Đầu năm “xông đất” Bảo tàng

16:10, 07/02/2014

Qua từng không gian trưng bày trong Bảo tàng lực lượng vũ trang Quân khu 1 người xem cảm nhận được tầm vóc vĩ đại qua từng giai đoạn lịch sử của lực lượng vũ trang 6 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang. Không chỉ dừng ở việc trưng bày, giới thiệu, mỗi hình ảnh, hiện vật ở đây là một câu chuyện thấm đẫm sự hy sinh anh dũng, chứa chan tình cảm của đồng bào.

Đại tá Phạm Đình Tiến, Giám đốc Bảo tàng lực lượng vũ trang Quân khu 1 cho người mở cửa Bảo tàng, hướng dẫn tôi “xông đất” đầu năm. Anh Tiến cũng báo luôn tin vui: Địa điểm Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Mỹ (1965-1966) (còn có tên là Di tích đường hầm xuyên núi tại đồi ông Đống, nằm trong khuôn viên Bảo tàng) đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, Bảo tàng sẽ đề xuất kế hoạch tu bổ tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị lịch sử của di tích.

 

Cụ thể là: sẽ phục hồi nhà ở của Tư lệnh Quân khu Đàm Quang Trung, đường hầm xuyên núi, trận địa pháo với hệ thống hầm hào, đài quan sát trên đỉnh đồi Ông Đống, xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt Bắc và các bia, biển báo tại nhà Tư lệnh Quân khu và trong đường  hầm. Cùng với hệ thống trưng bày nội, ngoại thất của Bảo tàng sẽ tạo thành một tuyến tham quan, du lịch hấp dẫn, góp phần tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ.

 

Thiếu tá Hà Quang Thắng dừng chân bên chiếc sa bàn làng Đình Bảng - Bắc Ninh kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc chiến đấu độn thổ của dân làng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, nhân dân đã đào một tuyến hào chống tăng có chiều dài 1.500m, rộng 4m, sâu 2m; các đường vào làng bị cắt đứt để ngăn xe cơ giới của giặc tấn công. Những đường lớn trong làng đều được xây đắp các ụ chiến đấu có lỗ châu mai bắn được về hai phía, từ trong ra ngoài có hàng rào rong tre cắm chéo chữ chi, cánh sẻ. Từ năm 1946 đến năm 1949, quân Pháp đã nhiều lần tấn công vào làng nhưng đều thất bại. Ngày 24-3-1947, địch huy động trên 6 tiểu đoàn Âu - Phi (khoảng hơn 2.000 tên) có máy bay, pháo yểm trợ ồ ạt tấn công vào làng. Sau 5 đợt tấn công ác liệt quân địch buộc phải rút lui trong tư thế hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau.

 

Do có nhiều thành tích trong chiến đấu, quân và dân làng Đình Bảng đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, Nhà nước trao tặng “Bằng có công với nước” và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đội thiếu niên du kích Đình Bảng tuổi nhỏ, trí lớn, lập nhiều chiến công đã được Nhà nước tặng thưởng Huân công Chiến công hạng Nhất…

 

 Quả thực, nếu lướt đi như ở nhiều cuộc tham quan khác, ta không thể nghe được câu chuyện từ mỗi hiện vật. Ví như chiếc áo ka ki Bác Hồ tặng cụ Nguyễn Văn Mạc ở làng Tả, xã Tân Dương, huyện Định Hóa trong một chuyến Bác đi công tác ở ATK-Việt bắc năm 1947. Ba thế hệ nâng niu, gìn giữ tấm áo, cuối cùng anh Nguyễn Văn Hạnh là cháu nội của cụ Mạc đã đem báu vật của gia đình tặng lại Bảo tàng Quân khu để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ.

 

Tôi dừng lại trước một hiện vật còn mới - chiếc áo bộ đội đặt gọn gàng trong tủ kính - và được Thiếu tá Hà Quang Thắng kể cho nghe về sự hy sinh dũng cảm của Trung úy Ngô Văn Vinh (Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn). Trong cuộc truy đuổi tội phạm buôn bán ma túy, Trung úy Vinh đã bị đối tượng bắn và anh hy sinh khi mới 33 tuổi. Bộ quân phục anh mặc khi làm nhiệm vụ đã được gia đình anh hiến tặng Bảo tàng.

 

Một trong những điểm nhấn, cũng là công trình mới của Bảo tàng là sa bàn điện tử tái hiện Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950. Chờ tôi yên vị trên ghế khán giả, anh Thắng bấm nút điện, tấm màn nhung xanh từ từ mở, cùng lúc với tiếng thuyết minh, đèn nhấp nháy báo hiệu các cứ điểm: Cốc Xá, Đông Khê, Thất Khê, nơi đóng quân của địch; tiếng súng, đạn; tiếng hò reo. Bằng âm thanh, ánh sáng cùng với sa bàn, trận chiến 29 ngày đêm anh dũng đã được tái hiện với kết quả ghi nhớ: ta tiêu diệt 8 nghìn tên địch, thu trên 3.000 tấn vũ khí, giải phóng toàn bộ khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Lạng Sơn dài 750km với 35 vạn dân…

 

Đại tá Phạm Đình Tiến tâm đắc nói về sa bàn điện tử này. Theo ông, việc thu hút được người xem là trăn trở của những người làm Bảo tàng. Hiện vật không thể bộc lộ được hết giá trị khi chỉ trưng bày đơn thuần, mà cần có màu sắc, ánh sáng, âm thanh…bổ trợ. Tuy nhiên, chi phí cho công trình như thế không nhỏ, nên Bảo tàng chưa có điều kiện làm được hết. Với khoảng 2 nghìn hiện vật được trưng bày, 8.000 hiện vật lưu giữ trong kho, Bảo tàng đang có kế hoạch đổi mới về bố cục, cách chú thích, thuyết minh, dịch vụ khác để thu hút người xem. Con số gần 16 nghìn lượt người đến tham quan năm 2013 đã là tăng nhiều so với những năm trước, nhưng vẫn chưa thỏa đáng.

 

Năm 2014 này, với việc lập trang web cập nhật thông tin về Bảo tàng, tổ chức nhiều hơn các cuộc trưng bày lưu động, xúc tiến thực hiện tôn tạo di tích đường hầm xuyên núi… Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu 1 hứa hẹn sẽ thu hút nhiều hơn các tầng lớp nhân dân đến tham quan. Và tương lai, nơi này sẽ là điểm du lịch, học tập, giáo dục truyền thống có giá trị.