LTS: Như thông tin chúng tôi đã đưa, sáng 28-11, với 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) gồm 11 chương, 120 điều. Cùng với cử tri cả nước, nhiều cử tri Thái Nguyên đã bày tỏ suy nghĩ của mình về Hiến pháp sửa đổi. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến.
Đảng luôn gắn bó bền vững với nhân dân
Ông Ma Đình Vực, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 4, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên): Tôi thường xuyên đọc báo, nghe đài, theo dõi tiến trình góp ý của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo Hiến pháp năm 1992 thời gian qua. Là người làm công tác Mặt trận ở cơ sở, tôi cũng đã góp một số ý kiến vào Dự thảo này. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy có một số người muốn chỉnh sửa Điều 4, về Đảng Cộng sản Việt Nam. Nay Quốc hội đã thông qua, tôi vui mừng vì Điều 4 đã trúng ý người dân chúng tôi về sự lãnh đạo duy nhất và toàn diện của Đảng: Thời gian qua, Đảng đã luôn gắn bó với nhân dân thì nay sự gắn bó này càng bền vững hơn khi mục đích được khẳng định là để phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Là người dân tộc thiểu số, tôi cũng rất vui mừng khi một lần nữa, Hiến pháp khẳng định sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc (Điều 5). Trên thực tế, những người dân tộc thiểu số chúng tôi luôn luôn thấy mình được tạo điều kiện, ưu tiên nhiều mặt cho bản thân cũng như con cái. Chúng tôi luôn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình như Hiến pháp khẳng định.
Ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân
Ông Nguyễn Xuân Lộc, xóm Cô Dạ, xã Bảo Lý (Phú Bình): Tôi hoàn toàn nhất trí và tin tưởng vào bản Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Chúng tôi mong muốn Hiến pháp sẽ sớm được ban hành và đi vào cuộc sống. Điều tôi thấy tâm đắc nhất là Hiến pháp ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân. Tôi xin dẫn chứng ở Điều 41 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 61 trong Hiến pháp năm 1992). Điều 41 chỉ có 54 từ, so với 2 điều cũ giảm được 179 từ mà vẫn đủ ý: "Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng". Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bên cạnh những vấn đề khác như quyền được sống, học tập, lao động, hưởng thụ văn hóa...
Nhiều điều mới thiết thực với cuộc sống
Bà Nguyễn Thị Tiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Sơn (T.X Sông Công): Tôi rất phấn khởi khi biết tin Quốc hội đã thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tôi thấy Hiến pháp có nhiều điều mới liên quan thiết thực đến cuộc sống của con người, như Điều 44 nêu rõ: "Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa". Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, thúc đẩy nhân dân tích cực tham gia xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Điều 44 quy định trong Hiến pháp thật sự có ý nghĩa, nó thể hiện Đảng và Nhà nước đã và đang tiếp tục quan tâm, đầu tư để mọi người dân được tiếp cận các giá trị văn hóa một cách toàn diện.
Hay vấn đề bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 46: "Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường." Thực tế hiện nay, vấn đề ô nhiêm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân đã trở thành vấn đề bức xúc trong dư luận, tôi mong muốn, các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội cần có nhiều biện pháp hơn nữa để nhân dân hiểu và tự giác thực hiện, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.
Quyền của người dân về đất đai được Nhà nước tôn trọng
Em Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên Lớp Cử nhân Công tác xã hội K8, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên): Là một sinh viên, tôi đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Nội dung này, ở Hiến pháp năm 1992 được quy định hai chương, nay Hiến pháp (sửa đổi) đã gộp lại thành một chương ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp và đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Quản lý đất đai, thu hồi đất là một trong những vấn đề “nóng” của cả nước hiện nay được quy định rõ ràng hơn trong Hiến pháp (sửa đổi tại Điều 54) đã giúp việc thu hồi đất sẽ rõ ràng, cụ thể hơn, hạn chế được việc thu hồi đất tràn lan, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Điều này sẽ giảm được những tranh chấp, khiếu kiện ở các địa phương như thời gian qua. Với quy định này, các quyền của người dân về đất đai được Nhà nước tôn trọng trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch; người dân sẽ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên mảnh đất của mình. Một vấn đề được người dân quan tâm trong tình hình hiện nay là bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Hiến pháp thể hiện cụ thể tại Điều 63. Qua đây đã khẳng định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường là của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cũng quy định cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường cũng như nguyên tắc xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học…
Quân đội luôn ở thế chủ động và là lực lượng nòng cốt
Thiếu úy Nguyễn Văn Ngọc, Chính trị viên phó Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 601 (Quân khu 1): Xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” là một chủ trương lớn của Đảng; đồng thời là giải pháp quan trọng trong chiến lược xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo đảm cho Quân đội luôn ở thế chủ động và giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong thế trận chiến tranh nhân dân. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp năm 1992, nay được khẳng định lại và trình bày lôgic, chặt chẽ hơn tại Điều 66 trong Hiến pháp sửa đổi. Theo tôi, như vậy là hoàn toàn phù hợp. Xuất phát từ thực tiễn gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội Nhân dân ViệtNam, cũng như trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, phi chính trị hóa quân đội thì việc xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Trong đó, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng là nền tảng, xây dựng chính quy là động lực, nâng cao trình độ tinh nhuệ về tác chiến là then chốt và từng bước hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật là trọng tâm. Nội dung này vừa mang tính chỉnh thể thống nhất, hoàn chỉnh, có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc; vừa là phương châm, phương hướng và thể hiện những đặc trưng cơ bản nhất để xây dựng Quân đội ta thực sự là lực lượng chính trị trung thành, công cụ chiến đấu sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phụ nữ có cơ hội phát huy năng lực và quyền làm chủ của mình
Cô Nguyễn Thúy Hoan, giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên): Là phụ nữ, tôi quan tâm hơn đến những điều liên quan đến giới của mình. Chúng ta vừa có nhiều hoạt động cho bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, chống bạo hành gia đình. Điều 26 của Hiến pháp đã đề cập đến vấn đề này: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Tôi thấy như vậy là đầy đủ, súc tích, cô đọng. Thời gian qua, vẫn còn nhiều chị em chịu thiệt thòi do ảnh hưởng của giới. Xã hội vẫn còn quan niệm "trọng nam khinh nữ", bó buộc người phụ nữ phải có trách nhiệm nhiều với gia đình, từ đó cản trở họ trong quan hệ xã hội và thăng tiến. Cũng từ quan niệm xã hội, không ít phụ nữ chỉ “quanh quẩn góc nhà”, làm người “nâng khăn sửa túi” cho chồng. Họ tự đánh mất cơ hội cá nhân và xã hội cũng thiệt thòi lây. Bởi vậy, tôi hy vọng, khi Hiến pháp đã khẳng định “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” sẽ là chỗ dựa pháp lý quan trọng cho phụ nữ phát triển, có nhiều cống hiến cho xã hội.
Tôi cũng quan tâm đến điều 30 của Hiến pháp “về quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Qua đọc báo, nghe đài, tôi thấy còn có người bị cơ quan pháp luật xét xử oan sai, nhưng tìm ra, quy trách nhiệm cho người làm ra oan sai đó lại khá khó khăn. Việc bồi thường về vật chất, tinh thần, phục hồi danh dự cho người oan sai còn chậm chạp, vướng mắc. Từ khẳng định của Hiến pháp, tôi tin rằng thời gian tới, những vụ việc đáng buồn xảy ra trong thời gian qua sẽ ít đi, thậm chí không còn xảy ra nữa.
Mở rộng quyền dân chủ của nhân dân
Ông Đoàn Đình Thế, xóm Làng Bò, xã Phấn Mễ (Phú Lương):Tôi theo dõi gần như toàn bộ kỳ họp thứ 6 của Quốc hội qua truyền hình và rất vui mừng khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được thông qua.
Trước tiên cần khẳng định, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được chuẩn bị trong một thời gian dài, đầu tư nhiều công sức và lấy ý kiến đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân và các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Chính vì vậy, trong quá trình thảo luận và biểu quyết, gần như tuyệt đối ý kiến của các đại biểu tán thành, tôi và nhiều người dân khác cũng rất đồng thuận.
Tôi nhận thấy, điểm mới căn bản trong Hiến pháp sửa đổi là việc mở rộng quyền dân chủ của nhân dân, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước với nhân dân cũng được thể hiện rõ hơn. Ví dụ về vấn đề đất đai, nội dung Hiến pháp sửa đổi quy định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của Quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước”. Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 cũng cụ thể hóa Hiến pháp nhằm đảm bảo hơn quyền lợi của nhân dân, như: Chỉ thu hồi đất vìmục đích quốc phòng - an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội, vìmụcđích Quốc gia công cộng; quy định rõ thẩm quyền cho phép thu hồi…
Các văn bản cần được cụ thể hóa để mọi người thực hiện
Ông Hoàng Văn Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phượng Tiến (Định Hóa): Trong nội dung Hiến pháp sửa đổi, tôi rất vui mừng khi Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến vấn đề con người và dân tộc. Các quyền con người, quyền cơ bản của công dân như quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã được thể hiện hết sức đầy đủ. Hiến pháp đã cụ thể hóa tất cả các quyền của công dân theo các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia và trên cơ sở đó quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn các quyền của con người, có những quy định cụ thể để tránh chuyện lạm quyền của các cơ quan thi hành pháp luật. Định Hóa và nhiều huyện vùng cao khác của cả nước có đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, việc các dân tộc được bình đẳng, được tự do dùng ngôn ngữ và chữ viết, được Chính phủ ngày càng quan tâm là một niềm vui lớn với bà con các dân tộc thiểu số.
Để cho bản Hiến pháp sửa đổi đi vào cuộc sống, tôi đề nghị cần sớm có những chủ trương bằng các văn bản cụ thể hóa từng lĩnh vực để mọi người thực hiện, đồng thời tăng cường thời lượng trên các phương tiện truyền thông nhằm giới thiệu những điểm mới của Hiến pháp để người dân nắm vững và thực hiện nghiêm túc.