Chở niềm tin vào mặt trận

14:42, 13/03/2014

Tròn 60 năm về trước, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Để có được cột mốc chói lọi đó, công tác hậu cần đóng vai trò quan trọng, trong đó phải kể đến những người làm nhiệm vụ vận chuyển bằng xe đạp thồ. Nhiều nhà lịch sử đã nhận định, đội quân xe đạp thồ xuất hiện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới.

  Theo Bảo tàng lịch sử Việt Nam: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 đến 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao.

 

Tôi may mắn được trò chuyện với một người từng là thành viên trong đội vận tải bằng xe thồ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Ông là Dương Văn Then, ở tổ 18, phường Tân Long (T.P Thái Nguyên). Ông Then năm nay đã bước sang tuổi 90 nhưng vẫn còn khỏe mạnh và hoạt bát. Nhắc lại những ký ức năm xưa, ông càng trở nên minh mẫn lạ thường.

 

Ông Then sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp và sớm tham gia đội dân quân tự vệ ở địa phương. Sau cách mạng tháng 8-1945, nhiệm vụ của đội là thực hiện tiêu thổ kháng chiến, phá bỏ cầu cống trên các tuyến đường để ngăn cản giặc Pháp vận chuyển quân và vũ khí bằng phương tiện cơ giới lên vùng Việt Bắc. Ngoài ra, đội còn trực tiếp phục vụ chiến đấu, cũng như vận chuyển hàng hóa và lương thực cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 1953, ông tham gia đơn vị vận tải Bắc Thái và được lệnh chuẩn bị vận chuyển hàng hóa lên Điện Biên Phủ.

 

Ông Then kể rằng: Nhà tôi có đông người nhưng anh chị đều đã ở riêng, khi ấy chỉ có mình tôi sống chung với mẹ, bố thì đã mất từ sớm. Đời sống còn rất khó khăn, chiếc xe đạp là tài sản đáng giá nhất trong nhà (trị giá bằng vài tạ thóc) được trưng dụng phục vụ chiến trường. Đoàn vận tải Bắc Thái khi đó chia thành 4 đội, tôi thuộc C10 gồm hơn 20 người được lệnh đi chuyến đầu tiên vào thời điểm đầu năm 1954. Trước khi lên đường anh em trong đội bảo nhau gia cố lại xe đạp để trở được nhiều hàng hơn. Phía bên trái của ghi - đông xe được buộc thêm một thanh tre nhỏ, dài khoảng một mét để tiện điều khiển. Ở trục yên xe cũng buộc thêm một thanh gỗ tròn theo chiều thẳng đứng và cao hơn yên xe khoảng nửa mét vừa để giữ thăng bằng, vừa làm điểm tựa khi đẩy xe. Để tăng độ cứng, khung xe còn được hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ, thậm chí dùng vải, quần áo cũ, săm cũ để tăng độ bền cho lốp và bánh xe. Mỗi một chiếc xe như vậy chở được khoảng hơn 200kg gạo. Gạo được đóng trong bì bằng cói và bọc bên ngoài bằng ni lông nên đảm bảo không bị ướt những lúc trời mưa. Định mức lương thực của thành viên trong đội vận chuyển ăn dọc đường được để riêng.

 

Đội xuất phát hướng lên Điện Biên Phủ trong đêm tối. Cứ như vậy, hành trình liên tục trong hơn một tháng. Ngày nghỉ để tránh bom đạn của địch, đêm lại di chuyển. Mỗi thành viên trong đội sử dụng một chiếc đèn dầu treo phía trước xe để soi đường. Ông Then bảo: Đường lên Tây Bắc ngày đó, nhiều đoạn rất khó đi. Vất vả nhất là khi đẩy hàng vượt dốc hay phải lội suối. Khi đó, đội phải để lại một nửa số xe chở hàng để hỗ trợ phần còn lại qua đèo rồi mới vòng lại chuyển tiếp. Còn khi qua những suối, anh em bảo nhau quyết tâm thà người bị ướt chứ không để hàng hóa bị ảnh hưởng. Vậy là, những bao gạo lớn được bỏ ra khỏi xe để đưa lên vai người, lần từng bước chân trần qua suối. Suốt hành trình cả trăm cây số gian lao, vất vả nhưng thành viên trong đội luôn lạc quan, yêu đời. Khi xe đạp bị thủng săm, đêm tối không thể vá chín ngay được, chúng tôi nghĩ ra cách tháo săm ra khỏi bánh, bơm căng lên để tìm vết thủng rồi dùng chỉ buộc tạm. Chở được một kg lương thực hay đạn dược vào chiến trường là rất nhiều mô hôi, công sức và cả máu của anh em. Nhiều người đã hy sinh vì trúng bom hay trượt chân khiến cả người và xe lao xuống vực. Thế nhưng chúng tôi luôn tin tưởng vào chiến thắng và những giọt mồ hôi, công sức của mình sẽ góp phần làm nên chiến thắng đó.

 

Đội vận tải hàng của ông Then đến được kho trung chuyển ở đèo Pha Đin sau hơn 1 tháng. Tại đây, gạo được trút vào kho và đội nhận nhận nhiệm vụ đưa các hàng hóa khác vào trạm gần hơn mặt trận. Trung bình cứ một hoặc 2 ngày lại thực hiện một chuyến đi với quãng đường gần 50km, tại đó sẽ có dân công bộ nhận hàng và cõng vào trận địa.

 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Dương Văn Then tiệp tục gắn bó với đơn vị vận tải Bắc Thái và đội dân quân tự vệ ở địa phương. Năm 1972, ông được tham gia bảo vệ xác chiếc máy bay thứ 1.000 rơi trên bầu trời miền Bắc. Những đóng góp của ông đã được Nhà nước ghi nhận, trong đó có Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ông Then tâm sự: Đối với tôi, trong mấy chục năm tham gia phục vụ kháng chiến, kỷ niệm cũng như niềm vinh dự, tự hào nhất là được tham gia phục vụ, góp sức mình cho chiến thắng Điện Biên Phủ.