Sau gần 3 tuần, vượt qua hải trình 500 hải lý, tàu HQ571 đến được điểm đảo chìm Thuyền Chài B- đảo xa nhất trong tuyến phía Nam của quần đảo Trường Sa. Lần đầu tiên (cũng có thể là duy nhất) chúng tôi được nghỉ lại buổi tối trên đảo.
Đảo chìm Thuyền Chài gồm 3 điểm A, B và C, nhìn trên bản đồ, bãi đá san hô của đảo trông giống như một chiếc thuyền, đó là một trong những lý do đảo này có tên là đảo Thuyền Chài. Chúng tôi đến điểm đảo khi chiều muộn, cán bộ chiến sĩ trên đảo lội xuống tận biển để giúp kéo xuồng máy. Trung úy Trần Minh Văn, Chỉ huy trưởng điểm đảo Thuyền Chài B cười tươi: “Biết tin, anh em đã chuẩn bị chờ Đoàn công tác từ hôm qua rồi”. Chiến sĩ trên đảo thiết đãi Đoàn những “đặc sản” chỉ ở Trường Sa mới có: Những con cá bò sừng to bằng 2 bàn tay đã bắt sẵn nhốt trong túi lưới được đưa lên làm thịt; ốc nhảy đã được luộc sẵn bày trên đĩa lớn.
Chương trình sinh hoạt văn hóa và giao lưu văn nghệ diễn ra ngay sau bữa tối. Hội trường điểm đảo trở nên rực rỡ với đèn nhấp nháy đủ màu, trên khánh tiết nổi bật dòng chữ “Chúc mừng năm mới - Xuân Giáp Ngọ 2014”. Đặc biệt, giữa phòng có một cây quất rất đẹp, lá xanh dày, có hoa trắng, quả xanh và quả chín. Thiếu úy Nguyễn Văn Chiều, bộ phận cơ yếu tự hào: “Để có được cây quất đẹp thế này là công sức vất vả của tất cả anh em ở đây. Nhớ Tết năm ngoái, khi tàu mang ra đây, cây quất đã héo hết, chỉ còn lại đúng 1 quả, xấu quá nên chúng tôi không dám mang đặt tại hội trường. Chúng tôi đã chuyển cây ra chậu lớn, cắt bỏ hết những cành khô rồi kỳ công chăm bón bằng bã chè khô và phân vi sinh. Tùy từng mùa, anh em lại chuyển vị trí của cây để tránh gió mạnh”. Vốn quê gốc ở Nam Định, gia đình có nghề trồng cây cảnh, nên anh Chiều được đơn vị giao nhiệm vụ tạo dáng và ép cho cây ra quả đúng vào dịp Tết.
Thượng úy Trần Thanh Sơn, Chính trị viên điểm đảo Thuyền Chài B dẫn chương trình rất có duyên, khéo léo để từng người lên chia sẻ về bản thân, gia đình và những kỷ niệm trên đảo. Thiếu úy Hà Văn Dũng, Bí thư Chi đoàn cưới vợ được đúng 2 ngày thì ra đảo làm nhiệm vụ. Tròn 2 năm chưa một lần về thăm vợ và gia đình. Trung úy Trần Minh Văn gia đình ở Hải Dương, vợ là giáo viên, mới sinh con gái được 6 tháng nhưng anh vẫn chưa có cơ hội được nhìn mặt con. Chiễn sĩ trẻ Đỗ Văn Phong mới ra đảo làm nhiệm vụ được 1 năm, Phong tâm sự: Ra đảo thiếu thốn nhiều thứ, nhưng vất vả nhất có lẽ là thiếu nước ngọt. Đầu năm 2013, cả tháng trời không có mưa, anh em trên đảo phải tiết kiệm từng giọt nước. 5 đến 7 ngày mới được tắm một lần, mỗi người chỉ được 10 lít nước. Thế nên, khi trời đổ mưa, anh em trên đảo liền ào ra tắm, rồi dùng tất cả vật dụng để hứng nước mưa. Khó khăn nhưng em đã trưởng thành hơn rất nhiều”.
Không khí buổi sinh hoạt trở nên sôi động bởi những trò chơi và bài hát. Hai đội Bảo vệ an ninh và Đội Dân vận tham gia trò chơi phân loại đỗ khiến mọi người được một phen cười nghiêng ngả. Đêm giao lưu, những bài hát về biển đảo, về quê hương được các chiến sĩ thể hiện nhiều nhất. Khi Thiếu úy Nguyễn Văn Chiều hát bài Mẹ: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội, quà về cho mẹ là mái tóc pha sương. Và những vết thương, trên ngực cha, mỗi khi trở gió lại đau nhức nhối…”, nhiều chiến sĩ trẻ trong hội trường rơm rớm nước mắt.
Ông Nguyễn Hữu Quý, công tác tại Hội Tuyên truyền, bảo vệ và phát triển biển đảo tỉnh Bình Thuận, thành viên cao tuổi nhất trong Đoàn công tác nhắn nhủ: “Tôi năm nay đã 67 tuổi, cũng là một người lính với hơn 40 năm quân ngũ, chiến đấu ở nhiều mặt trận khác nhau. Tôi rất tự hào và cảm phục những chiến sĩ trẻ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Mong các anh tiếp tục phát huy truyền thống để chắc tay súng, đất liền sẽ là hậu phương vững chắc, luôn hướng về Trường Sa thân yêu.
Đêm trên đảo Thuyền Chài B, mọi người đều thức trắng. Lẫn trong tiếng sóng biển rì rào là tiếng đàn, tiếng hát về biển đảo quê hương.