Đến xóm Gò Chè, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), không khó để chúng tôi tìm được nhà ông, bởi nhắc đến người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, người dân nơi đây ai cũng biết. Ông là Cao Xuân Mai, 81 tuổi, cựu thành viên của Đại đội Độc lập - Đại đội súng máy 12,7mm (thuộc Tiểu đoàn D73, Đại đoàn 351, Trung đoàn 367 - đơn vị Phòng không không quân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam).
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, màu của thời gian đã nhuộm lên màu tóc ông, điểm trên da ông những nốt đồi mồi, duy chỉ có nụ cười vẫn vẹn nguyên vẻ tươi trẻ khi ông kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm sâu sắc trong thời gian ông tham gia kháng chiến. Với giọng trầm ấm, ông Mai kể: Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ, năm 1952, khi đó tôi là thợ tiện của Xưởng Vô tuyến điện Đông Bắc, Cục Thông tin liên lạc, đóng ở xã Trung Hội, huyện Định Hóa. Tôi cùng nhóm ánh sáng có nhiệm vụ 1 tuần 2 lần mang bình ắc quy đã được nạp đầy, men theo đường rừng đem đến nơi ở của các cán bộ lãnh đạo. Dạo ấy, khi hoàn thành xong công tác chiếu sáng cho một hội nghị quan trọng, Nhóm chúng tôi được Bác Hồ cho 1 hộp thuốc lá đựng trong hộp sắt, rồi Bác hỏi thăm sức khỏe, động viên và dặn dò anh em trong Nhóm cần cố gắng, nhất là thanh niên trẻ phải luôn rèn luyện và không ngừng phấn đấu. Những lời nói ấm áp, chân tình ấy của Bác luôn theo tôi suốt những chặng đường sau này.
Cuối năm 1953, khi đó ông Mai tròn 20 tuổi, trong bầu không khí sôi sục của cách mạng, ông lên đường tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sau đó được điều về Đoàn 99, được huấn luyện pháo cao xạ 12,7mm tại huyện Đại Từ. Sau quá trình học tập và huấn luyện, Đoàn 99 bắt đầu cuộc hành trình hành quân lên Tây Bắc. Để đến được Điện Biên, đoàn của ông phải vượt qua những vách núi, đèo sâu, băng rừng hành quân trong đêm. Vừa hành quân vừa chiến đấu, quãng đường đi dài hơn 500km, cứ đi 3 đêm nghỉ 1 đêm, ban ngày tranh thủ ngủ, kiểm đếm quân, tư trang, lương thực và bàn kế hoạch chiến đấu. Nhiệm vụ của các chiến sĩ pháo cao xạ là bắn phá các mục tiêu trên không, các loại máy bay tầm thấp của quân Pháp. Xác định được mục tiêu, từng nhóm có 3 người phụ trách một khẩu súng máy 12,7mm, một người sẽ điều chỉnh ống ngắm, một người ngắm bắn và người còn lại phải nhanh nhẹn liên tục lắp và thay băng đạn, cứ như thế tạo nên một thế phối hợp nhịp nhàng trong khâu tác chiến.
Nhớ lại những trận chiến dai dẳng, căng thẳng, ông kể: Có những trận chiến kéo dài hàng tuần nên mỗi khi trời hửng sáng, tôi cùng đồng đội tranh thủ đào công sự, sâu hơn 1 mét, sau đó đắp ụ gỗ chắc chắn phía trên, đó vừa là nơi phục vụ chiến đấu vừa để trú ẩn. Máy bay địch gầm rú, những trận mưa bom ác liệt như dày xé nát bầu trời, nhất là ở bến phà Tạ Khoa, đèo Pha Đin. Chúng thả nhiều loại bom trong đó loại bom phi giăng có sức tàn phá rất lớn, bom khi nổ sẽ vỡ thành nhiều mảnh, bay xiên chéo từng tầng, giống thuật ném đá trên mặt sông, sẽ lần lượt gây sát thương theo hướng văng của mảnh vỡ, cây cối đổ rạp hàng loạt, đồng đội của ông có nhiều người hy sinh nhưng chỉ kịp mai táng tạm bợ bên bờ suối, ven rừng. Nói đến đây ông đưa tay lau những giọt nước mắt, quá khứ đau thương ấy đến giờ vẫn luôn khắc khoải trong tâm trí ông.
Những khó khăn, mất mát ấy càng khiến cho tinh thần chiến đấu của người ở lại như ông thêm kiên cường hơn, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn tự nhủ phải vượt qua, đói rét bệnh tật cũng không được phép nhụt chí sờn lòng. Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ, ông kể: Lần đó, súng bị hỏng kim hỏa, ông cùng đồng chí Khang được cấp trên phân công đến xưởng công binh sửa chữa, quãng đường đi từ bến phà Tạ Khoa, qua Hát Nót, suối Cò Nòi đến xưởng hơn 40km. Trong lần đi này ông bị cảm, phải vào Trạm Y tế dân y Nà Sản, có 4 người dân tộc Thái đan phên nứa làm cáng chở ông băng qua rừng. Do mất nước, sốt rét nên ông nằm thiếp đi nhưng súng vẫn nắm chắc trên tay. Dọc đường, thấy một nhóm người đi từ xa, nghi ngờ là quân Pháp, ông bật dậy hét lớn: Hô lê manh (giơ tay lên), Xu hiên đìa (đầu hàng đi), hóa ra họ là người dân trong bản; ông cười to rồi nói với chúng tôi: Thế đấy các cháu, người chiến sĩ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải chắc tay súng, không được đầu hàng những khó khăn khắc nghiệt.
Lần ấy, ông may mắn gặp được đoàn dân công Thanh Hóa đi tải gạo, được cho thuốc uống, khi bệnh đỡ ông tiếp tục đi không ngừng nghỉ, hơn 1 ngày thì đến nơi. Vì phương tiện chiến đấu của quân ta rất hạn chế nên khi súng hỏng, ông xác định phải đem đi sửa thật mau, mang về kịp thời. Với thành tích đó, năm 1955, ông được Chính ủy Đoàn Phụng khen thưởng: Đạt thành tích phục vụ đơn vị trong kỳ chỉnh huấn đoàn công pháo 351. Khi tổng kết, Tiểu đoàn D73 của ông được thông báo là đã bắn rơi được 3 chiếc máy bay: hen cát, đa cô ta và bê vanh sít (B26), anh em chiến sĩ trong đoàn ai cũng vui mừng, phấn khởi, những trận chiến sau này càng quyết tâm cao hơn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn của ông Mai tiến quân về tiếp quản Thủ đô rồi sau đó ông tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với nhiều cống hiến và đóng góp to lớn, ông đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước. Ông Mai tâm sự: Đến giờ ông chỉ mong có được sức khỏe tốt để mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, có cơ hội được gặp lại đông đủ những đồng đội năm xưa đã cùng tham gia chiến dịch.