Xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân

10:07, 04/02/2014

Năm 2013 là năm đánh dấu nửa chặng đường của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức, khối lượng công việc và hoạt động của Quốc hội ngày càng tăng. Song, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên luôn bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của địa phương tiếp tục có những đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của Quốc hội và sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Để có thông tin toàn diện về hoạt động của Đoàn, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Thị Huệ, Tỉnh ủy viên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.

P.V: Được biết năm 2013, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhiều dấn ấn quan trọng được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về những hoạt động của Đoàn ?


Đồng chí Trương Thị Huệ: Có thể nói, năm 2013 là năm khối lượng công việc rất nhiều, song Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên nhiều phương diện: Về xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia 16 lượt ý kiến và đề xuất giải pháp tại các buổi thảo luận ở tổ và tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012; tình hình KT- XH năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ năm 2014-2015; tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014; việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế... xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác của đất nước và công tác nhân sự tại kỳ họp thứ 6.

 

Về công tác xây dựng luật: Đây là năm Quốc hội xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác lập hiến, lập pháp, đặc biệt là việc xem xét, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai (sửa đổi) và nhiều dự án luật quan trọng khác. Ngay từ đầu năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức và phối hợp lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai (sửa đổi), tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  ngoài ra Đoàn đã chủ động gửi dự thảo luật xin ý kiến các chuyên gia, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn như Hội Luật gia, Đoàn Luật sư... để nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Nhìn chung, công tác xây dựng luật được Đoàn chủ động thực hiện với chất lượng từng bước được nâng cao, có sự đổi mới trong việc lấy ý kiến tham gia xây dựng luật theo hướng chú trọng hơn đến nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án luật. Đồng thời, Đoàn còn tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng, thẩm tra các dự thảo luật. Tại kỳ họp nhiều ý kiến của ĐBQH trong đoàn tham gia vào Dự thảo Hiến pháp, các luật được tiếp thu và đánh giá cao.

 

Đối với công tác giám sát, Đoàn đã chủ động tổ chức các cuộc giám sát độc lập theo chuyên đề và phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện pháp luật và nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương. Kết thúc các cuộc giám sát, Đoàn đã kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền của trung ương và địa phương để sửa đổi Luật và những văn bản quy định không còn phù hợp, bổ sung các văn bản quy định mới phù hợp với yêu cầu phát triển thực tiễn.

 

Để nâng cao chất lượng việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Đoàn đã từng bước đổi mới hoạt động giám sát,  lựa chọn những vấn đề cụ thể đươc đông đảo cử tri quan tâm, bức xúc để tổ chức giám sát (ví dụ: phản ánh của cử tri xã Động Đạt, huyện Phú Lương về đường đi của nhân dân qua Doanh nghiệp Xây dựng và phát triển nông thôn Miền núi. Phản ánh của cử tri Xóm Hoàng Mai - xã Tân Khánh, huyện Phú Bình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..). Đoàn đã chủ động tiếp xúc, gặp gỡ với cử tri và các đơn vị liên quan, ngay sau đó các phản ánh của cử tri đã được giải quyết qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân vớí các cơ quan Nhà nước. Trong công tác tiếp xúc cử tri và tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng đã có sự đổi mới về hình thức, tăng số cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc với cá nhân và nhóm cử tri, đồng thời kết hợp với công tác giám sát, tiếp công dân... để thu thập các ý kiến, kiến nghị của cử tri.  Kết quả năm 2013, Đoàn Đoàn ĐBQHtỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 47 cuộc tiếp xúc cử tri. Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư  KNTC của Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện đảm bảo đúng thời gian và quy trình xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và cử tri, tại các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đã tham gia, đóng góp nhiều ý kiến trong tất cả các nội dung của kỳ họp, tạo được dấu ấn, góp phần tích cực vào thành công của kỳ họp. Hoạt động chất vấn của Đoàn tại các kỳ họp đã góp phần tích cực vào việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tạo được niềm tin của cử tri với Đoàn ĐBQH tỉnh. Chỉnh phủ và các Bộ ngành đều đã nghiên cứu và trả lời đầy đủ các ý kiến chất vấn của ĐBQH, nhiều ý kiến đã được tiếp thu và thực hiện. Cùng với những hoạt động tại diễn đàn Quốc hội, Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội trong Đoàn tích cực tổ chức các  hoạt động giao lưu, đối ngoại, thông qua đó tuyên truyền quảng bá hình ảnh của tỉnh góp phần giúp tỉnh tiếp tục có những bước phát triển nhanh hơn.

 

P.V: Xin đồng chí cho biết năm 2014, Đoàn sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì?

 

Đồng chí Trương Thị Huệ: Phát huy những kết quả đạt được của năm 2013, năm 2014 Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động để xứng đáng với niềm tin yêu của cử tri và nhân dân trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ như sau: Thứ nhất: Tích cực tham gia triển khai tuyên truyền Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, đồng thời giám sát việc thực hiện Hiến pháp tại địa phương. Thứ hai: Tăng cường công tác tiếp xúc cử tri theo hướng tiếp xúc theo chuyên đề,  tiếp xúc với cá nhân và nhóm cử tri, đồng thời kết hợp với công tác giám sát, tiếp công dân... để  thu thập các ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết qua đó, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối vớí các cơ quan dân cử và cơ quan nhà nước. Thứ ba: Bên cạnh các cuộc giám sát tối cao theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn sẽ lựa chọn một số chuyên đề mà đông đảo cử tri quan tâm, bức xúc để tiến hành  giám sát, khảo sát. Tăng cường hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Thứ tư: Tiếp tục đổi mới công tác tham gia xây dựng luật và việc lấy ý kiến tham gia xây dựng luật theo hướng có sự tham gia của các chuyên gia trên các lĩnh vực, có thực tiễn từ cơ sở, chú trọng đến nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án luật. Thứ năm: Tham gia có hiệu quả việc xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, các hoạt động của của Quốc hội và của tỉnh. Tăng cường các  hoạt động giao lưu, đối ngoại của đại biểu và của Đoàn.

P.V:
Xin cảm ơn đồng chí!