Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2012

15:18, 31/12/2013

Nghị quyết đưa ra một số vấn đề liên quan đến xử lý nợ xấu, hỗ trợ cho các huyện nghèo, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Ngày 26/12/2012, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12/2012, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau:

 

1. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.

 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có tác động lan tỏa đến các khu vực của nền kinh tế, bổ sung và khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài vẫn chưa đạt được  yêu cầu đề ra, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước, công tác quản lý nhà nước còn bất cập, hệ thống thể chế, chính sách chưa đồng bộ. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là cần khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém trong cả thu hút và quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài; cải thiện môi trường đầu tư để có tính cạnh tranh cao hơn, nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

 

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Đề án theo hướng làm rõ các cơ chế, chính sách gắn với những tiêu chí cụ thể để thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đặc biệt là các dự án xử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng ít năng lượng, có giá trị gia tăng và giá trị kinh tế - xã hội cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan  liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020; trong đó quy định rõ những cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, phân công các Bộ, cơ quan liên quan chủ trì nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đó nhằm tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng, bảo đảm môi trường đầu tư của nước ta không kém hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

 

2. Chính phủ cho ý kiến về Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình.

 

Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu  ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện hai Đề án trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Bộ Chính trị. Đối với Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, cần làm rõ phạm vi xử lý nợ xấu, nêu rõ và phân tích các phương án xử lý có tính khả thi, phù hợp tình hình trực tế trong nước và có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới; xác định rõ những nguyên tắc, chủ trương cần xin ý kiến; cơ chế, chính sách cần triển khai thực hiện và thẩm quyền quyết định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xây dựng Nghị định về Công ty quản lý tải sản, trình Chính phủ xem xét ban hành.

 

3. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về việc hỗ trợ có mục tiêu từ Ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình.

 

Chính phủ thông qua chủ trương thực hiện cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao với định mức mỗi huyện bằng 70% mức bình quân của các huyện theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.

 

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc cân đối, bố trí vốn hàng năm hỗ trợ cho địa phương thực hiện theo kế hoạch. Riêng năm 2013, bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện đối với một số dự án quan trọng, đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

 

Giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

 

4. Về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2012.

 

Chính phủ thống nhất nhật định: Công tác chỉ đạo, điều hành năm 2012 của Chính phủ triển khai trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước rất khó khăn; lạm phát cao năm 2011 tác động mạnh, sản xuất kinh doanh đầu năm 2012 đình trệ; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong khi đó, nhiệm vụ năm 2012 đặt ra nặng nề đòi hỏi phải giải quyết cả những vấn đề trước mắt và các nhiệm vụ chung, dài hạn. Những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại là sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước các cấp. Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ luôn tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, thực hiện đúng phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Quốc hội; thực hiện tốt Quy chế làm việc và chương trình, kế hoạch công tác; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

 

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành còn những hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, nhất là trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế và chương trình công tác; công tác dự báo phục vụ chỉ đạo, điều hành; việc xây dựng, quản lý và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; về kỷ cương, kỷ luật hành chính gắn với thanh tra, kiểm tra; về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; về công tác cán bộ, công chức; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ...

 

Giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các ý kiến tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 25, 26 tháng 12 năm 2012, hoàn chỉnh Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2012 và Chương trình công tác năm 2013 của Chính phủ để các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện.

 

Các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm điểm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, cơ quan, địa phương mình gắn với đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ năm 2012; khẩn trương tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém; triển khai nhiệm vụ năm 2013 theo yêu cầu đề ra.

 

5. Giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh và ban hành báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2012; công tác cải cách hành chính năm 2012; tình hình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong năm 2012. Đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; công tác cải cách hành chính; việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong năm 2013.

 

6. Một số nhiệm vụ trọng tâm khác

 

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các ý kiến tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

 

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ  khẩn trương chỉ đạo xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch của ngành, đơn vị, địa phương mình và tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt để tổ chức thực hiện các Nghị quyết này ngay từ những ngày đầu của năm 2013 với tinh thần và quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.

 

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, các Bộ, cơ quan liên quan chủ động giải quyết hoặc đề xuất giải quyết các kiến nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tại hội nghị Chính phủ với các địa phương. Văn phòng Chính phủ đôn đốc và tổng hợp việc giải quyết các kiến nghị trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai nghiêm Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, đặc biệt là việc bảo đảm cung - cầu hàng hóa, không để thiếu hàng sốt giá; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra tại các cửa khẩu ngăn chặn tình trạng buôn lậu; bảo đảm điều kiện đi lại thuận tiện, an toàn cho nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông; ngăn chặn sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo nổ; quan tâm chăm lo vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là người có công và đối tượng chính sách; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.