Không phải là xã điểm về xây dựng nông thôn mới ( XDNTM) nhưng 2 năm trở lại đây, Xuân Phương (Phú Bình) đã có những bước chuyển mình khá mạnh mẽ trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia này.
Một ngày đầu tháng 1, chúng tôi có dịp về xã Xuân Phương. Sải những bước chân chậm rãi trên con đường nằm giữa khu sản xuất tập trung của ở xóm Tân Sơn 9 và Thi Đua mới được cứng hóa nhờ số xi măng được hỗ trợ từ Phương án cho vay xi măng của tỉnh và đóng góp của người dân, Chủ tịch UBND xã Dương Nghĩa Định không giấu nổi niềm vui: Khu vực rộng gần 7ha này đang được sản xuất theo mô hình cánh đồng một giống. Vụ xuân, bà con gieo cấy lúa (100% là giống lúa lai) để phục vụ nhu cầu lương thực cả năm của gia đình. Sang vụ mùa, các hộ dân ký hợp đồng với Công ty cổ phần Giống cây trồng (Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp tỉnh) sản xuất hạt giống lúa lai F1. Còn vụ đông, bà con liên kết với Doanh nghiệp Quang Núi, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) trồng khoai tây Atlantic của Mỹ để làm nguyên liệu cho Nhà máy thực phẩm Orion Bắc Ninh sản xuất khoai tây chiên. Các hộ dân ở xóm Tân Sơn 9 và Thi Đua duy trì được mô hình sản xuất tập trung như thế này 3 năm rồi.
Đứng trên con đường đang trong giai đoạn hoàn thiện, tứ phía là màu xanh ngăn ngắt của khoai tây. Được biết 50 hộ dân ở 2 xóm bắt đầu trồng khoai tây hàng hóa từ vụ đông năm 2011. Năm đó, do chưa nắm bắt được kỹ thuật chăm bón nên năng suất khoai tây không cao. Đến vụ đông năm 2012, bà con tiếp tục sản xuất và đã thắng lớn khi năng suất khoai tây đạt từ 5 đến 6 tạ/sào. Với giá bán 6 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/sào, cao gấp đôi so với cấy lúa. Như gia đình chị Dương Thị Tuyết, Bí thư Chi bộ xóm Tân Sơn, vụ đông năm ngoái trồng 6 sào khoai tây thu lãi khoảng 10 triệu đồng. Năm nay, năng suất khoai tây có thể sẽ cao hơn và giá thu mua có thể tăng từ 5 trăm đến 1 nghìn đồng/kg so với năm trước.
Theo ông Định, giống khoai tây lai có thời gian sinh trưởng ngắn, mất ít công chăm sóc mà đầu ra lại ổn định nên bà con rất yên tâm đầu tư cho loại cây trồng này. Tuy nhiên, để khoai tây phát triển tốt, cho năng suất cao đòi hỏi không được thiếu hay thừa nước. Do đó, năm 2013 được hỗ trợ xi măng, ngoài việc cứng hóa tuyến đường vào khu sản xuất tập trung ở Tân Sơn 9 và Thi Đua, xã đã huy động nhân dân đóng góp đối ứng để xây dựng tuyến kênh mương dẫn nước bám sát hai bên đường. Vậy là từ nay, người dân ở đây sẽ không còn lo thừa, thiếu nước phục vụ sản xuất nữa. Con kênh bám dọc 2 bên đường sẽ giúp người dân điều tiết nguồn nước tưới ổn định cả ba vụ trong năm và mang lại cho bà con những vụ mùa bội thu.
Đây chỉ là 1 trong 4 vùng sản xuất tập trung của Xuân Phương. Theo đó, ở 3 vùng còn lại, bà con tập trung sản xuất các giống lúa lai và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là thâm canh lúa cải tiến gắn với bảo vệ môi trường SRI. Cùng với đó, địa phương cũng đã quy hoạch được vùng chăn nuôi tập trung rộng 10ha tại khu vực xóm Kiều Chính, Tân Sơn, Hin và các xóm vùng Xuân La làm cơ sở để thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Đặc biệt, xã đã quy hoạch được khu dịch vụ, thương mại ở khu vực cầu Mây, khu trung tâm xã, làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ… Nhờ đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của Xuân Phương khá phát triển, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Hết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 17 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với 5 năm trước hơn 7 triệu đồng/người/năm.
Khoảng 3 năm trở lại đây, xã cũng đã tranh thủ được sự hỗ trợ của tỉnh xây dựng được mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh. Trong 2 năm (2012, 2013), từ nguồn xi măng được hỗ trợ theo Phương án cho vay của tỉnh, xã đã cứng hóa được 4,5/6,5km đường giao thông liên xóm. Bà Dương Thị Thơm, một người dân ở xóm Tân Sơn 9 cho hay: Chúng tôi luôn xác định mình là chủ thể trong XDNTM. Bởi vậy, nếu năm 2014 tiếp tục được hỗ trợ xi măng, chúng tôi sẵn sàng đóng góp để cứng hóa nốt 2km đường liên xóm còn lại. Ngoài ra, tranh thủ sự quan tâm của Nhà nước kết hợp với huy động nội lực, xã cũng đã xây dựng được trạm bơm Xuân La phục vụ nước tưới cho 40ha ruộng của xóm Núi, Giữa và Ngoài; đầu tư cứng hóa 0,8km kênh mương từ La Sơn đến xóm Vườn Giờ…
Nhờ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của người dân, Xuân Phương đã đạt được những kết quả tích cực trong XD NTM. Hết năm 2013, xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí NTM và còn 7 tiêu chí chưa hoàn thành là: cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, văn hóa, giao thông, thủy lợi, môi trường. Xã đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí: cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn và nhà ở dân cư. 3 tiêu chí còn lại, địa phương sẽ phấn đấu hoàn thành trước năm 2020. Để hoàn thành các tiêu chí còn lại, thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “chung sức XD NTM” gắn với các phòng trào khác ở địa phương như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao; vận động nhân dân làm tốt công tác bảo vệ môi trường; huy động nội lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn…