Người chiến sĩ quân y tham gia trận đánh đồi A1

11:02, 31/03/2014

85 tuổi, mái tóc bạc trắng, vầng trán gấp nếp thời gian, đôi mắt không còn tinh anh, chân tay chậm lại nhưng tôi thấy ông khỏe mạnh, minh mẫn hơn so tuổi tác của mình rất nhiều. Đó là ông Vi Văn Cúc, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Ông là cựu chiến sĩ quân y thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 - một trong những đơn vị bộ đội chủ lực của ta trực tiếp đánh địch tại đồi A1, năm 1954.

Là y sĩ của đơn vị, nhiệm vụ chính của ông là chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và sơ cứu vết thương cho thương binh ngoài mặt trận. Ông kể: Đánh trận, bộ đội ta dũng cảm lắm, nhiều chiến sĩ bị thương sau khi băng bó vết thương lại nằng nặc đòi vào trận. Cũng có người bị thương nặng, nếu sơ cứu không kịp thời sẽ dẫn đến mất máu dễ gây tử vong. Vì thế, ngoài sơ cứu, băng bó vết thương cho bộ đội, tôi còn phải làm tốt công tác tâm lý tư tưởng, để bộ đội yên tâm, điều trị nhanh lành vết thương, sớm phục hồi sức khỏe trở lại phục vụ chiến dịch.

 

Chuyện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trực tiếp cùng bộ đội đánh trận tại đồi A1, điểm “huyết chiến” giữa bộ đội ta và địch gay go, ác liệt nhất trong toàn chiến dịch đã khép lại 60 năm nay. Nhưng trong tâm trí ông còn nhớ như in những năm tháng trẻ trung, hồn nhiên cùng đồng đội bước vào trận đánh. Song những năm sau này, mỗi lần có dịp trở lại Điện Biên, thăm đồi A1, sau giây phút hào hứng, nét tươi tắn trên khuôn mặt ông chợt bạc đi, vì trong nghĩ suy của ông, ngày chiến thắng đã có nhiều đồng đội nằm lại nơi đây với tuổi đời mười tám, đôi mươi.

 

Tôi theo ông lên đồi A1, từng bước chậm rãi, ông xúc động bởi ký ức ùa về. Ông kể: Ngày cả nước Kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (2004), tôi có trở lại đây. Hôm nay, một ngày trung tuần tháng ba năm 2014, trước ngày cả nước Kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cùng các cựu chiến sĩ Điện Biên ở Thái Nguyên trở lại thăm chiến trường xưa. Tôi thấy Điện Biên đổi mới rất nhanh. Ngày chúng tôi đánh trận, cả vùng đất bên dòng sông Nậm Rốm chỉ có lau, mua, chít và cỏ dại. Đồi A1 cũng thế, độc cây chít, cây lau và cỏ hoang. Khắp đồi là những hàng rào dây kẽm gai và hệ thống giao thông hào, hầm ngầm trú ẩn của địch. Do cách bố phòng trận địa của địch phức tạp, nên việc đánh chiếm đồi A1 của bộ đội ta rất khó khăn.

 

Để đối phó với bộ đội ta, địch cho xây dựng một hầm ngầm trên đỉnh đồi, tại vị trí cao nhất có thể quan sát được một vùng rộng lớn. Do tính chất phức tạp của căn hầm ngầm này, nên những người lính trinh sát không thể tiếp cận được. Sau này ta mới biết: Cửa hầm ngầm được đào từ dưới lưng đồi ngược lên. Hầm được bố trí hàng chục ống thông hơi, và chứa trong đó khoảng gần 100 sĩ quan và binh lính. Do đó, mỗi lần bộ đội ta xung phong, đánh chiếm áp vào đồi A1, lại bị địch thả lựu đạn theo ống thông hơi ra đánh bật trở lại cho hỏa pháo bắn đến. Thương vong nhiều nhưng không làm nản ý chí quyết tâm tiêu diệt nhóm địch đồn trú tại đây.

 

Ông dừng lời, dõi đôi mắt mờ đục về phía xa xăm, nơi ngày cách đây hơn nửa thế kỷ là đồn bốt giặc Pháp, thì nay đã là những di tích lịch sử, ghi lại dấu thất bại của địch và những chiến công oai hùng của dân tộc Việt Nam. Đó là hố bộc phá quyết định trận đánh; cây đa cụt, ụ đất hình thằng người; hầm ngầm cố thủ của địch và chiếc xe tăng của “Bazeilie” bị Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 của ta tiêu diệt vào sáng ngày 1-4-1954. Ông nín lặng, đến bên nấm mộ 4 chiến sĩ vô danh, thắp nén hương tri ân đồng đội và lặng lẽ lau đi giọt nước mắt.

 

Tôi chợt nghĩ: Trong cuộc chiến làm nên một Việt Nam chấn động địa cầu, cố nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Kháng chiến ba nghìn ngày không nghỉ…” trong bài thơ có đoạn cao điểm là: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/máu trộn bùn non…”, hàng ngàn người không trở về sau ngày chiến thắng, trong số đó có người bị thương quá nặng, trút hơi thở trong vòng tay của người chiến sĩ quân y. Và ông Cúc đã nói với tôi: Những người nằm dưới ngôi mộ vô danh này, họ đã chiến đấu rất dũng cảm, và hy sinh ngay trước mắt chúng tôi.

 

...Nhìn nghĩa trang trắng màu vôi dưới chân đồi A1, ông Cúc nhớ lại: Vào trận cuối, từ chiều tối mùng 6-5, tôi và 2 y tá nữa nhận lệnh ra hỏa tuyến để lập trạm kiểm thương ở 1 ngã ba hào. Tại đó có ngách hào lên hầm pháo 75 ly cũ, pháo đã được di chuyển sang trận địa mới. Từ trạm kiểm thương ra hầm Chỉ huy Trung đoàn cách 100m. Sau khi dùng vải che mưa dựng trạm, chúng tôi ngồi đợi giờ khai hỏa khối bộc phá dưới gầm đồi A1. Tới 20 giờ 30 phút, thấy uỵch, một tiếng nổ làm rung chuyển đất dưới chân. Tôi chạy lên nóc hầm pháo 75 ly cũ, thấy trên đồi có cột khói đen sẫm che kín quả đồi. Ít phút sau, từ tuyến trên có cáng thương binh về trạm, chúng tôi làm nhiệm vụ kiểm tra, sơ cứu rồi cho chuyển ngay về hậu cứ xử lý. Sau ngày 7-5, quân ta toàn thắng tại Điện Biên Phủ, tôi cùng bộ đội lo việc thu dọn chiến trường, như việc chỉ đạo phun thuốc tẩy uế đề phòng dịch bệnh, mai táng liệt sĩ và chôn lấp xác chết của giặc.

 

Chợt đôi mắt ánh lên niềm vui, khiến ông càng trở nên nhân hậu. Bởi tôi nghĩ ông theo đoàn quân đi đánh giặc, nhưng vào trận không bằng súng, mà bằng chiếc túi cứu thương chạy khắp chiến hào cứu người. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông nhận nhiệm vụ mới tại Quân Y viện 91, rồi được bổ nhiệm làm Viện trưởng. Sau đó, do yêu cầu nhiệm vụ, ông được điều động về làm Giám đốc Sở Y tế Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn). Đến năm 1989, ông nghỉ hưu, thanh thản sống cùng các con cháu và bà con lối xóm. Suốt những năm công tác, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, và khi trở về địa phương, ông sống gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động phong trào cơ sở, nên được bà con chòm xóm cũng như những đồng đội xưa và đồng nghiệp quý mến.