Tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng hiệu quả

09:29, 23/11/2013

Đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã đi vào hoạt động được gần 5 tháng. Để giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về Ban Nội chính Tỉnh ủy, phóng viên (P.V) Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Văn Hùng, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy xung quanh vấn đề này.

P.V: Đồng chí có thể khái quát đôi nét về chức năng, nhiệm vụ của Ban?

 

 

Đ/c Hoàng Văn Hùng: Là một ban xây dựng Đảng của Tỉnh uỷ, Ban Nội chính Tỉnh ủy có chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Ban có 5 nhiệm vụ:

1- Nghiên cứu, đề xuất: Chủ trì hoặc phối hợp tham mưu, đề xuất xây dựng chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; chủ trì hoặc phối hợp tham mưu, đề xuất cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; chủ trì xây dựng các đề án về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng báo cáo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ xem xét, quyết định; chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương về hoạt động của các cơ quan nội chính ở địa phương (Quân sự, Công an, Tòa án, Kiểm sát, Tư pháp, Thanh tra, Cục Thi hành án dân sự), Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh; chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2- Hướng dẫn, kiểm tra: Chủ trì hoặc phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở địa phương; Phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính địa phương thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

3- Thẩm định: Chủ trì hoặc phối hợp thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng trước khi trình lên Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

4- Phối hợp: Tham gia với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác cán bộ theo phân cấp; tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp theo quy định.

5- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy

 

P.V: Những kết quả bước đầu sau 5 tháng hoạt động là gì, thưa đồng chí?

 

Đ/c Hoàng Văn Hùng: Đồng thời với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, Ban Nội chính Tỉnh uỷ đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và tích cực triển khai theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Một số kết quả chủ yếu đạt được như sau:

 

Về công tác nội chính: Thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động của các cơ quan nội chính tỉnh; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW ngày 10-1-2008 của Bộ Chính trị về  công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch sơ kết; tham gia 2 Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiến hành kiểm tra việc thực hiện Thông báo số 130-TB/TW tại 6 đơn vị, xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra…); tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo tổ chức sơ kết 6 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng.

 

Về công tác cải cách tư pháp: Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xây dựng Kế hoạch tổng kết; tham gia 2 Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW tại 5 đơn vị; chuẩn bị nội dung phục vụ Hội nghị tổng kết của Tỉnh uỷ); tham mưu cho Ban Thường vụ kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, chuyển cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo từ Văn phòng Tỉnh uỷ về Ban Nội chính Tỉnh uỷ; tổ chức Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp đi khảo sát thực tế, trao đổi kinh nghiệm về cải cách tư pháp, trọng tâm là việc thực hiện Đề án thành lập Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

P.V: Được biết thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban là công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng chí có thể nói rõ hơn về giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này? 

 

Đ/c Hoàng Văn Hùng: Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm. Đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa, tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

 

Thứ nhất, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho mỗi đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 

Thứ hai, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, giám sát của các cấp uỷ đảng trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với việc kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Nêu cao tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Khi phát hiện tham nhũng, lãng phí thì phải xử lý thật nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để có “vùng cấm”, “vùng an toàn”.

 

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội; thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Công khai, minh bạch trong quy hoạch và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản… Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, giao quyền tự chủ về tài chính, biên chế, giao khoán kinh phí hoạt động cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

 

Thứ tư, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng quy trình giải quyết từng loại thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và đổi mới lề lối làm việc của cán bộ, công chức.

 

Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó chú trọng các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, thu chi ngân sách, công tác tổ chức cán bộ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham những, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện nhũng biện pháp hiệu quả để phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở ngay trong cơ quan, đơn vị mình.

 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!