, khi có thời gian rảnh rỗi, đồng chí lại xuống bản thăm bà con nhân dân. Sống chan hòa, tình cảm, đồng chí được người dân địa phương tin yêu, che chở, bảo vệ, đùm bọc trong suốt thời gian tại đây.


Buồn đau trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Bính cũng như những người dân xóm Na Muồng hứa với Người, sẽ luôn đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống yêu nước chung sức xây dựng xóm Na Muồng trở lên giàu đẹp, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, chú trọng phát triển kinh tế gia đình và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giáo dục thế hệ con cháu học tập những giá trị, phẩm chất đạo đức cao quý của Đại tướng.