Cực Bắc, ngời tươi cờ Tổ quốc

14:37, 18/04/2014

Chợt giữa mênh mông cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), đỉnh Lũng Cú hiện lên trong lồng lộng mây trời, gió biên cương hào phóng, cờ Tổ quốc tung bay khẳng định chủ quyền của một đất nước có 54 dân tộc anh em.

Với tôi, từng nhiều lần lên vùng đất nơi thượng cùng cực Bắc, nhưng lần nào đến đây, ngước nhìn lên ngọn núi Rồng, cũng thấy lòng mình trào dâng nỗi niềm cảm động. Nói đúng hơn, không chỉ riêng tôi, mà tất cả con dân đất Việt khi đặt chân tới vùng đất mà mỗi ngọn gió cũng mang theo hồn thiêng sông núi của một miền biên viễn hào hùng, đều có phút giây bỗng thấy trái tim dồn nhịp đập vì niềm tự hào dân tộc.

 

Lần trở lại này, khi đến chân cột cờ Lũng Cú, chúng tôi thấy lòng như chợt rạo rực hơn, bởi đây là chuyến đi vào những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm trọng đại: 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 60 năm Ngày giải phóng Điện Biên và 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, lòng dạ ai nấy ngổn ngang xúc động.

 

Nhớ ngày cách đây hơn 3 năm trước, khi đứng dưới chân cột cờ ở đỉnh núi Rồng, Thượng tá Nguyễn Hải Lý, Trưởng đồn Biên phòng Lũng Cú hóm hỉnh nói: Các anh, chị từ Báo Thái Nguyên, nơi thủ phủ gió ngàn đã mang nắng ấm của miền đất “nửa đồng, nửa núi” lên nơi biên ải cho chúng tôi.

 

Anh Lý là người con của vùng quê Thanh Thuỷ (Phú Thọ). Vào quân ngũ, làm sĩ quan biên phòng từ hơn ba chục năm nay. Đời lính, xa nhà mãi cũng quen, đến cả vợ, con ở quê cũng quen một năm có 1 kỳ phép, vội thăm hai bên nội, ngoại, việc nhà trông cả vào đôi bàn tay khéo léo của vợ. Anh bảo: “Lính là thế, vô tư đi”. Nhưng tôi biết trong sâu thẳm lòng anh cũng có những phút giây chạnh lòng nghĩ suy về cuộc đời, về nhân tình thế thái. Song anh không cho phép mình có giây phút lơ là trước nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.

 

Ngay trước sân Đồn biên phòng Lũng Cú (xã Ma Lé), những gốc đào cổ đã bao mùa nở rực hoa, rồi đơm quả ngọt, thì bấy nhiêu mùa trôi qua, vương lại trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Từ đỉnh núi Rồng ngước trông lên thấy lá cờ đỏ, sao vàng tung bay giữa đại ngàn của cao nguyên đá. Lúc dũng mãnh kiên cường, khi mềm như tiếng khèn của chàng trai người Mông xuống núi, nhắm mắt lại còn nghe thấy cờ Tổ quốc tung bay, mềm mại vỗ về như câu hát của người sơn nữ Lô Lô.

 

Kể từ thuở các Vua Hùng dựng nước cho tới ngày nay, miền biên viễn nơi cực Bắc được con cháu đời đời gìn giữ vẫn vẹn nguyên từng tấc đất. Nhưng cũng suốt dòng lịch sử hơn bốn nghìn năm, vùng đất biên cương này ví tựa bản trường ca có khi thăng, lúc giáng; có những cung bậc bi tráng, hào hùng như ngọn nguồn dòng sông Nho Quế bên Mù Cảng, Vân Nam (Trung Quốc) đổ vào Lũng Cú, đất Việt.

 

Từ bản Séo Lủng, nơi “chóp nón” địa đầu trên bản đồ Tổ quốc, có thể nhìn tới mặt sông, hun hút một màu xanh yên bình. Nhưng đã là sông thì tránh sao khỏi lúc lên ghềnh, xuống thác. Không nằm ngoài quy luật ấy, dòng Nho Quế ùa chảy vào Việt Nam, khởi đầu từ Lũng Cú (Đồng Văn), sang Cốc Pàng (Bảo Lạc-Cao Bằng), lại quay ngoắt về Tĩnh Tây (Trung Quốc).

 

Một dòng sông đỏng đảnh nhưng cũng đầy cay nghiệt. Bởi sông đấy, nước đấy, mà những tháng khô hạn trong năm, nhiều cư dân bên bờ nhìn thấy nước chẩy hoài mà miệng chịu khô khát. 2 chiến sĩ biên phòng còn rất trẻ ở Trạm gác Lũng Cú tâm sự: Nước sinh hoạt năm nào cũng bắt đầu thiếu từ cuối mùa mưa. Suốt mấy tháng mùa khô, cán bộ, chiến sĩ Đồn cũng... ít tắm. Lính tránh toàn đàn ông với nhau thì chẳng sao, nhưng thỉnh thoảng cán bộ, chiến sĩ nào đón vợ lên chơi thì thôi rồi... thương lắm. Chị nào sơ ý dội ào ào vài xô cho sạch sẽ bụi đèo Bắc Sum (Quản Bạ), dốc Cổng trời (Yên Minh) thì ai nấy gan ruột bồn chồn vì sợ hết nước thổi cơm. Cũng may, những người phụ nữ làm vợ bộ đội biên phòng cũng biết ý tứ lắm, nên chuyện nước dội cả thùng chưa có. Cũng vì ở đây, các ông chồng biên phòng hễ vừa thấy vợ lên là nhắc nhỏ: Nước, cán bộ, chiến sĩ Đồn phải uống dè em ạ... Tôi biết, các chiến sĩ biên phòng bên Trạm gác Mã Nùng Kha cũng phải tằn tiện từng gáo nước trong sinh hoạt hằng ngày.

 

 Đường dưới chân cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang).

 

Suốt mấy tháng mùa khô, cánh lính biên phòng đều ngầm hiểu nước trước tiên phải dành cho nấu ăn, việc tắm giặt hạn chế. Để duy trì nước cho sinh hoạt, hằng ngày anh em bộ đội phải cắt cử nhau tìm vào các khe đá lấy nước về dùng. Mà bây giờ đường lên Lũng Cú đã có nhiều thuận lợi hơn, nhưng các cua dốc nối nhau, cánh lái xe ở Hà Giang bảo: Những đoạn đường có dốc liền dốc ngúc ngoắc cua tay áo, chúng tôi bảo đó là “những cung đường say xe”. Người khỏe, quen đường cũng muốn lả đi, còn người yếu thì nằm oặt oẹo không dám mở mắt. Cũng chính nơi này tôi được cán bộ chiến sĩ biên phòng kể cho nghe chuyện năm nọ, Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình phát sóng trực tiếp, trong đó Lũng Cú được Ban tổ chức chọn làm một điểm cầu. Trong quá trình chuẩn bị, Trung tá Vũ Ngọc Lâm, Chính trị viên đơn vị khi đi thị sát vị trí đặt máy giúp đoàn Truyền hình, lúc xe ô tô xuôi dốc từ đỉnh núi Rồng xuống, xe đột ngột bị mất phanh, tai nạn đã xảy ra.

 

May, vụ đổ đèo đó không ai bị sao, riêng Trung tá Lâm thì “nghiến răng cười” để mọi người yên tâm. Chỉ có anh em trong đơn vị biết vụ đó anh bị gẫy một chân, phải nằm viện điều trị cả tháng trời. Sau này được hỏi, Trung tá Lâm bảo: Đã là lính biên phòng thì màng gì chút đau đớn thể xác. Mà khi đó mình kêu đau, biết đâu anh em thực hiện cầu truyền hình lo lắng, nhiệm vụ không hoàn thành.

 

Chợt đâu đó, một cơn gió lạc loài giữa cao nguyên đá mênh mông lướt đến, khiến đôi mắt tôi cay xè, trong lồng ngực như có vật gì đó trào dâng, làm tôi nghẹn lòng cảm xúc trở về với hiện tại. Chị Thèn Thị Hoa, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Đồng Văn được giao nhiệm vụ hướng dẫn cho du khách trong nước và quốc tế về lịch sử của ngọn cờ Tổ quốc nơi biên viễn cực Bắc. Xúng xính trong bộ trang phục của người dân tộc Lô Lô, chị đưa chúng tôi bước trên 389 bậc đá đến bệ chân cờ ở đỉnh núi Rồng. Chị cho biết: Cột cờ Lũng Cú được xây dựng từ thời Lý Thường Kiệt, khoảng năm 1075. Cột cờ được dựng bằng cây xa mộc. Trải qua gần 1.000 năm, cột cờ được nhiều lần xây dựng lại. Việc xây dựng gần đây nhất vào năm 2000, và năm 2010 cột cờ được trùng tu lại. Tổng chiều cao của cột cờ là 34,85 mét, trong đó phần chân cột cao 20,25 mét, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8 mét. Chân và bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn của trống đồng Đông Sơn và các họa tiết mô phỏng quá trình dựng nước, giữ nước và Hà Giang trong tương lai. Trên đỉnh có cán cờ cao 9 mét cắm quốc kỳ Việt Nam. Quốc kỳ có chiều dài 9 mét, rộng 6 mét và tổng diện tích quốc kỳ rộng 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam…

 

Giây lát dừng lời, chị tiếp tục câu chuyện: Ông Hùng Đình Quý, người dân tộc Mông, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn là người đề suất với cơ quan chức năng Nhà nước cho treo lá cờ rộng 54 mét vuông này. Để mọi người dân dưới chân núi Rồng hằng ngày đều được nhìn thấy lá cờ đỏ tươi có ngôi sao vàng năm cánh tung bay, hãnh diện trong bất cứ thời tiết khắc nghiệt nào.

 

Từ chân cột cờ có thể “phóng mắt” ngắm nhìn những thung lũng ngô của Thèn Ván; Séo Lủng và Thèn Pả, Lô Lô Chải, Tả Gia Khâu, Sán Chồ... chứng kiến sự đổi mới của đồng bào các dân tộc Mông, Lô Lô ở đây. Ông Ly Mí Ná, cư dân xã Lũng Cú cho biết: Những năm gần đây, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi “tột Bắc” đã có nhiều thay đổi. Vào ngày mùa, cánh đồng lúa giống mới đã chín vàng, bên triền núi đá, cây po cừ (ngô) đã có bắp chắc, hạt mẩy. Cũng qua trò chuyện với cán bộ, đồng bào ở đây, chúng tôi được biết thêm: Xã Lũng Cú có hơn 700 hộ, gần 4.000 nhân khẩu cùng đoàn kết sinh sống tại 9 bản làng. Người Mông chiếm gần 90%, còn lại là đồng bào người dân tộc Lô Lô Chẩy. Thu nhập trung bình của người dân đạt gần 400kg lương thực/năm. Tuy đời sống của mỗi gia đình còn chưa hết khó khăn, nhưng đồng bào đều cho con em đến trường học chữ. Đó là ngôi trường ở ngay dưới chân núi Rồng. Và nơi mảnh đất có đôi mắt Rồng (2 hồ nước trên lưng núi) đã có những người con trưởng thành và chọn nghề dạy chữ, như: Ly Thị Máy, Vừ Thị Mỷ, Giàng Mí Say... Không chỉ dạy chữ, các thầy cô giáo Máy, Mỷ, Say… còn là người dạy cho các em - những chủ nhân tương lai của đất nước về truyền thống hào hùng của dân tộc. Các em sẽ là người viết tiếp bản Anh hùng ca về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.