“Trong trái tim người dân”

15:09, 31/01/2014

Một ngày đầu năm mới, chúng tôi lên đèo De (Phú Đình, Định Hoá), vào Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để thắp nén trầm thơm dâng kính, tưởng nhớ công ơn Người. Trong khói hương chợt lòng tĩnh lặng, hình ảnh Bác như còn đâu đây, nơi chân đèo De, thác Khuôn Tát, Đồi Khau Tý (Điềm Mặc)... Bác từng ở lãnh đạo kháng chiến.

Nơi Bác ở năm xưa, nay đã thành những di tích lịch sử cách mạng được cháu con đời đời gìn giữ. Để mỗi lần về thăm, hình ảnh giản dị của cụ ké cách mạng lại hiển hiện trong nghĩ suy của mỗi người, với “Áo nâu túi vải trên đường suối reo”. Năm xưa, trên con đường rừng qua đỉnh đèo De, từ Phú Đình, Người đã sang Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) và ngược lại để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, làm nên một Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Và nơi đỉnh đèo De hôm nay, hằng ngày con cháu trên mọi miền Tổ quốc theo về, thắp hương và gióng lên tiếng chuông báo công với Người. Tiếng chuông ngân rung, vọng vào sông, núi hóa hồn thiêng dân tộc. Không riêng người Việt Nam, mà “cả trái tim nhân loại”, Bác Hồ được ví như “vì sao trong sáng, sáng nhất trong muôn vì sao”. Dù ở cương vị lãnh tụ của một đất nước, nhưng Bác Hồ luôn gần gũi với nhân dân, đặc biệt là với người dân nghèo.

 

 

Từ đỉnh đèo De, hằng ngày tiếng chuông ngân rung, vọng về quá khứ, khiến lòng người nao nao nhớ câu hát từ thuở cắp sách tới trường: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng/Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh…”. Trên thế giới, có vị lãnh tụ nào trở nên thân thiện, gần gũi với cụ già, em nhỏ và mọi người dân như Bác. Tôi cũng như “bao thế hệ bé em” Việt Nam sinh ra trên đời, thấy “Nhà em treo ảnh Bác Hồ/Bên trên là một lá cờ đỏ tươi”. Và lần đầu tiên cắp sách đến trường, đều được thầy, cô giáo dạy bài hát: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Lời bài hát ấy có thể bật lên ở bất cứ đâu đó, nơi hầm mỏ nằm sâu trong lòng đất, nơi ruộng đồng hay trong những phố hội… Lời bài hát cất lên, dung dị, ai cũng có thể hát để quên đi mệt nhọc, tự động viên mình phấn đấu sống sao cho có ý nghĩa.

 

Tôi đã nhiều lần đọc cuốn sách: “Thư ký Bác Hồ kể chuyện”, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản 2008, có đoạn kể: Vào mùa Xuân độc lập đầu tiên của đất nước, đêm 30 Tết, Bác chứng kiến cảnh gia đình 1 người đạp xích lô “Tết mà không có Tết". Trong nhà, ngoài nén hương cháy dở trên bàn thờ, còn chủ nhà nằm đắp chiếu mê mệt vì ốm. Bác xúc động lấy khăn lau nước mắt… 15 năm sau ngày đất nước độc lập (năm 1960), tối 30 Tết, Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín ở phố Hàng Chĩnh (Hà Nội). Gần giao thừa rồi chị Tín vẫn đi gánh nước thuê đổi gạo để sớm mùng 1 Tết có gạo cho 4 đứa con ăn. Bác từng tâm sự với các đồng chí phục vụ: “Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên”… Bác Hồ của nhân dân Việt Nam là như thế.

 

Sau kháng chiến chống Pháp, Bác nhiều lần trở lại Thái Nguyên. Bác đến thăm các em học sinh Trường Vùng cao Việt Bắc; thăm cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên; thăm bà con nông dân xã Hùng Sơn (Đại Từ)… Là thế hệ con cháu Bác Hồ, nên khi được đọc lại những dòng sử xanh, xem những tấm hình của Bác, mới thấy giữa nhân loại chắc chắn chẳng có vị lãnh tụ của quốc gia nào trên thế giới lại giản dị từ cách ăn, mặc, trò chuyện và được mọi người dân tôn kính gọi bằng Cha, bằng Bác và bằng Cụ. Nhưng ở ngôi nhân xưng nào, thì lời gọi luôn xuất phát từ sâu thẳm trái tim mỗi người.

 

Giản dị mà sâu sắc, những câu chuyện về Bác từ tấm bé nhiều người đã thuộc nằm lòng. Tôi cũng thế, nên những lần về Phú Đình, lên Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đỉnh đèo De, kính cẩn dâng nén tâm hương, nghe tiếng chuông ngân rung như gợi lòng nhớ câu chuyện về Bác tôi học thủa học trò: Trong cuốn sách “Bác Hồ của chúng em” Nhà Xuất bản Giáo dục 1994. Nội dung câu chuyện: Vào những năm còn hoạt động bí mật, khi ở một làng đồng bào người Nùng (Cao Bằng), bà con dân bản thương Bác thường phải làm việc khuya nên đã ăn phần cơm ngô, còn cơm trắng dành cho Bác, nhưng Bác nhất định ăn cơm ngô với muối như mọi người. Rồi Bác tự tay xới bát cơm trắng mang về phía 1 cụ già, mời cụ ăn. Bác nói “Tôi còn khỏe, ăn cơm độn ngô được, cụ già cần ăn cơm trắng cho dễ nuốt”.

 

Cái tên Hồ Chí Minh đã đi vào trái tim mọi người dân bằng tấm lòng bác ái, bằng tình yêu thương nhân loại được xuất phát từ chính trái tim của Người - một tình yêu bao la như biển lớn, trời cao, không gì sánh nổi… Bởi lẽ ấy, bao thế hệ con dân đất Việt khi về Nhà tưởng niệm Người nơi đình đèo De, thắp một nén trầm, ngân một tiếng chuông, đều tự nhủ lòng phấn đấu, cống hiến cho Đảng, cho dân và cho chính mình.