Những thắng lợi liên tiếp của quân và dân ta trên chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên, Khu 5 và Nam Bộ trong năm 1974 và đầu năm 1975 làm nức lòng quân dân cả nước.
Hội nghị Bộ Chính trị, BCH T.Ư Đảng nhận định, cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ chiến lược tổng tiến công vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Cách mạng nước ta đang phát triển sôi nổi với nhịp độ "một ngày bằng 20 năm". Do đó quân và dân ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy trong thời gian ngắn nhất, tốt nhất là thực hiện trong tháng 4, không thể để chậm. Thực hiện chiến lược đó, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn. Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ tiến công đập tan tuyến phòng thủ của địch ở hướng đông và đông nam Sài Gòn, từ Long Bình đến Vũng Tàu, đánh chiếm quận 4 và quận 9 nội thành Sài Gòn, đồng thời có lực lượng thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập.
Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 giao Lữ đoàn xe tăng 203 dùng Tiểu đoàn xe tăng 2 tham gia đột phá mở cửa chiến dịch, Đại đội tăng 4 phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 3 đánh chiếm Bà Rịa - Vũng Tàu. Đại đội tăng 6 cùng Sư đoàn bộ binh 325 diệt địch ở Long Thành, Nhơn Trạch rồi vượt phà Cát Lái đánh vào Sài Gòn, Đại đội tăng 5 hiệp đồng với Trung đoàn bộ binh 9, Sư đoàn bộ binh 304 đột phá tuyến phòng thủ của địch đánh chiếm Trường Thiết giáp, căn cứ Nước Trong, cùng Trung đoàn bộ binh 24 đánh chiếm Long Bình, cầu Xa Lộ tạo thành bàn đạp cho Binh đoàn thọc sâu chiến đấu.
Đội hình chủ lực Lữ đoàn gồm ba tiểu đoàn thiết giáp 1, 4 và 5 được tăng cường tiểu đoàn cao xạ, tiểu đoàn pháo bắn thẳng, một tiểu đoàn công binh, một đại đội bộ binh, tổng cộng hơn 100 xe các loại, đánh địch ở cầu Xa Lộ - Đồng Nai, tiến vào Sài Gòn, chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân và Nhà ngân hàng. Sau năm ngày đêm đánh địch ở Trường Thiết giáp ngụy, Bà Rịa, Long Thành, Nước Trong, Biên Hòa, Đồng Nai, xe tăng của Lữ đoàn dẫn đầu đội hình thọc sâu của Quân đoàn từ hướng đông nam Sài Gòn đè bẹp sự chống cự cuối cùng của địch ở xa lộ Long Bình, cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè, tiến thẳng Dinh Độc Lập, cắm lá cờ giải phóng lên nóc Phủ Tổng thống ngụy, báo hiệu chế độ ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Trận đánh chiếm Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc vẻ vang là kết quả của tư tưởng cách mạng tiến công "Thần tốc, táo bạo, quyết thắng" được hun đúc và kết tinh bởi tinh thần chiến đấu dũng cảm, tài trí thông minh, sáng tạo, biết đánh, biết thắng, không ngại gian khổ, hy sinh của quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân ta, trong đó có đóng góp của Quân đoàn 2 và Lữ đoàn xe tăng 203. Đó là thành công trong nghệ thuật quân sự phối hợp hiệp đồng tác chiến của người chỉ huy binh chủng hợp thành cấp Quân đoàn và cấp Lữ đoàn trong việc nắm thời cơ, sử dụng lực lượng xe tăng phối hợp chặt chẽ với bộ binh trên từng hướng, mũi tiến công, đã phát huy được sức đột kích và hỏa lực mạnh, thọc sâu dũng mãnh, nhanh chóng đè bẹp sức kháng cự cuối cùng, đánh chiếm mục tiêu then chốt được phân công trong thành phố.
Thành tích Lữ đoàn xe tăng 203 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà tiêu biểu là các trận đột phá tuyến phòng thủ Phan Rang, Phan Thiết tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đánh chiếm Dinh Độc Lập đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhì. Nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Lữ đoàn xe tăng 203 được đánh giá là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tặng cờ "Thần tốc, táo bạo, quyết thắng".
Ngày 12-9-1975, xét thành tích 10 năm xây dựng, Chiến đấu và lập công xuất sắc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn xe tăng 203 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Đó là phần thưởng cao quý, phản ánh bước tiến bộ nhanh chóng, vững chắc, trưởng thành vượt bậc của Lữ đoàn xe tăng 203.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn đã đúc rút được nhiều bài học quý báu, cả lý luận và thực tiễn trong chiến đấu cũng như xây dựng đơn vị. Chỉ huy Lữ đoàn đã nhận thức sâu sắc, nhạy bén trước sự phát triển của tình hình cách mạng, có biện pháp tổ chức chỉ huy đúng đắn, phát huy được vai trò lãnh đạo của tập thể và sức mạnh tổng hợp của các tổ chức quần chúng trong mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện, hoàn cảnh, nhất là khi chiến đấu khó khăn, ác liệt, liên tục, dài ngày, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.
Trong chiến đấu, nhiều tập thể Đảng ủy, Chi bộ đã phát huy vai trò lãnh đạo của mình như: Đảng ủy Tiểu đoàn 4 lãnh đạo hành quân, chiến đấu liên tục ba đợt xuất sắc, nhiều chi bộ quyết thắng như: Chi bộ Đại đội xe tăng 3 (Tiểu đoàn 4), chi bộ Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1), chi bộ Đại đội 2 (Tiểu đoàn 5)... Có chi bộ, số cán bộ, đảng viên bị thương và hy sinh nhiều, song vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo, củng cố quyết tâm cho bộ đội tác chiến anh dũng, hiệu quả như chi bộ Đại đội 3 (Tiểu đoàn 4). Trong điều kiện chiến đấu khẩn trương, không họp được Đảng ủy như trước khi đánh vào Long Bình, Sài Gòn, Gia Định, Thường vụ Đảng ủy Lữ đoàn đã phát huy vai trò lãnh đạo, họp bàn phương án tác chiến khẩn cấp; chi ủy, chi bộ Đại đội xe tăng 4, Đảng ủy Tiểu đoàn 1 đã tổ chức hội ý, bàn biện pháp vượt cầu Sài Gòn ngay cạnh xe tăng trong lúc địch đang chống trả quyết liệt. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, Lữ đoàn có vinh dự lớn được thay mặt lực lượng vũ trang nhân dân ta nói chung, lực lượng xe tăng, thiết giáp và lực lượng Quân đoàn 2 nói riêng, cắm lá cờ báo hiệu giờ toàn thắng của dân tộc, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được mỗi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn coi là điều kiện, thời cơ thử thách cao nhất của mình đối với Đảng, đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho nên đã phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trên mọi cương vị công tác. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Lữ đoàn ngày càng trưởng thành lớn mạnh, luôn xứng đáng là đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Sự trưởng thành đó của Lữ đoàn đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng bộ với những chủ trương, biện pháp kịp thời sát đúng, cùng với công tác tổ chức thực hiện kiên quyết, sâu sát, triệt để, chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp và tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, là niềm tin, nguồn sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đã toàn thắng, giai đoạn cách mạng mới đã mở ra, đang chờ đón Lữ đoàn xe tăng 203 vững bước tiến lên, phát huy truyền thống "Thần tốc, táo bạo, quyết thắng", ghi tiếp những chiến công làm rạng rỡ thêm trang sử hào hùng, luôn xứng đáng là lực lượng đột kích quan trọng trong đội hình hùng hậu của Binh đoàn chủ lực.