Bảo đảm hậu cần cho bộ đội chiến đấu liên tục trên địa bàn xa hậu phương

07:44, 25/04/2014

Với tinh thần "Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng", công tác hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày trên địa bàn xa hậu phương, góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Ngay khi Bộ Chính trị quyết định tiến công Ðiện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến, từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", công tác tổ chức, bố trí, chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ được điều chỉnh khẩn trương, bảo đảm yêu cầu dài ngày, quân số lớn, trong điều kiện địch đánh phá rất ác liệt. Nhu cầu hậu cần tăng gấp đôi so với phương án tác chiến trước đó.

 

Hậu cần được tổ chức thành hai tuyến: Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp các liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và 4 đảm nhiệm. Nhằm tập trung lực lượng, tăng cường khả năng bảo đảm cho tác chiến phía trước, cuối giai đoạn chuẩn bị, ta điều chỉnh về phân tuyến hậu cần chiến dịch, gồm ba tuyến với cơ sở kho tàng đồng bộ, hình thành ba khu vực hậu cần. Tuyến Sơn La - Tuần Giáo có lực lượng dân công, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa và mở đường, các kho và bệnh viện mặt trận. Tuyến Tuần Giáo - Lai Châu, có lực lượng vận tải vận chuyển hàng từ Tuần Giáo đến Nà Tấu - Km 62, lực lượng thanh niên xung phong làm đường, các kho tiếp chuyển, bệnh viện mặt trận. Tuyến hậu cần hỏa tuyến trực tiếp bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu phía trước có lực lượng dân công và xe đạp thồ vận chuyển hàng cho các kho trung chuyển, các đại đoàn, các trung đoàn pháo binh, bệnh viện mặt trận.

 

Khó khăn lớn nhất của hậu cần trong chiến dịch này là nguồn bảo đảm tại chỗ rất nghèo nàn, xa hậu phương, gần nhất là từ Sơn La lên mặt trận, xa nhất là tuyến từ Cao Bằng lên, đường sá ít, xấu và hẹp, chủ yếu là đường độc đạo, bởi tây bắc địa bàn rừng núi hiểm trở, dân thưa thớt, khả năng huy động hậu cần tại chỗ rất khó khăn... Vì vậy, chủ yếu phải vận chuyển từ xa đến, trong khi tuyến vận tải rất dài, qua nhiều địa hình phức tạp, địch đánh phá ác liệt. Trên các tuyến đường đó, địch xác định có 40 điểm có thể cắt đứt nguồn hậu cần của ta, nên đã cho máy bay đánh phá 1.186 trận trên các tuyến giao thông, ngày cao nhất sử dụng 250 lần chiếc máy bay. Tướng Na-va thừa nhận: ... hiếm có đoạn đường nào bị đứt quá 24 giờ. Hơn nữa, trong thời gian đường bị cắt đứt, việc vận chuyển vẫn được tiếp tục bằng cách chuyển tải hoặc đi vòng đường khác.

 

Công tác vận tải được coi là trung tâm của công tác bảo đảm hậu cần. Do khối lượng vật chất chuyển lên mặt trận rất lớn cho nên toàn bộ 16 đại đội ô-tô vận tải (534 xe) của Tổng cục Cung cấp được sử dụng, tăng cường 94 xe của các đơn vị pháo binh, phòng không. Phong trào thi đua "Vượt cung, tăng chuyến, tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe tốt" phát triển sâu rộng trong các đơn vị vận tải. Các tuyến vận tải bộ và bằng phương tiện thô sơ cũng được tổ chức từ hậu phương lên mặt trận. Hơn hai vạn xe đạp thồ được huy động từ các địa phương phục vụ chiến dịch. Qua nhiều tháng phục vụ chiến dịch, lực lượng vận tải đã chuyển lên mặt trận hơn 20 nghìn tấn vật chất các loại, góp phần quyết định thắng lợi của chiến dịch.

 

Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, việc tổ chức bảo đảm sức khỏe cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày ở chiến trường rừng núi, thời tiết rất khắc nghiệt, xa hậu phương cũng như lực lượng phục vụ chiến đấu trong điều kiện nuôi dưỡng khó khăn, phương tiện quá thiếu thốn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành hậu cần. Hậu cần các Ðại đoàn 316, 351, 312, 308 đã đưa nhiều đàn bò, hàng chục tấn thịt ướp, củ mài, rau rừng, cá vượt những quãng đường từ 500 đến 600 ki-lô-mét lên chiến dịch. Hậu cần các trung đoàn cử các tổ tiếp phẩm vào các bản người Thái, người Mông mua rau xanh. Nhân dân Tây Bắc vừa được giải phóng, dù nghèo, đời sống thiếu thốn, nhưng đã huy động hơn bảy nghìn tấn gạo, gần 400 tấn thịt, 800 tấn rau và gần 32 nghìn lượt dân công, 914 ngựa thồ phục vụ chiến dịch... Hậu cần chiến dịch và hậu cần các đơn vị tìm mọi cách khắc phục những khó khăn bằng cách đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh, đào bếp Hoàng Cầm ngay tại trận địa, tổ chức dự trữ lương thực thực phẩm, củi khô, nước... có đơn vị đào giếng tại trận địa.

 

Trong quá trình chiến dịch, do tác chiến liên tục, ác liệt cho nên số lượng thương, bệnh binh tăng gấp đôi dự kiến. Ngành quân y đã huy động toàn bộ bảy đội điều trị của Cục Quân y và bốn đội điều trị các đại đoàn xây dựng bệnh viện mặt trận. Bảo đảm sức khỏe cho bốn đại đoàn bộ binh, các binh chủng phối thuộc, hơn 33 nghìn dân công, trong điều kiện hành quân dài ngày, địa hình rừng núi, có nhiều ổ dịch sốt rét, sốt mò, khí hậu khắc nghiệt, số lượng thương, bệnh binh lớn. Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác quân y được kết hợp chặt chẽ với ngành vận tải trong vận chuyển thương, bệnh binh và ngành quân nhu trong nuôi quân, phòng bệnh. Phong trào thi đua ba tốt "ăn tốt, ngủ tốt, đi tốt bảo vệ đôi chân" đã phát huy hiệu quả. Các tiểu đoàn phấn đấu không để rớt người nào trong hành quân đường dài. Nhiều giáo viên, sinh viên trường y được điều động lên phục vụ mặt trận. Quân y đã cứu chữa và trả lại cho đơn vị chiến đấu 33% tổng số thương binh trong ba tháng. Những nỗ lực đó góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

 

Trong chiến dịch này, ngành hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng bảo đảm cho hơn 87 nghìn người tham gia chiến dịch, trong đó lực lượng chiến đấu và cứu chữa thương, bệnh binh gấp hai lần dự kiến ban đầu. Khối lượng vật chất bảo đảm lên tới hơn 20 nghìn tấn, tăng gấp ba lần so với dự kiến ban đầu và gấp nhiều lần so với nhu cầu bảo đảm cho "Ðánh nhanh, thắng nhanh" trong hai ngày, ba đêm. Ðể có gần 17 nghìn tấn lương thực, thực phẩm cho chiến dịch, ngoài sự nỗ lực của Hội đồng cung cấp nhà nước, các quân khu, địa phương và của toàn dân, sự hỗ trợ có hiệu quả của bạn bè quốc tế góp phần bổ sung nguồn vật chất, bảo đảm cho bộ đội tác chiến trong chiến dịch. Ngoài ra, hậu cần chiến dịch còn cứu chữa cho 1.487 thương binh, cung cấp lương thực thực phẩm, đối xử nhân đạo với tù, hàng binh địch.

 

Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ngành hậu cần đã tiến bộ vượt bậc, bước đầu xây dựng được cơ sở vững chắc về tổ chức, quan điểm phục vụ và kinh nghiệm bảo đảm hậu cần cho chiến dịch quyết chiến chiến lược. Ðó là kinh nghiệm quý về kết hợp hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân thông qua Hội đồng Cung cấp mặt trận trung ương và các cấp huy động nhân lực, vật lực phục vụ tiền tuyến. Kinh nghiệm về chỉ huy, chỉ đạo hậu cần bảo đảm tính hợp lý, khoa học, hiệu quả thông qua việc phân tuyến bảo đảm hậu cần giữa hậu phương và hậu cần chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Kinh nghiệm tổ chức hậu cần chiến dịch thành các tuyến từ phía sau ra phía trước trên các hướng tác chiến, có khả năng bảo đảm cho mọi tình huống. Ở tuyến chiến thuật, hậu cần đã bảo đảm cho các hình thức tiến công trận địa, tiếp tế bổ sung cho bộ đội đánh lấn; cải thiện sinh hoạt của bộ đội ở trong hầm hào. Việc cứu chữa, vận chuyển thương binh về tuyến chiến dịch thực hiện có kết quả... Công tác vận tải được coi là trung tâm của công tác bảo đảm hậu cần, chú trọng bảo toàn lực lượng chiến đấu dài ngày.

 

--------------

"Trên mặt trận Ðiện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật; khó khăn về cung cấp quả thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu. Chính vì vấn đề cung cấp khó khăn như vậy, cho nên quân địch đã không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. (Trích "Ðiện Biên Phủ - Ðại tướng Võ Nguyên Giáp", NXB Chính trị quốc gia - Hà Nội 1994, Tr.255).