Tiếp tục phiên làm việc thứ 26, sáng nay (11/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, vì dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần nghiên cứu, rà soát kỹ, theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013. Ngoài ra, các quy định cũng phải theo hướng cải cách thủ tục hành chính. “Làm sao mỗi lần xây dựng luật, sửa đổi, điều chỉnh là một lần cải cách hành chính”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Lưu ý người có nhiều quốc tịch
Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo cho biết, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh “người không quốc tịch” và cụm từ “quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”.
Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho tiếp thu các ý kiến trên để chỉnh lý Điều 1 và khoản 1 Điều 3 để xác định rõ người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước khác và người không quốc tịch.
Riêng về giải thích từ ngữ, dự thảo thể hiện: “Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước khác và người không quốc tịch”. Cho rằng khái niệm này chưa thỏa đáng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ông Đào Trọng Thi lưu ý về trường hợp người có 2 quốc tịch là Việt Nam và nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam.
“Khi người có 2 quốc tịch ở Việt Nam thì họ dùng tư cách nước ngoài hay người Việt Nam, có áp dụng cơ chế như người như người nước ngoài không. Vấn đề ở đây không phải anh có bao nhiêu quốc tịch mà khi vào Việt Nam, anh dùng quốc tịch nào”, ông Thi nêu ý kiến.
Cùng chung ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Phan Trung Lý cho rằng người có 2 quốc tịch vào Việt Nam bằng quốc tịch nào thì bị điều chỉnh theo quy định đó: “Dù là hai anh em ruột nhưng khi nhập cảnh bằng hộ chiếu khác nhau thì cách điều chỉnh khác nhau. Do đó, từ ngữ cần làm rõ là theo quy định trong Luật này”.
Tiếp thu ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nhất trí quan điểm người nhập cảnh vào Việt Nam vào bằng hộ chiếu nào thì điều chỉnh theo hộ chiếu đó. Vì người vào Việt Nam chỉ được dùng một quốc tịch. Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu để thể hiện từ ngữ rõ hơn.
Thẩm quyền đơn phương miễn thị thực
Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Nguyễn Kim Khoa cho biết, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH tại kỳ họp thứ 6 và ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân một nước và giao cho Chính phủ căn cứ vào đó để quyết định cụ thể miễn thị thực cho công dân từng nước nhằm bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đối ngoại, mở cửa và hội nhập.
Tuy nhiên ông Khoa cũng cho biết thêm, qua tổng hợp góp ý của các Đoàn đại biểu Quốc hội vẫn còn ý kiến đề nghị lấy lại quy định của dự thảo Chính phủ trình, theo đó "Chính phủ trình Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đơn phương miễn thị thực cho từng nước" vì đây là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia.
Thường trực UBQPAN cho rằng, phương án thể hiện trong dự thảo Luật gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH đã được cân nhắc nhiều mặt cả về chính trị, pháp lý và thực tiễn, nhất là trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, TTUBQPAN xin đề nghị UBTVQH cho giữ quy định này như trong dự thảo Luật.
Về điều kiện cấp thị thực, khoản 2, điều 10 của dự thảo Luật quy định: “Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật này”, ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng xu hướng các nước chỉ xem xét có đủ điều kiện cấp thị thực chứ không cần duyệt nhân sự, bảo lãnh; đặc biệt khi Việt Nam tham gia cơ chế thị thực chung. Do đó cần nghiên cứu kỹ để quy định vào Luật để tránh tình trạng tạo ra rào cản./.