Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp

09:32, 05/11/2013

Hôm nay, 5/11, Quốc hội dành trọn thời gian thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (tập trung về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau nổi lên) và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Mở đầu kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau khi được trình tại kỳ họp trước của Quốc hội, bản dự thảo đã được các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến xây dựng. Sau kỳ họp, dự thảo tiếp tục được lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội… Tất cả các ý kiến này đã được tiếp thu để hoàn thiện bản dự thảo mới trình Quốc hội kỳ này.

 

 

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại Tổ.

 

Theo ông Phan Trung Lý, tại kỳ họp này, trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã đánh giá cao bản hiến pháp sửa đổi và cũng góp ý thêm nhiều vấn đề để hoàn thiện dự thảo. Những nội dung cơ bản được tuyệt đại đa số đại biểu ủng hộ cao là việc giữ nguyên tên nước, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản. Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý chỉnh lý về mặt từ ngữ, bố cục với một số nội dung về lời nói đầu, kiểm soát nhà nước, vấn đề dân tộc, MTTQVN và các tổ chức xã hội, chính sách đối ngoại, quyền con người, quyền công dân…

 

Đáng chú ý, về quy định liên quan đến các thành phần kinh tế, một số đại biểu băn khoăn với quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, lo ngại mâu thuẫn và tạo sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi chúng ta thực hiện nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Tuy nhiên, theo Ủy ban, khái niệm, nội hàm của kinh tế Nhà nước rộng hơn nhiều so với doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, việc khẳng định vai trò chủ đạo của nền kinh tế Nhà nước trong dự thảo không mâu thuẫn với việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, định hướng XHCN và việc đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.