Mặc dù đã bước sang tuổi 80 nhưng ông Hoàng Hữu Dẫn (quê ở xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) nay trú tại xóm 4 Tân Sơn, xã Lương Sơn T.P Thái Nguyên vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Khi nhắc đến những kỷ niệm ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, giọng ông đầy khí thế: Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi và cũng là vinh dự cho cá nhân tôi là được lái xe đưa Đại tướng vào mặt trận.
17 tuổi, chàng thanh niên Hoàng Hữu Dẫn đã bị Lý trưởng dằn mặt: “Mày sang tuổi 18 phải đi lính cho các quan Pháp”. Tận mắt chứng kiến cảnh quân Pháp cướp bóc, đàn áp dân chúng trong làng, Hoàng Hữu Dẫn đã nói với mẹ nhất quyết không theo giặc để đánh đập, cướp bóc đồng bào mình. Được cán bộ Việt Minh đến tuyên truyền, tháng 10-1952, Hoàng Hữu Dẫn đã xung phong đi bộ đội. Khi xung phong lên đường nhập ngũ cũng là lúc mẹ anh sức khoẻ yếu nên đã qua đời. Sau 49 ngày tang mẹ, nén đau thương, Hoàng Hữu Dẫn lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế vào Đoàn 99 - Phú Bình, Thái Nguyên, đầu năm 1953 được cử sang nước bạn Trung Quốc học lái xe. Cuối năm 1953, anh về nước được giao lái chiếc xe Mo hai cầu của Liên Xô chế tạo. Ba chuyến đầu, anh được giao chở đạn pháo 105 ly từ Sơn La vào trạm tiền phương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhắc đến kỷ niệm về chuyến xe chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giọng ông hào hứng: Hôm đó, tôi được đồng chí Ngô Ky, cán bộ của Cục Vận tải và binh trạm đến giao nhiệm vụ: - Các đồng chí sẵn sàng chở “cán bộ tiểu đoàn” khi có lệnh trực tiếp.
Buổi chiều khoảng ngày 10 hoặc 11 tháng 1 năm 1954, trời mưa phùn, sương mù dày đặc, 17h30' đoàn xe khởi hành. 5 chiếc xe của tiểu đội chúng tôi đều chở gạo, mỗi chiếc chở 2,5 tấn. Đi đầu là xe anh Hàn do Trung đoàn trưởng Thuật chỉ huy, rồi đến xe anh Lương, xe tôi đi ở giữa, tiếp sau là xe anh Hồng, anh Nga. Xe của tôi được giao chở 3 “cán bộ tiểu đoàn”. Một cán bộ tầm thước tuổi cao hơn, có nước da trắng hồng ngồi trong ca bin, anh Thâm phụ xe ngồi bên ngoài, hai cán bộ đi cùng ngồi trên thùng xe. Ban đêm hành quân chúng tôi giữ tốc độ trung bình, đội hình mỗi xe cách xa nhau trên dưới 200m, tất cả đều đi bằng đèn gầm lắp dưới pa-đờ-xốc. Thời tiết xấu nên không có máy bay địch hoạt động, các xe thuận lợi vượt qua đèo lũng lên ngã ba Cò Nòi. Ngày nghỉ, đêm đi, sau hai đêm hành quân vượt những con đèo dài, đoàn xe dừng chân, “cán bộ tiểu đoàn” ngồi trong ca bin cùng xuống giải lao. Ông thân tình hỏi thăm quê hương tôi. Khi ông hỏi đã có vợ chưa? Tôi đỏ mặt vì lúc đó chưa biết yêu là gì. Ông cởi mở:
-Cậu còn trẻ, kháng chiến thành công hãy tính cũng vừa.
-Vâng ạ!
Ông “cán bộ tiểu đoàn” hỏi tiếp:
- Vào mặt trận cậu đã vận chuyển được mấy chuyến?
- Báo cáo ba chuyến ạ! Ba chuyến chở đạn đều an toàn.
Ông lại hỏi tiếp: - Thế có đói ngủ không?
- Có ạ! Vào đây chúng em được tặng câu ca: “Ăn pháo thủ, ngủ lái xe”.
- Cậu này lém thật.
Mọi người cùng cười.
- Thế có chuyến nào đặc biệt không?
- Có ạ. Một chuyến chúng em chạy lấn sang thời gian ban ngày bị máy bay khu trục Hen Cát đuổi, em phân công anh Thâm ra đứng ở bậc cửa quan sát, thấy máy bay bổ nhào phải hô to: Dừng ngay! Hôm đó tự nhiên em rất bình tĩnh nhớ lại bài khi còn ở trường: “Làm sao cái tai phải tinh, cái chân phải nhanh - phanh”. Lập tức một loạt đạn của máy bay địch cày nát một đoạn đường trước mũi xe khoảng 80m. Chạy tiếp một đoạn em tạt vào rừng sâu. Thế là máy bay đành bỏ cuộc.
Tôi kể đến đây ông “cán bộ tiểu đoàn” cười đôn hậu: “Mưu trí thế là tốt, đêm nay tôi thật may mắn được đi với các cậu, mới vào trận đã lập chiến công…”.
Câu chuyện đang rôm rả thì đoàn xe được lệnh đi tiếp. Tôi định nói câu chuyện Cục trưởng Vận tải Đinh Đức Thiện phổ biến “Hai mươi xe đạn pháo 105 ly các cậu chở vào, pháo bắn mấy phút là hết”. Bởi vậy chúng tôi càng hiểu trách nhiệm phải vận chuyển nhanh, nhiều và an toàn mới góp phần làm cho pháo của ta giáng thật mạnh những cơn bão lửa vào tập đoàn cứ điểm của địch.
Đoàn xe vượt đèo Pha Đin dài 32 km rồi đến ngã ba Tuần Giáo rẽ trái đi vào đường 41 được mươi mười lăm km, khoảng 1-2 h sáng thì xe tôi nhận lệnh dừng lại để “trả khách”. Sau khi giải phóng Điện Biên Phủ tôi mới biết đó là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch. Ông “cán bộ tiểu đoàn” xuống xe bắt tay tôi, cái bắt tay thật nồng ấm khó tả. Rồi ông đi ngay vào con đường phía trước, một cán bộ từ trên thùng xe nhảy xuống đi theo. “Cán bộ tiểu đoàn” thứ 3 bất ngờ hỏi tôi:
- Cậu có biết vừa chở ai không?
- Em chịu.
- “Cán bộ tiểu đoàn” vừa rồi là Võ Đại tướng đấy.
Tôi ồ lên một tiếng xuýt xoa, sao cuộc đời người lính trẻ như tôi lại có vinh dự bất ngờ đến như vậy.
Đây là niềm vinh dự không chỉ của riêng tôi. Giờ đây mỗi khi đơn vị tổ chức gặp mặt ôn lại Chiến thắng Điện Biên Phủ, kể lại câu chuyện này tôi càng thêm tự hào mình là “Lính Cụ Hồ, quân của Võ Đại tướng”. Tôi luôn răn dạy con cháu phải sống sao cho phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với truyền thống của cha anh đi trước.