Năm xưa Bác đến nơi này

15:03, 19/12/2013

“Tối hôm trước, tôi được bố thông báo: Ngày mai xã mình được Bác Hồ đến thăm và kiểm tra cái máy bơm nước mới lắp đặt, con muốn nhìn thấy Bác thì ra. Tôi mừng quýnh, vội vàng cầm đuốc chạy quanh xóm báo tin cho mấy người bạn thân để sáng hôm sau dậy sớm ra kè Lũ Yên để được chiêm ngưỡng Bác Hồ tận mắt, bằng xương, bằng thịt”.

Ông Ngô Khắc Huân (sinh năm 1941), trú tại xóm Tân Sơn, xã Đào Xá, huyện Phú Bình mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế khi nhớ lại lần được gặp Bác khi Người về Đào Xá năm 1958. Ông nói: Hồi đó, tôi 17 tuổi, thông tin Bác về thăm xã và kiểm tra hoạt động của chiếc máy bơm nước tự động mới được lắp đặt tại kè Lũ Yên không phải ai cũng được biết. Chỉ có lãnh đạo chủ chốt của xã mới được báo trước một ngày. Tôi may mắn bởi được bố - ông Ngô Doãn Thoại khi đó là Bí thư Chi bộ Đảng xã Yên Thịnh (nay là xã Đào Xá) mách trước.

 

Mong được một lần nhìn thấy vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà cả thế giới kính phục, khiến tôi không sao ngủ được cả đêm ấy. Sáng 3-2-1958, mưa xuân lất phất, bà con đến đoạn kè khá đông, đứng chật hai bên đường. Một đoàn xe con chạy từ hướng thị xã Thái Nguyên tới, Đoàn xe dừng lại cách kè Lũ Yên chừng 100m, Bác bước xuống từ một chiếc ô tô “xoàng” nhất đoàn. Trong bộ quần áo ka-ki đã cũ, đầu để trần và đi đôi dép cao su quen thuộc, Bác bước về phía kè, đi được vài bước thì người phục vụ đi theo bật ô che cho Bác, Bác nhẹ nhàng gạt ra và nói câu gì đó với người phục vụ. Tôi thấy người phục vụ quay lại xe và mang đến cho Bác một chiếc mũ cối trắng rộng vành ngả màu bạc. Lúc ấy, tôi thấy Bác thật giống trong ảnh gần gũi, giản dị vô cùng.

 

Còn ông Dương Xuân Vạn (sinh năm 1933) cùng ở xóm Tân Sơn, khi ấy là Phó Bí thư Chi đoàn xã Yên Thịnh cũng là người có mặt trong sự kiện trọng đại này kể lại: Tôi và những người khác chỉ được thông báo ngày mai có phái đoàn của Chính phủ về, chứ không biết là có Bác Hồ. Khi đoàn xe ô tô dừng lại, nhiều người đã nhận ra Bác. Thông tin đó được lan truyền nhanh chóng trong nhân dân (nhiều người lúc đó mới vội vạng chạy ra để được nhìn thấy Bác). Mọi người cùng hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!…

 

Bác đi đến nơi đặt chiếc máy bơm nước tự động (chạy bằng sức nước do Trung Quốc giúp ta mà Bộ Thủy lợi và Kiến trúc đang cho chạy thử), vẫy mọi người đến gần, ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống và tình hình sản xuất của bà con, hoạt động của đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ…

 

Rồi Bác chỉ về phía chiếc máy bơm hỏi: - Chính phủ cho lắp cọn nước này tưới tiêu cho đồng ruộng, bà con có phấn khởi không?

 

Tất cả đồng thanh đáp lại: - Thưa Bác, phấn khởi lắm ạ!

 

Bác quay sang một người cao tuổi nhất, cụ Dương Đại Sách: - Thế bà con đã xây dựng được hợp tác xã chưa? Ở xã mình có bao nhiêu tổ đổi công rồi?

 

Cụ Sách trả lời: -  Thưa Bác, cái này đồng chí Bí thư Đảng ủy xã là nắm rõ hơn cả ạ!

 

- Bác không hỏi lãnh đạo mà muốn hỏi trực tiếp bà con.
 

- Thưa Bác, ở đây chưa thành lập được hợp tác xã mà chỉ có tổ đổi công thôi ạ! Cụ Sách trả lời.

 

- Có tổ đổi công là tốt rồi nhưng phải biết đoàn kết sau này vận động nhau vào hợp tác xã, thi đua lao động sản xuất, như thế mới phát triển được.

 

Những câu nói, lời dặn của Bác luôn được ông Huân, ông Vạn khắc ghi trong lòng, nay kể lại như chuyện mới vừa hôm qua. Sau này, ông Vạn công tác trong Hợp tác xã mua bán huyện Phú Bình rồi chuyển sang Công ty Công nghệ phẩm Thái Nguyên, đến năm 1991 thì về nghỉ hưu. Hơn 30 năm công tác (trong thời bao cấp, độc quyền thì những người buôn bán tại hợp tác xã, thương nghiệp là người có vị thế), ông học được ở Bác sự nhẹ nhàng, quan tâm đến người khác và không cho phép mình quan liêu, hách dịch với người dân.

 

Còn đối với ông Ngô Khắc Huân, ngay sau năm được gặp Bác, đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội, phục vụ trong Lữ đoàn 374, thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh đóng quân ở Thác Bà, Yên Bái. Sau vì có nhiều thành tích xuất sắc, ông được cử đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh (Sơn Tây) rồi được giữ lại Trường làm giảng viên đến lúc về hưu (năm 1990). Trở về địa phương, ông được mọi người tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Đào Xá liên tục trong 3 khóa đến năm 2000.

 

Trong câu chuyện với chúng tôi ông Huân cho biết thêm: Khi tôi về làm lãnh đạo xã, chiếc máy bơm nước đã bị hỏng từ năm 1986 nhưng tôi luôn mong muốn khôi phục lại hoạt động của nó để người dân biết được ý nghĩa và sự kiện xã từng được Bác về thăm năm nào. Thế là tôi đề xuất với cấp trên xin kinh phí được 4,5 triệu đồng, thuê thợ sửa chữa. 2 tháng sau, chiếc máy được hồi sinh trong sự phấn khởi của người dân Đào Xá. Đó là điều tâm đắc nhất mà tôi làm được. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chiếc máy bơm chỉ hoạt động được 5 năm sau thì ngừng hẳn (sau này, nó được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên), thay vào đó là chiếc máy bơm hiện đại, công suất lớn hơn.

 

Khu vực kè Lũ Yên, nơi Bác dừng chân, nói chuyện với nhân dân Đào Xá nay đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Gò đất khi xưa Bác đứng nói chuyện với bà con nay đã được Hội người Cao tuổi làm thành vườn cây ăn quả “Nhớ Bác”. Khu Nhà lưu niệm Bác cũng đã được xây dựng với tấm văn bia để ghi nhớ lại sự kiện lịch sử trong đại của xã cho muôn đời sau.