Nơi quyết định một huyền thoại Điện Biên

08:11, 11/03/2014

Dưới lắc rắc mưa, chúng tôi đội trời xuân về Thủ đô gió ngàn ATK Định Hóa, thăm mái lán Tỉn Keo (Phú Đình), nơi cách đây hơn 60 năm trước, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng họp thông qua chủ trương chiến cuộc Đông - Xuân năm 1953-1954. Cũng tại mái lán này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương Đảng đã phê duyệt Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên một huyền thoại Điện Biên "chấn động địa cầu".

Từ chân đồi Tỉn Keo, chúng tôi ngước trông lên lưng đồi, thấy “Như còn đâu đây bóng hình của Bác”. Mà vẫn còn đây mái lán đơn sơ nằm khiêm nhường dưới tán xanh rừng vầu. Tôi cũng như bao người con đất Việt, khi đứng dưới mái hiên ngắm khóm bông bụt Bác trồng xuân về ngời xanh màu lá, hè về thắp đỏ hoa, chợt thấy lòng bồi hồi xúc động hoài nhớ về một thuở cha ông mình ngược đường “trảy hội” Tây - Bắc. Dù ai cũng biết đường lên Tây - Bắc vời vợi xa, với trùng trùng đèo dốc của Pha Đin, Lũng Lô và bạt ngàn rừng rú đầy muỗi mòng. Vậy nhưng ai cũng mang trong trái tim mình tiếng trống giục dã được phát tích từ lưng đồi Tỉn Keo. “Tiếng trống” ấy là mệnh lệnh thiêng liêng, khiến lòng người nao nức, sẵn sàng theo đoàn quân đi đánh đuổi giặc thù.

 

Giữa từng cơn gió đại ngàn vô tình xào xạc góc rừng vầu, như gợi cho mỗi người về đây một niềm tự hào dân tộc. Nhất là những ngày này, cả nước tưng bừng các hoạt động nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, khi ngồi trước màn hình ti vi, được xem từng thước phim về ngày quân - dân ta toàn thắng, cả Điện Biên tưng bừng cờ, hoa và nụ cười mừng, tủi, tôi chắc chắn ai cũng có phút xao lòng nhớ về mái lán Tỉn Keo, địa danh lịch sử gắn liền với cuộc đấu trí quyết liệt giữa quân - dân Việt Nam với Thực dân Pháp xâm lược.

 

Mái lán Tỉn Keo - một trong những địa chỉ về nguồn của con dân đất Việt.

 

Nhẩn nha bước trên từng bậc đá, tôi biết trước đó đã có hàng triệu triệu lượt người đặt chân đến, để trải lòng khi được về thăm mái lán, nơi người con vĩ đại của dân tộc - Hồ Chí Minh từng ở và làm việc. Rồi chợt từ Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đỉnh đèo De, tiếng chuông reo lên, vọng ngân vào triền núi từng âm thanh thiêng liêng, cho những trảng rừng nơi núi Hồng, Khẩu Nhị, Khẩu Vịt… như ngưng gió, làm lòng người hoài nhớ về miền ký ức của mấy mươi năm trước đây, con đường từ ngã ba Quán Vuông vào loắc ngoắc luồn dưới tán rừng cọ, rừng vầu. Cụ Ma Thị Tôm, xóm Tỉn Keo kể: Ngày đó, giặc Pháp thả xuống đây vô số Việt gian phản động, tay sai chỉ điểm. Nhưng đồng bào các dân tộc đều một lòng kiên trung theo Đảng, ủng hộ cán bộ Việt Minh. Còn bà Nguyễn Thị Vân cho biết: Hồi đó, tôi và nhiều bà con khác đi học chữ. Có lần cụ Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), học trò ưu tú của Bác Hồ đã đến thăm lớp học. Cụ Giáp căn dặn: Các em cố gắng học giỏi và nhớ 3 không: Không biết, không thấy, không nghe để bảo đảm bí mật cho cách mạng.

 

Nhờ có tinh thần yêu nước và sự đùm bọc che trở của đồng bào, vùng đất Phú Đình trở thành trái tim của thủ đô gió ngàn. Những con đường mòn qua đỉnh đèo De, qua dưới tán rừng vầu, rừng cọ, băng qua những thung khe Khuổi Tát, Roòng Giả… luôn bảo đảm bí mật, an toàn. Cũng trong những năm tháng kháng chiến, nhiều tên Việt gian phản động do địch sai khiến vào đây để phá hoại đã bị đồng bào các dân tộc trừng trị đích đáng. Đặc biệt ở xã Phú Đình, những người dân như ông Hoàng Văn Hiệp còn lưu truyền câu chuyện về trận đánh năm 1947. Dạo đó, Thực dân Pháp cho máy bay ném bom, nã đạn pháo làm nhiều khu rừng cây cối đổ ngổn ngang, từng mảnh đạn, mảnh bom găm sâu vào thân cây, nhựa tứa ra, đọng lại như vết máu. Sau đó chúng thả xuống hàng trăm tên lính dù thiện chiến. Nhưng bom và đạn pháo của giặc Pháp và những tên lính thiện chiến đến từ trời Âu không làm quân dân ta khuất phục, khoảng 100 tên địch đã bị quân, dân ta tiêu diệt tại cánh đồng Nạ Tra (nay là xóm Phù Ninh 2). Thủ đô gió ngàn vững như thành trì giữa lòng dân Định Hóa.

 

Từ đỉnh đèo De, hằng ngày tiếng chuông vẫn ngân rung, thong thả từng nhịp như hơi thở của trời đất nơi thủ phủ gió ngàn. Ấy là tiếng chuông của cháu con trên mọi miền đất nước về đây, tâm thành dâng nén trầm thơm báo công với Người. Tiếng chuông lan tỏa, vọng qua những địa danh của Khuổi Tát, Nà Đình; Khẩu Goại… hòa vào mênh mang đất trời . Để mỗi người khi về bên mái lán Tỉn Keo đều có phút giây lắng lại, hoài cổ năm xưa từ vùng đất này từng có bao người con “trẩy hội Điện Biên” đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi, góp máu xương làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu.