Trong cuốn sách “Bác Hồ với Thái Nguyên, Thái Nguyên với Bác Hồ” của Nhà Xuất bản Lý luận Chính trị năm 2007 có nhắc đến một cá nhân ở huyện Định Hóa được tặng Huy hiệu Bác Hồ. Xin được trích nguyên văn: “Ngày 29-4-1963, Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người cho 6 cá nhân nêu gương đạo đức, có nhiều thành tích trong sản xuất. Trong đó có chị La Thị Nghiêm, dân tộc Tày ở xã Phúc Chu, huyện Định Hóa. Mặc dù hoàn cảnh neo đơn, có 9 em nhỏ, chồng đi công tác, chị vẫn vừa làm tốt việc nhà, vừa làm tốt việc xã”.
Chúng tôi đã xác minh và thật may mắn khi biết bà La Thị Nghiêm hiện vẫn còn khỏe mạnh. Căn nhà nhỏ nằm cạnh trục đường liên xã thuộc xóm Động Dọ, xã Phúc Chu (Định Hóa) là nơi ở của bà Nghiêm cùng gia đình người con cả. Năm nay bà đã ngoài 70 tuổi nhưng bà Nghiêm còn minh mẫn và rất hoạt bát, hàm răng móm mém đen vì ăn trầu luôn nở nụ cười phúc hậu. Nhắc đến kỷ niệm được tặng Huy hiệu Bác Hồ, bà rất xúc động: “Đó chính là niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời của tôi”.
Bà La Thị Nghiêm sinh năm 1942, là chị cả trong gia đình có tới 10 người con. Mẹ sức khỏe yếu, bố làm nghề bốc thuốc Nam, cũng là một thầy cúng, thường xuyên xa nhà nên hầu hết công việc nhà do một tay bà lo liệu. Là người năng động, bà Nghiêm sớm tham gia các phong trào ở địa phương. 16 tuổi bà là thành viên tích cực và được bầu là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ Đội 1, đồng thời tham gia hoạt động ở Đoàn Thanh niên xã. 18 tuổi, bà đảm nhiệm thêm công việc ở Hợp tác xã Nông nghiệp, là Trung đội phó Trung đội nữ dân quân của xã.
Kể về quãng thời gian hoạt động phong trào, bà Nghiêm hào hứng: “Khi ấy, dù chẳng có bất kỳ một khoản phụ cấp nào nhưng ai nấy đều rất hăng hái với công việc tập thể. Bản thân tôi, ban ngày đi làm việc cùng chị em, tối lại về xay thóc, giã gạo, giúp mẹ chăm sóc các em. Là người trẻ tuổi nhất đơn vị, nhưng lại giữ vai trò lãnh đạo nên tôi cố gắng gương mẫu đi sớm, về muộn hơn mọi người, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công”.
Năm 1963, bà La Thị Nghiêm là đại diện duy nhất của huyện Định Hóa được chọn đi dự Hội nghị đại biểu Khu ủy Quân khu Việt Bắc tổ chức tại thành phố Thái Nguyên. Bà kể: Để lựa chọn, Chi bộ Đảng của xã đã tổ chức họp tại nhà đồng chí Bí thư Hà Văn Tước. Có 2 người được đề cử là tôi và chị Ma Thị Tính, Trung đội trưởng Trung đội dân quân. Cuối cùng tôi được nhiều người biểu quyết hơn. Hôm đi dự, Huyện đội Định Hóa cho xe ô tô đưa tôi về tận thành phố. Tôi còn nhớ, Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, được tổ chức tại một hội trường rộng lợp bằng lá cọ, có khoảng hơn 200 đại biểu. Đồng chí Chu Văn Tấn khi ấy là Bí thư Khu ủy Quân khu Việt Bắc đến dự và chỉ đạo, đại biểu có cả Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu. Tuy là hội nghị toàn Quân khu nhưng bữa cơm chính mọi người vẫn phải ăn cơm độn sắn, thêm món thịt lợn sào lẫn bắp cải và vài món rau, bữa sáng mỗi người được phát một cái bánh mỳ. Tôi có dịp cùng ăn cơm và nói chuyện thân tình với anh La Văn Cầu bởi cùng họ và 2 anh em đều kiêng không ăn thịt lợn”.
Vì nhiều lý do nên việc trao Huy hiệu Bác Hồ không thực hiện ở Hội nghị và chuyển về cho các địa phương có người được nhận. Ông Phùng Đình Tịnh, nguyên là Xã đội trưởng xã Phúc Chu là người trao lại Huy hiệu cho bà Nghiêm. Trong giấy chứng nhận có ghi rõ, bà La Thị Nghiêm có thành tích 4 tốt là: “Phụ nữ tiên tiến, thanh niên tiên tiến, xã viên tiên tiến, dân quân tiên tiến”. Bà bảo: “Tôi biết đó là một phần thưởng rất cao quý mà Bác Hồ dành tặng cho bản thân. Tự hào và cảm động lắm vì Bác dù trăm công nghìn việc nhưng vẫn luôn quan tâm, động viên việc làm dù rất nhỏ ở cơ sở”.
Vừa lo việc gia đình, vừa lo việc tập thể, bà Nghiêm còn tham gia lớp bổ túc văn hóa do huyện tổ chức. Ban ngày đi làm, buổi tối bà lại lại đi bộ gần 2km để đến lớp học tại xóm Nà Lom. Cuối năm 1963, bà Nghiêm, cùng ông Nông Văn An là 2 người duy nhất của lớp được nhận bằng tốt nghiệp loại khá. Cũng trong năm ấy, bà vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi tròn 20 tuổi. Từ đó, bà liên tục tham gia công tác ở Hội Phụ nữ, Ban Quản trị Hợp tác xã và là đại biểu Hội đồng nhân dân xã Phúc Chu đến lúc nghỉ hưu năm 1987. Trong suốt quá trình công tác, bà luôn được cấp trên đánh giá là người nhiệt tình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.
Bà La Thị Nghiêm tâm sự: “Trong suốt cuộc đời mình, điều tôi vinh dự và tự hào nhất chính là được Bác Hồ tặng Huy hiệu. Phần thưởng đó cũng là sự nhắc nhở, là động lực để tôi luôn cố gắng để xứng đáng với với sự quan tâm, động viên của Bác”. Ở tuổi ngoài 70, bà Nghiêm được bà con trong xóm kính trọng bầu là người có uy tín trong cộng đồng. Niềm vui hơn nữa là cả 5 người con của bà đều trưởng thành, cống hiến tại các cơ quan Nhà nước trong và ngoài tỉnh.