Đổi mới quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển

16:55, 05/12/2013

Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2013 (VDPF) là diễn đàn đầu tiên và đổi mới của mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với các đối tác phát triển, đánh dấu sự kiện Việt Nam trở thành quốc gia đối tác phát triển.

Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2013 (thay cho Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ - CG) trước đây, khai mạc sáng 5/12 tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và trực tiếp đối thoại với đại diện các đối tác phát triển. Tham dự Diễn đàn có gần 300 đại biểu đến từ 20 bộ, ngành, địa phương trong nước và các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển của Việt Nam.

 

Bước phát triển về chất

 

Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mạnh của Việt Nam, từ một quốc gia nhận tài trợ trong 20 năm qua, đã trở thành quốc gia đối tác phát triển.

 

Với chủ đề “Thiết lập quan hệ đối tác mới: Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”, Diễn đàn là hoạt động đối thoại chính sách cấp cao mới, tập trung thảo luận về chính sách giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội dân sự quốc tế, các viện nghiên cứu trong nước và các tác nhân phát triển khác, nhằm tăng cường phát triển kinh tế-xã hội toàn diện của Việt Nam.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đây là diễn đàn đầu tiên và đổi mới của mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và đối tác phát triển. Nội dung thảo luận gồm những vấn đề phù hợp với định hướng và mục tiêu tổng quát trong 2 năm còn lại của Kế hoạch 5 năm 2011-2015 của nước ta.

 

Bên cạnh việc cập nhật tình hình KT-XH của Việt Nam, các định hướng chủ yếu trong thời gian tới nhằm đảm bảo mục tiêu “Duy trì ổn định, tái cơ cấu kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, các đại biểu tập trung thảo luận về 4 chủ đề: Giảm nghèo và giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số; thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc cung cấp các dịch vụ nước sạch và vệ sinh; tăng cường hiệu quả của các hệ thống quản lý môi trường; nâng cao tính cạnh tranh thông qua phát triển kỹ năng và đào tạo nghề.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.
 

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực và những tiến bộ của Chính phủ Việt Nam trong triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua với những động lực phát triển rất phù hợp, nhất là tạo ra nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao hơn, bao gồm các thể chế thị trường lành mạnh nhằm khôi phục tăng trưởng, đồng thời dịch chuyển nền kinh tế lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.

 

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, bà Victoria Kwakwa cũng đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, đảm bảo phúc lợi xã hội... Bà Victoria Kwakwa khuyến nghị, Việt Nam cần có chính sách và biện pháp mới nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững; gắn tăng trưởng và phát triển với bảo vệ môi trường.

 

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, nhấn mạnh: Với những thành công trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ cũng như với tầm quan trọng đang tăng lên như một đối tác trong phát triển quốc tế, Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015. Việt Nam đã đóng góp cho các cuộc thảo luận mà các kết luận sau đó được đưa vào báo cáo toàn cầu.

 

Bà Pratibha Mehta khẳng định LHQ và các đối tác sẵn sàng phối hợp với Chính phủ Việt Nam trong tiến trình phát triển để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu ưu tiên và hoài bão phát triển của quốc gia.

 

Mong muốn các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ Việt Nam

 

Trên tinh thần cởi mở, thắng thắn và xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe và đối thoại với các đối tác phát triển về các lĩnh vực cụ thể, thiết thực đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam.

 

Thủ tướng trân trọng tiếp thu những ý kiến xây dựng, thiết thực và sác đáng của các đối tác phát triển; khẳng định sẽ đưa các ý kiến này vào các cơ chế, chính sách, giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong năm 2014, Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như đảm bảo cho tăng trưởng đạt khoảng 5,8%; tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, đảm bảo giá trị đồng tiền Việt Nam; giữ đà tăng trưởng xuất khẩu cao.

 

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo hiệu quả, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, trên cơ sở đó, Việt Nam tập trung thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Tập trung tạo việc làm, giảm nghèo bền vững hơn, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng đầu tư kết cấu hạ tầng ở những vùng khó khăn; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, phát huy vai trò của người dân, báo chí và xã hội trong công tác này, nâng trách nhiệm của người đứng đầu cũng như tăng cường công tác giải đáp, giải trình…

Toàn cảnh Diễn đàn VDPF 2013.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH bằng nội lực là chính, đồng thời mong muốn các đối tác phát triển, các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ cả về tư vấn chính sách, cả về hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực để giúp Việt Nam giữ vững được thành quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.