Triển khai đồng bộ các biện pháp, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam

11:06, 07/11/2013

Năm 2013, lần đầu tiên Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) được tổ chức trong phạm vi toàn quốc. Để hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xung quanh vấn đề này.

PV: Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam?

 

Đồng chí Nhữ Văn Tâm: Ngày 20-6-2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật (PBGDPL). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Tại điều 8 của Luật có quy định ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đây là ngày Quốc hội khoá I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta: Hiến pháp 1946). Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Như vậy, bắt đầu từ năm nay, chúng ta có một ngày quan trọng để khẳng định tính thượng tôn pháp luật. Tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam sẽ là một hình thức tuyên truyền, PBGDPL hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta; là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nhằm cổ vũ, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật, góp phần tạo chuyển biến mới về chất lượng công tác PBGDPL, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong thực tiễn.

 

PV: Đồng chí cho biết kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh như thế nào?

 

Đồng chí Nhữ Văn Tâm: Thực hiện Luật PBGDPL và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, ngày 11-10-2013, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về việc triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2013 trên địa bàn tỉnh với mục đích, yêu cầu là triển khai, quán triệt đầy đủ nội dung, ý nghĩa của ngày pháp luật quy định tại Luật PBGDPL và các văn bản có liên quan. Theo Kế hoạch, UBND tỉnh đã phân công cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện ngày pháp luật tại cơ quan, địa phương mình bằng các hình thức phù hợp trên cơ sở chức năng, nhịêm vụ của từng cơ quan, đơn vị; báo cáo kết quả thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam về UBND tỉnh, đối với những cơ quan, đơn vị có những cách làm tốt, tấm gương điển hình trong công tác phổ biến giáo dục pháp lụât, yêu cầu nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh để thực hiện.

 

 

Theo văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2013 có chủ đề: “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Các khẩu hiệu tuyên truyền Ngày pháp luật là: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật!”; “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!”; “Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật là bảo vệ chính bạn, gia đình bạn và xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh!”; “Thực hiện pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân!”; “Tôn trọng và chấp hành pháp luật là nét đẹp văn hóa của mỗi người dân!”; “Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành và bảo vệ pháp luật!”;

 

 

UBND tỉnh đã có Kế hoạch yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương lựa chọn một trong các khẩu hiệu trên làm băng rôn treo tại trụ sở cơ quan, đơn vị mình.

 

PV: Để Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật nói chung, Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng đạt được hiệu quả, thường xuyên và lâu dài, thì chúng ta cần có những biện pháp, hình thức tổ chức như thế nào? Thưa đồng chí?

 

Đồng chí Nhữ Văn Tâm: Tuyên truyền, PBGDPL là nhiệm vụ hết sức quan trọng của toàn hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Luật PBGDPL được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012 là văn bản pháp lý quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL.

 

Trong thời gian tới, để Luật PBGDPL nói chung, Ngày Pháp luật nói riêng đạt được hiệu quả, chúng ta cần triển khai đồng bộ một số biện pháp, hình thức tổ chức như: Phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng Phối hợp PBGDPL và cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền PBGDPL các đơn vị, địa phương. Các đơn vị phải thường xuyên kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL, bảo đảm đủ thành phần, có quy chế làm việc rõ ràng, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Hội đồng Phối hợp PBGDPL và cán bộ, cơ quan chuyên trách phải làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL. Ngoài ra, cần tăng cường cả về số lượng và chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của các đơn vị, địa phương. Có kế hoạch bố trí, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ.

 

Bên cạnh đó, các hình thức như: Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cần được nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương áp dụng cùng với việc lồng ghép nội dung PBGDPL với các hoạt động thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"... Đây là những biện pháp tuyên truyền hiệu quả, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

 

Cần phải khẳng định rằng: Việc Luật PBGDPL quy định Ngày Pháp luật Việt Nam là ngày 9-11 hàng năm là một điểm nhấn trong công tác PBGDPL trong đời sống xã hội, tạo bước chuyển cho công tác này để xã hội tiếp nhận và thi hành pháp luật như một thói quen, một phần tất yếu trong hoạt động hàng ngày, góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật trong các cơ quan, tổ chức, cán bộ và nhân dân.

 

PV: Xin cảm ơn đồng chí!