Với gần 40 tham luận cùng khoảng 100 ý kiến thảo luận, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực" diễn ra hai ngày 11 và 12-11 tại Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong khu vực và thế giới.
Thúc đẩy việc nghiêm chỉnh chấp hành DOC
Tiến sĩ Ralf Emmers - Trường Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam, Singapore: Thời gian vừa qua, chúng ta thấy hai bước tiến triển tích cực của các bên liên quan trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, bước đầu tiên là về phía Trung Quốc. Đầu năm nay Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tham vấn chính thức về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Đây là một thay đổi lớn về quan điểm của Trung Quốc vì trước đây nước này có quan điểm khá cứng rắn về quá trình tham vấn COC khi cho rằng chưa đến lúc thực hiện công việc này. Tất nhiên, quá trình đàm phán và hoàn thiện COC là lâu dài, không thể trông đợi một văn bản COC ngay lập tức. Diễn biến tích cực thứ hai là chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến một vài nước Đông Nam Á gần đây. Trong chuyến thăm này, khái niệm về khai thác chung đã được đề cập và thảo luận, trong đó có khai thác chung tài nguyên. Việc thực hiện Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng và chúng ta cần có những biện pháp cụ thể thúc đẩy các nước nghiêm chỉnh chấp hành DOC.
Hòa bình trên Biển Đông rất quan trọng
Bà Li Jianwei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế biển, Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc: Tôi chia sẻ quan điểm của nhiều đại biểu tham dự hội thảo rằng, tuân thủ luật pháp có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Tôi cũng chia sẻ quan điểm của Tiến sĩ Ralf Emmers là, cần có những biện pháp cụ thể để có thể thúc đẩy biến chuyển từ DOC sang COC. Tôi biết rằng, giải quyết tranh chấp về tàu cá rất khó khăn và các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề này. Trung Quốc và Việt Nam đã thiết lập được đường dây nóng để xử lý các vụ việc liên quan đến điều này. Quan điểm của Trung Quốc là muốn giải quyết với những bên có tranh chấp trực tiếp, nếu tranh chấp song phương thì giải quyết song phương, đa phương giải quyết đa phương. Vì vậy, chính xác là giải quyết tranh chấp giữa các bên có trực tiếp liên quan.
Không cường quốc nào có thể áp dụng luật riêng tại Biển Đông
Ông Termsak Chalermpalanupap, Nhà nghiên cứu cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Singapore: Dù Trung Quốc và ASEAN đã bắt đầu vòng tham vấn chính thức về COC tháng 9 vừa qua tại Trung Quốc, song vẫn có những cách tiếp cận rất khác biệt. Phía ASEAN cho rằng, DOC không đủ hiệu lực để có thể ngăn cản những bất đồng nổ ra như năm 2011, 2012; vì vậy, cần hướng đến cam kết mạnh hơn như COC để cho phép sự ràng buộc về luật pháp. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng DOC vẫn chưa được thực hiện hết và cần tiếp tục thực hiện DOC. Dù quá trình tham vấn COC đã bắt đầu, song Trung Quốc cho rằng đây chỉ là một phần của tiến trình thực hiện DOC. Tôi cho rằng, yêu sách "Đường chín đoạn" của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý. Không một cường quốc nào có thể áp dụng luật riêng của mình tại Biển Đông. Luật ở đây là luật quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.