Đặt tên đường, công trình: Chuyện không hề nhỏ

09:28, 03/12/2013

Ngày 2-12-2013, báo Thái Nguyên đã đăng bài viết nêu lên đề xuất của đồng chí Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, Thái Nguyên về việc nên đặt tên Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Đây cũng chính là một trong những vấn đề đang được đông đảo người dân tỉnh ta quan tâm, mong mỏi.

Để tiếp nối mạch chủ đề về việc đặt tên đường, tên công trình trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, trên số báo hôm nay, Tòa soạn đăng tải bài viết “Đặt tên đường, công trình: huyện không hề nhỏ" của tác giả Thục Trang, ngõ hầu góp thêm một tiếng nói trong vấn đề này.

 

Việc đặt tên cho công trình, đường sá, địa danh xưa nay vẫn là chuyện lớn. Lớn ở chỗ cái tên đó phải xứng với tầm vóc và sự đóng góp (nếu là danh nhân), phù hợp với hoàn cảnh thực tế, địa lý, thời tiết, khí hậu, dấu ấn lịch sử, văn hóa (nếu là địa danh )… Quan trọng hơn cả là quan điểm thời đại  của một thể chế chính trị cụ thể đối với việc đặt tên.

 

Sau giải phóng miền Nam năm 1975, Nhà nước ta đã đặt lại tên một số công trình, đường sá do chế độ cũ đặt, như: Dinh Độc Lập đổi thành Hội trường Thống Nhất, Sài Gòn đồng khởi thay cho đường Tự Do cũ; Nam Kỳ khởi nghĩa thay cho đường Công Lý… Bây giờ để tiện cho việc dạy lịch sử, ở T.P Hồ Chí Minh hay Thủ đô Hà Nội người ta còn kể tóm tắt lịch sử tên con đường được đóng khung, treo trang trọng tại các biển tên chỉ dẫn để nhân dân được biết, tìm hiểu. Cũng là việc nhất cử lưỡng tiện.

 

Công trình, đường sá của mỗi một địa phương, đặc biệt là các đô thị tỉnh lỵ, thành phố đều phải có tên để gọi, phần đa là những địa danh, nhân vật lịch sử gắn liền với dân tộc. Nhưng khác nhau ở chỗ tên gọi địa phương nào thì nhân vật hay địa danh được đặt tên thường cố gắng gần gũi, thân thiện với địa phương đó, gắn liền với lịch sử của địa phương đó. Ví dụ Ông Phan Ngọc Hiển (1910-1941), là nhà báo, nhà giáo, nhà văn và chí sĩ yêu nước Việt Nam thời Pháp thuộc. Ông hy sinh sau khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đảo Hòn Khoai, một bộ phận của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ chống chính quyền thực dân Pháp nổ ra năm 1940 tại Cà Mau. Tên ông được đặt cho một huyện ở tỉnh này, đó là huyện Ngọc Hiển, tên ông còn được đặt cho một đường phố chính và hai trường cấp ba của tỉnh Cà Mau - Âu cũng là việc làm ghi nhớ tấm gương Anh hùng của ông Phan Ngọc Hiển.

 

Mới đây thôi, ngày 15-11-2013, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên có văn bản trình lên cấp trên đề nghị đặt tên các tuyến đường, phố trên địa bàn T.P Thái Nguyên và ngày 25-11-2013, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành tờ trình số 76/TTr cũng về nội dung trên gửi HĐND tỉnh. Theo văn bản này, việc đặt tên hay công trình mang tên vị Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp (một vấn đề thời sự, cả nước đang tiến hành làm) chưa thấy được đề cập. Còn các tên để đặt cho đường sá của thành phố được trình bao gồm: Đường Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông), Bắc Sơn, Phan Bội Châu, Trịnh Bá, Nhị Quý, Hồ Đắc Di, Đội Giá, Hoàng Hoa Thám, Lương Định Của, Nguyễn Thái Học, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Trung Trực, Đồng Mỗ, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Tri Phương, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Bính, Văn Cao, Đặng Văn Ngữ, Ngô Thì Sỹ, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Đình Chiểu (xin lưu ý, Đồng Mỗ là dịa danh còn lại là danh nhân, nhạc sĩ, nhà thơ, thầy thuốc của nhiều thời đại).

 

Xin nhấn mạnh, những tên trên hoàn toàn có thể dùng để đặt tên đường mà không có gì sai trái. Chỉ có điều xét về phương diện cụ thể thì chưa thật sự gần gũi, thân quen, có ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Thái Nguyên, cũng như sau này nếu có treo biển giới thiệu lịch sử địa danh hay danh nhân thì cũng chưa thật hoàn hảo.

 

Nét riêng, bản sắc địa phương ở chỗ nào? Những người xây dựng đề án cũng cần để tâm. Bởi lẽ, như mọi người đã biết, đặt rồi việc đổi cũng khó. Hơn nữa, việc đặt tên này nhiều năm, thậm chí cả đời người công tác mới được tham gia một lần, cũng có thể hàng trăm năm, hàng nghìn năm…

 

Trên mảnh đất Thái Nguyên truyền thống đầy đặn, lịch sử oai hùng, có nhiều cái tên thiết nghĩ cũng cần nêu ra để mong được tham khảo. Xa xưa, với việc xác định quê hương Hoàng đế nước Vạn Xuân có quê gốc tại huyện Phổ Yên thì cái tên Lý Bí, Lý Bôn, Lý Nam Đế… Ngoài tể tướng Lưu Nhân Chú, còn có Lưu Trung (bố), Phạm Cuống (anh rể) của ông đều có mặt ở hội thề Lũng Nhai phò tá nhà Lê đánh giặc Minh, họ đều là những tướng tài quê Văn Yên - Đại Từ được lịch sử lưu danh; các tiến sĩ nổi danh một thời Đồng Doãn Giai, Đỗ Cận… cũng cần được lưu tâm cho việc đặt tên đường. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những cái tên như Tỉn Keo, Khuôn Tát, Đèo De, Núi Hồng… cũng hết sức ấn tượng. Ngày 28-5-1948, tại đồi Pụ Đồn (xã Phú Đình, huyện Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng đầu tiên cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, còn sau ông là Trung tướng Nguyễn Bình, Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Thiếu tướng Chu Văn Tấn, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Thiếu tướng Lê Hiến Mai, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa… Những ông như Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu… đều là những người hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng và trưởng thành ở Thái Nguyên. Tên của họ hoàn toàn có thể dùng để đặt tên cho các con đường ở Thái Nguyên, âu cũng là việc làm tri ân lịch sử. Trong đề xuất có nhắc đến vị Bí thư Tỉnh ủy Nhị Quý, cũng có thể ghi danh các vị: Lê Đức Chỉnh là Bí thư Tỉnh ủy trong những năm 60 của thế kỷ trước, hay Đinh Đức Thiện là tướng Quân đội chỉ huy công trường xây dựng Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên ngay từ buổi đầu.

 

Ở một góc nhìn khác, chúng ta thấy Thái Nguyên đã, đang và sẽ là trung tâm vùng Việt Bắc, phía Bắc đất nước. Đã là trung tâm thì yếu tố tất yếu là hội tụ, chính vì thế sự xuất hiện của các địa danh của khu vực cũng sẽ làm cho vị thế của thành phố loại I Thái Nguyên được nâng cao: Những cái tên: Bắc Sơn (đã có trong dự kiến), Điện Biên, Pắc Bó, Chi Lăng, Nà Ngần, Phủ Thông, Lũng Cú, Bằng Giang… cũng hết sức ấn tượng. 

 

Thời chống Mỹ, các tỉnh Nam, Bắc kết nghĩa, chúng ta có đường Nha Trang, trong Nha Trang có đường Thái Nguyên để gợi nhớ, tăng cường tình đoàn kết. Thời nay, địa danh cũng giúp cho việc nhắc nhở về một truyền thống lịch sử, có ý nghĩa giáo dục rất quý. 

 

Vài góp ý nhỏ, mong những người làm nhiệm vụ quan trọng này để tâm, tham khảo.