Tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, gây lãng phí lớn

08:45, 07/11/2013

Chiều 6/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về các dự án: Luật xây dựng (sửa đổi), Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Cần có các tiêu chí và cơ chế để tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng

 

Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), sau hơn 9 năm thực hiện, Luật xây dựng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Do đó, cần thiết ban hành Luật xây dựng (sửa đổi).

 

Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 150 Điều; tăng thêm 1 chương, 27 điều so với Luật Xây dựng (2003). Trong đó được sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để đáp ứng các yêu cầu mới trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt. Tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, bảo đảm sự bình đẳng giữa các đối tượng được xét cấp giấy phép xây dựng và công khai, minh bạch trong quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng...

 

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với những căn cứ về sự cần thiết ban hành Luật xây dựng (sửa đổi) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

 

Đi vào những vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, liên quan đến các quy định về quy hoạch, hiện có hai loại ý kiến khác nhau:

 

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành nội dung quy hoạch xây dựng được quy định trong Chương II, dự thảo Luật.

 

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật mà đưa nội dung về quy hoạch xây dựng trong Chương II, kết hợp với nội dung Luật quy hoạch đô thị, hình thành một đạo luật mới là Luật quy hoạch xây dựng mà có phạm vi điều chỉnh quy hoạch của cả 3 đối tượng gồm vùng, đô thị và nông thôn.

 

Về cơ bản, Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với loại ý kiến thứ nhất, cần thiết quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật. Quy định như vậy là kế thừa được quy định của Luật xây dựng hiện hành, bảo đảm nguyên tắc quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư và công cụ quản lý khi luật mới chưa được ban hành. Hơn nữa, để xây dựng một đạo luật mới, điều chỉnh tổng thể tất cả các đối tượng quy hoạch xây dựng thì cần có thêm thời gian nghiên cứu, đặc biệt là tổng kết, đánh giá thực tiễn việc thực thi pháp luật có liên quan.

 

Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xem xét quy hoạch xây dựng là thành phần quan trọng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội có nội hàm rộng, là sự lựa chọn phương án phát triển của các đối tượng quy hoạch với thời gian, không gian xác định; tuy mang tính định hướng nhưng cần có các tiêu chí và cơ chế để tổ chức thực hiện; cần được cụ thể hóa một cách chi tiết thành các kế hoạch ngắn hạn và có tính pháp lý chặt chẽ hơn.

 

Ủy ban KH,CN&MT cũng cho rằng đối tượng, căn cứ lập quy hoạch xây dựng chưa được quy định thực sự phù hợp; có hiện tượng chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ, nội dung quy hoạch xây dựng với các loại quy hoạch khác, vì thế cần rà soát và quy định lại về đối tượng, căn cứ lập quy hoạch, phạm vi nhiệm vụ, nội dung đồ án quy hoạch (Điều 13, Điều 18, Điều 21 và Điều 25) để quy hoạch xây dựng có tính bao quát hơn, tránh chung chung, tản mạn, thuận lợi cho việc phân chia thành các kế hoạch một cách rõ ràng, cụ thể cần thiết khi tổ chức thực hiện.

 

“Quy định về điều chỉnh quy hoạch và phân loại điều chỉnh quy hoạch (Điều 33) là cần thiết, nhưng cần được quy định một cách khoa học và cụ thể hơn để tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, gây lãng phí lớn” – ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

 

Về giấy phép xây dựng, trên cơ sở quy định về giấy phép xây dựng của Luật xây dựng hiện hành, Chương V của dự thảo Luật đã được bổ sung cụ thể hơn một số quy định về các trường hợp phải xin cấp giấy phép xây dựng, điều kiện cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng tạm, trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép xây dựng, quyền và nghĩa vụ của người xin cấp giấy phép xây dựng...

 

Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, việc quy định chặt chẽ hơn về cấp giấy phép xây dựng là cần thiết để làm cơ sở cho việc quản lý xây dựng công trình nhưng cũng cần bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân trong quá trình xin cấp giấy phép xây dựng; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung quy định một số điều, khoản cụ thể nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh tùy tiện khi hướng dẫn, thực hiện pháp luật; nghiên cứu bổ sung các quy định làm rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan như tài nguyên môi trường, phòng cháy chữa cháy... trong hoạt động cấp giấy phép xây dựng theo cơ chế hành chính một cửa liên thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; cần quy định nguyên tắc riêng về điều kiện, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn, theo công trình, làm rõ quy định cấp giấy phép với từng loại công trình (Điều 77).

 

Cân nhắc giữ lại quy định về cam kết bảo vệ môi trường

 

Theo tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bao gồm 19 chương và 160 điều, tăng thêm 04 chương và 24 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.

 

Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), khác với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 giao Chính phủ quy định các dự án phải lập ĐTM, dự thảo Luật quy định cụ thể 03 nhóm dự án cần phải lập báo cáo ĐTM. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định các dự án có quy mô lớn, có khả năng tác động nhiều mặt tới môi trường đều phải thực hiện ĐTM thông qua 02 bước: ĐTM sơ bộ và ĐTM, hạn chế tối đa việc đã lập dự án cụ thể và lập báo cáo ĐTM nhưng dự án không được phép thực hiện.

 

Về cam kết bảo vệ môi trường, so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, dự thảo Luật đã loại bỏ quy định về cam kết bảo vệ môi trường do việc thực hiện không hiệu quả. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ lập kế hoạch bảo vệ môi trường để bảo đảm tính chủ động, khả thi, thích ứng với các thay đổi về quy định pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động của cơ sở...

 

Liên quan đến những quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng nêu rõ: Về vấn đề này có hai loại ý kiến:

 

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Thực tiễn trong thời gian qua, có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư nhưng sau khi lập ĐTM thấy xuất hiện những tác động xấu đến môi trường, buộc phải đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy, việc quy định 02 bước lập ĐTM đối với một số dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường phải do Chính phủ quy định là cần thiết.

 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Việc quy định 02 bước lập ĐTM sẽ phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. ĐTM sơ bộ có thể gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội, nảy sinh xung đột với một số quy định của luật khác (như Luật đầu tư…).

 

Về vấn đề này, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy Tờ trình của Chính phủ có nêu: “ĐTM sơ bộ không cần thiết phải thẩm định, do đó sẽ không phát sinh các thủ tục hành chính”. Nhưng, tại điểm c khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật quy định “Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ phải được lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Do đó, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định này để bảo đảm thực sự là không phát sinh thủ tục hành chính và khắc phục được việc gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội.

 

Theo dự thảo Luật, kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) sẽ thay thế quy định về cam kết BVMT. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được quyền tự quyết định biện pháp BVMT trong kế hoạch BVMT. Đề cập đến nội dung này, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết: Nhiều ý kiến chưa đồng tình với việc bỏ cam kết BVMT, vì đây là quy định pháp lý đã áp dụng trong nhiều năm qua, nếu bỏ sẽ mất đi công cụ sàng lọc các vấn đề môi trường đối với dự án quy mô nhỏ. Hơn nữa, cam kết BVMT và kế hoạch BVMT là hai phạm trù khác nhau, về thực chất cam kết BVMT là một hình thức ĐTM đơn giản, là căn cứ để quyết định một dự án/đề xuất đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị; còn kế hoạch BVMT là kết quả của việc tính toán thực tế để BVMT đối với một cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong giai đoạn vận hành, nên không thể thay thế cho cam kết BVMT.

 

Theo quy định tại Luật BVMT năm 2005 thì các dự án thuộc đối tượng lập ĐTM phải được kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM trước khi đi vào hoạt động chính thức. Trong thực tế, việc xác nhận hoàn thành các yêu cầu của ĐTM đối với những dự án lớn, dự án có xây dựng công trình BVMT là cần thiết, nhưng Dự thảo Luật bỏ quy định xác nhận hoàn thành các yêu cầu của quy định phê duyệt báo cáo ĐTM đối với tất cả các dự án nên cần xem xét lại. Do đó, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ lại quy định về cam kết BVMT đồng thời nêu rõ đối tượng phải có bản cam kết BVMT cho phù hợp; quy định xác nhận hoàn thành các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM đối với các dự án có xây dựng công trình BVMT.

 

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế./.