Hôm qua (5/2), Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc làm Trưởng đoàn đã trình bày Báo cáo quốc gia trong khuôn khổ cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Với sự tham gia của đại diện từ 11 Bộ ngành, Đoàn Việt Nam đã đối thoại trực tiếp với 107 nước về các vấn đề các nước quan tâm trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Trưởng Đoàn Việt Nam, đã giới thiệu khái quát những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam trong 4 năm qua, kể từ phiên Rà soát chu kỳ 1 năm 2009 đến nay cũng như những thách thức, khó khăn mà Việt Nam đã vượt qua.
Phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam nêu rõ, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, tích cực 96 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận, kết quả đạt được thể hiện sinh động trên tất cả các mặt đời sống xã hội, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng và thực hiện các chính sách về quyền con người; trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân, đặc biệt chú ý tới các nhóm dễ bị tổn thương…; tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền: trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, gia nhập thêm các Công ước về quyền con người, đón các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền thăm Việt Nam, đối thoại nhân quyền thường niên với các đối tác, đóng góp tích cực vào cơ chế nhân quyền ASEAN…
Đáp lại quan tâm của các nước, Đoàn Việt Nam đã đối thoại thẳng thắn, cởi mở, cung cấp thêm thông tin về luật pháp, chính sách và thực tế tại Việt Nam trên tất cả các mặt, về tự do ngôn luận, tự do báo chí, internet, tôn giáo, về quyền của người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, về việc thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam cũng như việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền… Với việc thông qua Hiến pháp năm 2013, lĩnh vực quyền con người đã được hiến định một cách đầy đủ và toàn diện hơn, tạo tiền đề cho những chính sách và biện pháp nhằm thực hiện tốt hơn quyền con người trên thực tế.
Việc bổ sung và ban hành mới các văn bản luật rất quan trọng như Luật Báo chí, Luật đất đai, Luật Công đoàn, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Người khuyết tật, Luật Luật sư… đã giúp hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về quyền con người ở Việt Nam. Cùng với cải cách pháp luật, quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam cũng diễn ra mạnh mẽ, giúp đảm bảo thực hiện chặt chẽ, đúng pháp luật quy trình tố tụng, điều tra, thực thi pháp luật.
Đoàn Việt Nam nhấn mạnh, trên cơ sở những thành tựu này, các quyền tự do cơ bản của người dân Việt Nam đã được thúc đẩy và đảm bảo tốt hơn trên thực tế: Quyền tự do ngôn luận, thông tin được phát huy đầy đủ và ngày càng tốt hơn với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Internet với hơn 30 triệu người sử dụng.
Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện chủ trương chính sách tại Quốc hội và các diễn đàn, blog diễn ra sôi nổi và thực chất, đóng góp hiệu quả và tích cực trong tiến trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật. Trong lĩnh vực tôn giáo, kể từ năm 2009, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể với việc công nhận thêm nhiều các tổ chức tôn giáo, xây dựng các cơ sở thờ tự, tạo điều kiện cho việc sinh hoạt điểm nhóm, in ấn, phát hành kinh sách, thúc đẩy giáo dục, đào tạo về tôn giáo. Các nhóm yếu thế như dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền bình đẳng về thụ hưởng các dịch vụ công, giáo dục đạo tạo, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, trợ giúp pháp lý…
Trong lĩnh vực lao động, công đoàn và lập hội, Việt Nam có những quy định cụ thể trong Luật Công đoàn và Bộ Luật Lao động; các cấp Công đoàn hoạt động hiệu quả, có nhiều đổi mới về tổ chức, hoạt động. Bên cạnh đó, các tổ chức hội, xã hội, nghề nghiệp cũng đang phát triển mạnh mẽ với khoảng 460 tổ chức hoạt động tích cực trên các mặt xã hội, nhân đạo, từ thiện, cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường…
Các nước ghi nhận Báo cáo Quốc gia của Việt Nam đã cung cấp các thông tin đầy đủ, đa chiều, thể hiện rõ sự nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát, đánh giá cao sự tham gia đóng góp đầy đủ của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, người dân và quá trình tham vấn, đối thoại nghiêm túc, kỹ lưỡng giữa Chính phủ và tất cả các bên liên quan.
Nhiều nước hoan nghênh những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, từ đó tạo điều kiện cho việc đảm bảo quyền con người một cách toàn diện, đặc biệt chú ý tới quyền của các nhóm yếu thế, sự cân bằng, hài hòa giữa các quyền chính trị - dân sự và kinh tế - văn hóa - xã hội.
Các nước đánh giá cao sự cởi mở, hợp tác và tích cực của Việt Nam, khẳng định cộng đồng quốc tế hoan nghênh và mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp to lớn hơn nữa trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên phạm vi quốc tế.
Trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, các nước tiếp tục khuyến nghị Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách tư pháp, pháp luật, thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, mời thêm các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền…
Nhiều nước cũng khuyến nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm…trong điều kiện kinh tế khó khăn, khuyến nghị Việt Nam tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc và các Cơ quan Công ước.
Các nước ASEAN đã hoan nghênh những đóng góp của Việt Nam vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN.
Phiên trình bày Báo cáo Quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát chu kỳ 2 đã kết thúc thành công trên tinh thần đối thoại thẳng thắn và xây dựng, tạo cơ sở để tiếp tục quá trình thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam./.