Chuyện của người lính ở chiến trường B2 năm xưa

15:00, 19/04/2014

Mới đây, tại Văn phòng Tỉnh ủy, tôi tình cờ gặp cựu binh Nguyễn Bá Đài khi ông từ T.P Hồ Chí Minh ra vùng Chiến khu Việt Bắc thăm những người bạn, đồng đội xưa nhân dịp Kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam (30-4) và 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5) tại Thái Nguyên…

Trên mảnh đất Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng, nơi phát tích Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông Đài như được sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc mình. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông còn nhỏ nên chưa hiểu được nhiều nỗi đau thương, nhưng khi lớn lên, đất nước lại chìm trong bom đạn của đế quốc Mỹ, người thanh niên Nguyễn Bá Đài đã gác lại sự nghiệp học tập, tạm biệt gia đình, người thân để xung phong vào Nam đánh giặc.

 

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lùi xa, thế nhưng cứ vào những ngày tháng 4 lịch sử này, ký ức về cuộc chiến năm xưa lại ùa về trong tâm trí ông. Sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, trong gia đình nghèo. Tròn 17 tuổi, nghe tiếng gọi của Tổ quốc, Nguyễn Bá Đài đã bỏ đá vào túi quần cho đủ cân nặng để được đi lính. Sau khám tuyển, trở về nhà đến đêm 26-3-1967, Nguyễn Bá Đài nói với mẹ: Mai con đi bộ đội. Nghe lời nói chắc như đinh đóng cột của người con trai duy nhất trong gia đình, mẹ anh chỉ bảo: “Cho dù rất nhớ và thương con, nhưng con đi vì Tổ quốc, vì nghĩa lớn mẹ ủng hộ...!”. Nói là vậy, nhưng cả đêm đó người mẹ đã khóc rất nhiều, hôm sau cũng chẳng còn đủ sức đưa con lên phố huyện tập trung!

 

Sáng 27-3-1967, Nguyễn Bá Đài và 19 người bạn cùng Trường cấp ba Tiên Lữ được biên chế vào Tiểu đoàn tân binh phía Nam Hưng Yên, rồi tham gia lớp học ngắn hạn về bản đồ tại Hà Nội. Có lẽ đây là khoảng thời gian vui vẻ, hồn nhiên nhất trong cuộc đời người thanh niên Nguyễn Bá Đài, để rồi sau đó là cuộc hành trình đi bộ đúng 5 tháng 24 ngày từ Hòa Bình vào đến chiến trường Đông Nam Bộ (B2). Ông bảo: “Cuộc hành trình gian khổ là vậy, thế nhưng chẳng ai nghĩ điều gì riêng cho bản thân, tất cả đều hừng hực ý chí lên đường và sẵn sàng xả thân vì miền Nam ruột thịt…”.

 

Tại mặt trận B2, ông được giao phụ trách công tác bản đồ (Bộ Tổng tham mưu). Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, bí mật và cần có thông tin thật chính xác trước mỗi trận đánh. Ông bảo: “Khó nhất là việc xác định được, phân tích được chỗ nào có địch, hỏa lực của chúng ra sao… để từ đó xây dựng lên Bản đồ quyết tâm, tham mưu để tác chiến thắng lợi. Bản đồ quyết tâm được giữ bí mật tuyệt đối cho đến giờ G khi ta nổ súng tiêu diệt địch. Tuy vậy, trong cuộc chiến, không phải lúc nào ta cũng thắng, đã có trận đánh ta thất bại. Đó là khi Sư đoàn 5 tiến vào giải phóng Tiểu khu Hớn Quảng, thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay.

 

Trận đánh diễn ra vào 5-1971, sau 15 ngày ta bao vây phía Đông núi Gió thì ta phát hiện địch cho người cầm cờ trắng ra hàng, nhưng thực chất là chúng nghi binh, rồi dùng xe tăng bắn phá khiến quân ta thương vong rất nhiều. Sau thất bại đó, ông và các đồng đội đã rút ra bài học xương máu để rồi có những chiến thắng liên tiếp trong những trận đánh sau này. Hào hứng nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của ông đã tham mưu rất chính xác về tình hình địch, nên những trận chiến từ Thủ đô kháng chiến Lộc Ninh, đi theo sông Sài Gòn về Giàu Tiếng, Tây Ninh, rồi theo Quốc lộ 22 về Sài Gòn, ta thắng như chẻ tre. Ông bảo: “Trong khí thế chiến thắng, chúng tôi tiến về Sài Gòn tiếp quản Bộ Tổng tham mưu quân đội ngụy. Lúc đó vui lắm, người dân ùa ra chào đón đoàn quân giải phóng trong cờ hoa rực rỡ…! Chúng tôi đi trong tâm thế của người chiến thắng, nhưng chẳng hiểu sao nước mắt lại trào…!”.

 

Đất nước thống nhất, bản lĩnh người lính Cụ Hồ trong ông lại tỏa sáng. Ông là người nổi tiếng trong làm kinh tế và hoạt động xã hội. Đầu tiên, ông chuyển về công tác trong ngành Dầu khí, rồi sau đó làm Giám đốc Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam). Công ty do ông lãnh đạo là đơn vị tiên phong trong ngành thực phẩm ăn liền Việt Nam với thương hiệu Vifon đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ở thập niên 90, Vifon trở thành công ty đầu tiên trong xu hướng đóng gói những món ăn đặc sản Việt Nam. Và cũng chính vì thế mà ông được mệnh danh là “vua” mì VIFON Việt Nam một thời!

 

Năm 2002, ông được Nhà nước cho về nghỉ hưu, tuy nhiên ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Ông bảo: “Mình đã may mắn hơn nhiều đồng đội khác là được sống trở về với gia đình, quê hương thì nay phải sống sao cho xứng với những hy sinh, mất mát của đồng đội mình…”. Điều trăn trở nhất đối với ông lúc này là vẫn còn những đồng đội hy sinh mà người thân vẫn chưa tìm thấy hài cốt; vẫn còn những gia đình thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, những thanh niên xung phong đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn… Và cũng có lẽ vì những điều đó đã thôi thúc ông vào Nam, ra Bắc để gây dựng, phát triển phong trào tương thân, tương ái đối với những đồng đội xưa!